Tờ The Straits Times dẫn lời ông Ian Storey – một học giả cao cấp và là một chuyên gia về các vấn đề an ninh hàng hải khu vực tại Viện Iseas-Yusof Ishak ở Singapore – cho rằng, những sự việc diễn ra ở biển Đông trong vài tuần qua đang dần trở thành thông lệ mới.
“Căng thẳng hạ nhiệt rồi lại gia tăng ở biển Đông. Tôi lo rằng tình hình có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn, chủ yếu là do những cơ sở trên những đảo được bồi lấp đang dần đi vào hoạt động” – ông cho hay.
Nhận định của ông Storey được đưa ra sau khi trong những ngày qua Trung Quốc đã cho 3 máy bay hạ cánh xuống sân bay mà nước này xây dựng bất hợp pháp trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ông Storey dự đoán 3 đường băng mà Trung Quốc đang xây dựng bất hợp pháp ở biển Đông sẽ đi vào hoạt động trong vài tháng tới.
“Điều đó đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ có thể tăng cường sự hiện diện ở biển Đông. Và việc đó nhiều khả năng sẽ gia tăng căng thẳng và dẫn tới nhiều sự cố hơn” – ông nói thêm.
Theo học giả này, một số sự cố thực chất đã xảy ra, như việc Việt Nam đã công bố những hình ảnh tàu Trung Quốc đâm tàu cá của Việt Nam. “Tôi nghĩ rằng không nước nào muốn xung đột xảy ra nhưng tôi nghĩ vấn đề chỉ là thời gian” – ông nói thêm và cảnh báo những sự cố có thể đưa đến kết quả tồi tệ là có người chết.
Còn tờ Philstar dẫn lời cựu Cố ấn An ninh quốc gia, sỹ quan Hải quân Philippines Roilo Golez thì nói rằng những việc vừa xảy ra cho thấy Trung Quốc rõ ràng đang phô diễn sức mạnh quân sự và đang quyết tâm giành được ưu thế trên không tại khu vực.
Theo ông Golez, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã cảnh báo rằng những cơ sở của Trung Quốc trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa sẽ tạo điều kiện để Trung Quốc có thể triển khai nhiều loại máy bay khác nhau, trong đó có các máy bay ném bom và máy bay không người lái trong khu vực.
“Nói chung, các cơ sở đó có thể giúp Trung Quốc cải thiện khả năng triển khai sức mạnh trên không trên khắp vùng biển Đông, tăng cường ưu thế trên không của nước này, cải thiện khả năng chống xâm nhập và tiếp cận của quân đội Mỹ đối với khu vực và có thể đưa tới việc tuyên bố hình thành một Vùng nhận dạng phòng không biển Đông trong tương lai” – ông Golez cho hay.
Trong bối cảnh như vậy, ông này thúc giục Philippines cùng các nước khác như Việt Nam, Mỹ, Nhật Bản mạnh mẽ phản đối các chuyến bay thử nghiệm của Trung Quốc tới các sân bay mà nước này xây dựng phi pháp ở đá Chữ Thập.
Phát biểu hôm 8/1, Tổng thống Philippines Benigno Aquino cho rằng các nước cần gia tăng áp lực để buộc Trung Quốc phải thảo luận để đi đến việc đạt được Bộ quy tắc ứng xử (COC) và tuân thủ các quy tắc trên biển Đông.
"Mỹ, Philippines chuẩn bị họp 2+2"
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin cho biết, cuộc họp giữa các bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao của nước này và Mỹ sẽ được tổ chức vào ngày 12/1 tại Washington.
“Chúng tôi sẽ thảo luận về quan hệ song phương và biển Đông có thể là một vấn đề trong chương trình nghị sự” – ông Gazmin nói. Hiệp định hợp tác quốc phòng nâng cao giữa Mỹ và Philippines được ký năm 2014 cũng là một trong những vấn đề 2 bên chú ý tại cuộc họp tới, Inquirer dẫn lời ông Gazmin cho biết.
Cuộc họp 2+2 được ông Gazmin và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter nhất trí tổ chức thường niên để thảo luận về các vấn đề an ninh khu vực. Cuộc họp này được xem là cơ chế tham vấn chính sách ở mức độ cao nhất giữa Manila và Washington.
Trước cuộc họp, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại một cuộc họp báo diễn ra hồi tuần trước cho biết ông đã và đang thực hiện các cuộc tham vấn với các đồng minh của Mỹ ở khu vực về các diễn biến gần đây trên biển Đông./.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin cho biết, cuộc họp giữa các bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao của nước này và Mỹ sẽ được tổ chức vào ngày 12/1 tại Washington.
“Chúng tôi sẽ thảo luận về quan hệ song phương và biển Đông có thể là một vấn đề trong chương trình nghị sự” – ông Gazmin nói. Hiệp định hợp tác quốc phòng nâng cao giữa Mỹ và Philippines được ký năm 2014 cũng là một trong những vấn đề 2 bên chú ý tại cuộc họp tới, Inquirer dẫn lời ông Gazmin cho biết.
Cuộc họp 2+2 được ông Gazmin và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter nhất trí tổ chức thường niên để thảo luận về các vấn đề an ninh khu vực. Cuộc họp này được xem là cơ chế tham vấn chính sách ở mức độ cao nhất giữa Manila và Washington.
Trước cuộc họp, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại một cuộc họp báo diễn ra hồi tuần trước cho biết ông đã và đang thực hiện các cuộc tham vấn với các đồng minh của Mỹ ở khu vực về các diễn biến gần đây trên biển Đông./.