Thẻ bảo hiểm y tế với đồng bào dân tộc thiểu số

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thời gian điều trị bệnh lao kéo dài từ 6 - 8 tháng, thậm chí lên tới 2 năm nếu là lao kháng thuốc. Do đó, có thẻ bảo hiểm y tế sẽ giảm chi phí đáng kể cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số.
Sàng lọc lao chủ động miễn phí cho người dân xã Phú Cần, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai. (Ảnh: PV)
Sàng lọc lao chủ động miễn phí cho người dân xã Phú Cần, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai. (Ảnh: PV)

Phát hiện lao qua khám sàng lọc từ cơ sở

Để thực hiện mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2035, tỉnh Gia Lai đang tăng cường công tác phòng, chống, sàng lọc lao trong cộng đồng nhằm phát hiện nguồn lây, điều trị sớm và duy trì tỷ lệ khỏi bệnh trên 90%.

Biết mình mắc lao từ Chương trình khám sàng lọc lao miễn phí của Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến sức khỏe cộng đồng (SCDI) triển khai trên địa bàn tỉnh Gia Lai, ông La O Dắc (dân tộc Chăm), xã Đất Bằng, huyện Krông Pa (Gia Lai) đã không khỏi lo lắng vì viện phí. Tuy nhiên, nhờ có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), suốt 6 tháng ròng chữa bệnh, ông La O Dắc được hỗ trợ tiền thuốc từ BHYT.

Theo y sĩ Rơ Châm Lộc, ông La O Dắc là một trường hợp trong xã phát hiện mắc bệnh lao nhờ chương trình khám sàng lọc từ SCDI. Đất Bằng là xã vùng cao khó khăn của tỉnh Gia Lai, bà con chủ yếu sống bằng nghề làm nương rẫy, trồng sắn, kinh tế rất eo hẹp nên để điều trị bệnh kéo dài như bệnh lao sẽ rất khó khăn nếu không có BHYT.

Do có các triệu chứng ho, tức ngực và sụt cân, chị RCom H’Mit và anh Siu Tem, người dân xã Phú Cần, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai được mời đến nhà văn hóa Buôn Tang khám sàng lọc vì nghi ngờ mắc bệnh lao. Chị RCom H’Mit cho biết, dù có triệu chứng ho về ban đêm, khó thở, kém ăn nhưng vì không có thẻ BHYT nên cũng không đi khám bệnh. Hơn nữa, chị không biết về bệnh lao nên cũng chỉ nghĩ bị ho do thời tiết. Lần đầu tiên được khám sàng lọc lao, chị cùng chồng có mặt từ sớm để được bác sỹ thăm khám.

Bệnh nhân lao có thẻ BHYT tại Krông pa ( Gia Lai).

Bệnh nhân lao có thẻ BHYT tại Krông pa ( Gia Lai).

Tương tự, chị Ksor H’ Chuyên cũng đã có thời gian bị ho kéo dài, sốt về chiều và sút cân. Chỉ nghĩ mình bị ho và mệt mỏi, nên tự ra hiệu thuốc mua thuốc về điều trị, bệnh không thuyên giảm mà còn nặng hơn. Đầu năm 2023, chị được Trạm Y tế xã Phú Cần mời đi khám sàng lọc tại Nhà văn hóa Buôn Tang, lấy mẫu đờm nên mới biết mình mắc bệnh lao. Sau 6 tháng điều trị tích cực, nay ra khám lại thì sức khỏe đã dần hồi phục, chị có thể đi làm lại bình thường.

Đó là ba trong số những bệnh nhân ở xã Phú Cần, huyện K.rông Pa được phát hiện nghi mắc lao tiềm ẩn và bệnh lao phổi từ Chương trình khám sàng lọc lao cộng đồng miễn phí của Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) phối hợp cùng y tế tỉnh Gia Lai triển khai từ năm 2022 đến nay.

Theo bà Kso H'Đông - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Phú Cần, xã có hơn 5.600 nhân khẩu với 70% là đồng bào dân tộc, nơi có nhiều bệnh nhân lao và lao tiềm ẩn. Đợt sàng lọc lao lần này, SCDI và Y tế huyện Krông Pa thực hiện sàng lọc lao (chụp X-quang) cho 277 người. Qua đó phát hiện 13 người có bất thường nghi lao được chỉ định lấy mẫu đờm làm xét nghiệm Gene-Xpert và 27 người được tiêm thuốc Mantoux xét nghiệm lao tiềm ẩn. Trong năm 2022 và 8 tháng năm 2023, SCDI phối hợp cùng y tế huyện Krông Pa tổ chức 32 cuộc sàng lọc cộng đồng cho hơn 9.500 người dân, giúp phát hiện 112 ca mắc lao và 113 trường hợp lao tiềm ẩn.

