Tuy nhiên, trên thực tế, chỉ có 1/3 bệnh nhân mắc ung thư vú tập luyện đầy đủ theo lời khuyến cáo, một nghiên cứu mới của các nhà khoa học Mỹ được công bố trên tạp chí Ung thư cho biết.
Ung thư vú là loại ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ và cũng là nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất ở phụ nữ trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, Hà Nội và TPHCM có số lượng người mắc bệnh ung thư vú cao nhất với tỷ lệ 30/100.000 người tại Hà Nội và 20/100.000 người tại TP.HCM (năm 2010).
Các nhà nghiên cứu Mỹ đã theo dõi về mức độ tập luyện trước và sau khi được chẩn đoán mắc bệnh của 1.735 phụ nữ ở độ tuổi 20-74, mắc bệnh trong khoảng từ năm 2008 đến năm 2011 ở Bắc Carolina.
Ở Mỹ và Anh, những người trưởng thành được khuyến cáo tập luyện ít nhất 150 phút với cường độ trung bình hay 75 phút với cường độ cao mỗi tuần. Những phát hiện của nghiên cứu cho thấy, chỉ 35% bệnh nhân tập luyện đầy đủ theo lời khuyên của bác sĩ.
Bà Caroline Dalton, chuyên gia nghiên cứu Ung thư vú, cho biết: “Hoạt động thể chất sau ung thư vú đã được chứng minh là giúp cải thiện cơ hội sống của bệnh nhân, đồng thời giảm nguy cơ mắc ung thư vú trở lại. Tập luyện tích cực có thể giúp bệnh nhân đấu tranh với bệnh tật bằng cách cải thiện sức khỏe và có một thái độ sống lạc quan trong thời gian điều trị và sau điều trị. Trong thời gian này, chưa có những hướng dẫn cụ thể về mức độ tập luyện dành cho bệnh nhân mắc ung thư vú nhưng bạn nên tập khoảng 3,5 tiếng mỗi tuần”.
Baroness Delyth Morgan, Giám đốc điều hành của Chiến dịch Ung thư vú, nói rằng: “Nghiên cứu mới này cho thấy, chỉ cần tập luyện tích cực hơn một chút, bệnh nhân ung thư vú cũng có thể cải thiện cơ hội sống. Đây là lý do phụ nữ nên có một kế hoạch chăm sóc sức khỏe rõ ràng, trong đó bao gồm chế độ ăn uống và tập luyện”.