Những thành tựu toàn diện
Tại Ðại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI diễn ra tháng 12/1986, trên cơ sở tổng kết thực tiễn, Đảng ta đã đề ra đường lối đổi mới, mở ra bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Từ năm 1986 đến nay, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam không ngừng tăng lên. Từ chỗ thường xuyên nhập siêu, Việt Nam đã chuyển sang cân bằng xuất, nhập khẩu, sau đó là xuất siêu. Năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt trên 517 tỷ USD, xuất siêu hơn 11 tỷ USD, là mức cao nhất từ trước tới nay. Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã có mặt ở thị trường trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, hầu hết các châu lục.
Ngân hàng Thế giới (WB) trong Báo cáo Điểm lại cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam được công bố ngày 30/7/2020 khẳng định kinh tế Việt Nam dù bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng vẫn chịu đựng tốt và sẽ phục hồi.
Tổ chức này tin tưởng rằng Việt Nam tiếp tục sẽ là một trong những nền kinh tế sôi động nhất trên thế giới và dự báo nước ta sẽ là quốc gia có tăng trưởng đứng thứ 5 trên thế giới trong năm 2020.
Cùng với phát triển kinh tế, Đảng và Nhà nước ta trong những năm qua cũng không ngừng quan tâm, đầu tư mọi nguồn lực cho phát triển văn hoá - xã hội; đưa đến nhiều chuyển biến trong cải thiện đời sống tinh thần nhân dân.
Nếu năm 1988, thu nhập bình quân đầu người của nước ta mới chỉ đạt 86 USD/người/năm, nhưng đến nay Việt Nam đã trở thành một quốc gia có quy mô dân số gần 100 triệu người với mức thu nhập bình quân 2.800 USD/người. Từ nhóm nước thu thập thấp, Việt Nam đã vươn lên, được xếp trong nhóm các nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Công tác xóa đói giảm nghèo đạt được kết quả đầy ấn tượng.
Sự nghiệp giáo dục của Việt Nam cũng đã có những bước phát triển vượt bậc về quy mô, đa dạng hóa về loại hình trường lớp ở mọi cấp học...
Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân có tiến bộ; phúc lợi và an sinh xã hội từng bước được mở rộng. Đáng chú ý, đầu năm 2020, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ban hành Nghị quyết 42 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 với tổng số tiền khoảng 62 nghìn tỷ đồng; đồng thời giảm giá điện, giá nước, dịch vụ viễn thông cho người dân, doanh nghiệp; tăng thêm gần 20 nghìn tỷ đồng cho hộ nghèo vay ưu đãi qua Ngân hàng Chính sách Xã hội; xuất cấp gạo cứu trợ đồng bào vùng khó khăn và trong thời kỳ giáp hạt, giúp giảm thiểu tác động của dịch bệnh tới những người khó khăn.
Trên mặt trận đối ngoại, chúng ta đã phá vỡ thế bao vây cấm vận, mở rộng quan hệ đối ngoại theo hướng đa phương hoá, đa dạng hoá; chủ động tích cực hội nhập quốc tế, là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, vì hòa bình, hợp tác và phát triển.
Việt Nam đã trở thành mắt xích quan trọng trong nhiều liên kết kinh tế thông qua ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, qua đó tạo ra những động lực to lớn cho phát triển. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá Việt Nam nằm trong số 20 nền kinh tế có đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng toàn cầu năm 2019. Hội nhập quốc tế về chính trị - an ninh - quốc phòng, xã hội - văn hoá và các lĩnh vực khác ngày càng sâu sắc.
Thế và lực mới
Với thế và lực mới, Việt Nam đã tham gia và đóng góp tích cực ở hầu hết các tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng, đảm nhiệm thành công nhiều trọng trách. Năm 2019, Việt Nam vinh dự lần thứ 2 được bầu làm uỷ viên không thường trực của Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 với số phiếu bầu gần như tuyệt đối trong Đại hội đồng Liên Hợp quốc.
Trong những tháng đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng phát ở hầu hết các nước trên thế giới, gây gián đoạn gần như mọi mặt đời sống ở các nước, tuy nhiên, Việt Nam bằng hành động nhanh chóng, với những chiến lược phòng chống dịch bệnh được đánh giá là vô cùng hiệu quả, phù hợp với điều kiện tiềm lực của đất nước đã giành đạt được những kết quả chống dịch tích cực, khiến cả thế giới ngưỡng mộ.
Với tinh thần chia sẻ, trách nhiệm và chủ động hội nhập, Việt Nam cũng đã có nhiều hoạt động hỗ trợ, hợp tác với các nước, tổ chức quốc tế, khẳng định vai trò là thành viên tích cực, có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế và đẩy mạnh quan hệ với các nước, các đối tác.
Hành động hỗ trợ khẩu trang, vật tư, thiết bị y tế chất lượng sản xuất tại Việt Nam cho nhiều nước được bạn bè quốc tế trân trọng, đánh giá cao; qua đó góp phần thúc đẩy dòng thương mại xuất khẩu vật tư y tế với trị giá hàng trăm triệu USD.
Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc điện đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhân dịp Quốc khánh Nga hôm đầu tháng 6 vừa qua đã đánh giá cao việc Việt Nam kiểm soát thành công dịch Covid-19, cảm ơn Việt Nam đã chia sẻ, hỗ trợ thiết thực Nga trong cuộc chiến này.
Điện đàm với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đánh giá cao năng lực ứng phó với dịch bệnh của Việt Nam và cảm ơn Việt Nam đã tạo điều kiện cung cấp và vận chuyển trang thiết bị y tế cũng như trao tặng khẩu trang cho phía Mỹ.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cũng đánh giá cao vai trò dẫn dắt của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020 theo đúng tinh thần chủ đề “Gắn kết và chủ động thích ứng”, hoan nghênh nỗ lực và các sáng kiến Việt Nam đề xuất nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các nước ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác trong phòng chống dịch bệnh, trong đó có sáng kiến lập Quỹ ứng phó dịch Covid-19 và Kho dự trữ vật tư y tế của khu vực.
Tại Hội nghị của Chính phủ tổng kết công tác năm 2019 và triển khai kế hoạch năm 2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế như ngày nay. Theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, đây là thành quả của cả quá trình trên 30 năm đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.