Nhiều người bỏ điều trị nếu không có BHYT

Trước đây, thuốc chống lao được cấp miễn phí để người bệnh điều trị lao nhưng bắt đầu từ tháng 7/2022, bệnh viện triển khai cấp thuốc chống lao bằng nguồn Quỹ BHYT. Đến nay sau hơn 1 năm triển khai, tấm thẻ BHYT đã thực sự là người bạn “cứu cánh” cho bệnh nhân lao, nhất là những trường hợp phải điều trị dài ngày.

Cũng theo bà H'Đông, Phú Cần là xã khó khăn, bà con chủ yếu sống bằng nghề làm nương rẫy, kinh tế eo hẹp, hiểu biết về bệnh lao còn ít. Cùng với đó, nhiều người chủ quan nên khi mắc bệnh nặng phải điều trị kéo dài, uống thuốc không đều theo chỉ định của bác sĩ khiến khó khỏi bệnh, thậm chí dẫn đến kháng thuốc và dễ làm lây nhiễm trong cộng đồng. Người dân bị ho, bệnh nhưng thường chỉ đi khám bình thường, họ không nghĩ ở tình trạng nặng. Qua khám sàng lọc lao, họ được phát hiện bệnh và được điều trị. Địa bàn xã là xã vùng 1, tỷ lệ người dân tham gia BHYT rất thấp, qua khám sàng lọc, ca nào phát hiện lao được hỗ trợ về BHYT thì họ sẽ điều trị, những ai không có BHYT là bỏ điều trị.

Bệnh nhân lao có thẻ BHYT tại Krông pa ( Gia Lai).

Bệnh nhân lao có thẻ BHYT tại Krông pa ( Gia Lai).

Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Gia Lai phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng tổ chức 30 cuộc sàng lọc lao miễn phí cộng đồng tại 26 xã của 3 huyện: Krông Pa, Đức Cơ, Ia Pa, trong đó huyện Krông Pa được thực hiện toàn huyện.

Theo bà Kiều Thị Mai Hương - chuyên viên phụ trách chương trình sàng lọc lao cộng đồng tại Gia Lai (SCDI), sàng lọc lao trong cộng đồng cho thấy nguồn lây trong cộng đồng còn nhiều, bệnh nhân lao kháng thuốc vẫn còn là vấn đề khó khăn trong công tác phòng - chống lao tại tỉnh Gia Lai. Bà Hương chia sẻ: “Chúng tôi cũng đã làm việc với Trung tâm Y tế, Trạm Y tế để làm sao đẩy mạnh công tác tuyên truyền và quan tâm hơn nữa công tác dự phòng, điều trị, có như thế thì mới cắt đứt được nguồn lây, nếu chờ đến khi bị bệnh mới phát hiện thì bệnh trở nặng rồi”.

Việt Nam hiện là một trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới với hơn 172.000 người mắc bệnh và 10.400 người chết vì bệnh lao (báo cáo WHO 2020). Trong đó, 63% bệnh nhân lao thường, 98% bệnh nhân lao kháng thuốc và gia đình đối mặt với những chi phí thảm họa - nghĩa là chi phí cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh lao vượt quá 20% thu nhập hàng năm của cả hộ gia đình; 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động.

Thống kê cũng cho thấy, hiện nay có khoảng 70% bệnh nhân lao thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo. Dù thuốc chống lao được cấp miễn phí song với thời gian điều trị kéo dài cùng với nhiều bệnh lý kèm theo nên chi phí điều trị cho một bệnh nhân có thể lên tới vài trăm triệu đồng.

Bà Kiều Thị Mai Hương cho biết, hiện chi phí điều trị lao đã được BHYT chi trả, trong khi đó các nghiên cứu gần đây cho thấy, nếu tuân thủ phác đồ điều trị bệnh lao có thể hoàn toàn chữa khỏi. Do vậy, cần có những chính sách hỗ trợ bảo đảm 100% bệnh nhân lao có thẻ BHYT.

Việc chuyển đổi cơ chế mua sắm, thanh toán thuốc chống lao từ ngân sách nhà nước sang BHYT đã bắt đầu được triển khai, tuy nhiên nhiều địa phương gặp khó khăn và vướng mắc cần được Chương trình Chống lao cùng Bộ Y tế, cơ quan BHXH Việt Nam hỗ trợ tháo gỡ.

Về chính sách BHYT cho đồng bào dân tộc thiểu số, theo ông Đào Việt Ánh - Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trước đây việc hỗ trợ thẻ BHYT cho đồng bào dân tộc thực hiện Quyết định 861 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên khi sửa đổi, rất nhiều đồng bào dân tộc thiểu số chưa được Nhà nước hỗ trợ tham gia BHYT. Ông Ánh chia sẻ: “Chúng tôi đã kiến nghị trong việc sửa đổi Nghị định 146 của Chính phủ về BHYT, trong đó đưa đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số là đối tượng được Nhà nước hỗ trợ. Trong khi Nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện việc hỗ trợ. Trước đây chúng ta tính có 2 triệu người chưa được hưởng nhưng hiện nay đã có 70% trong số này được các địa phương hỗ trợ mua BHYT”.

Đọc thêm