PGS.TS.BS Phạm Thị Vân Anh - Giám đốc Trung tâm Dược lý lâm sàng, Trường Đại học Y Hà Nội cho biết cho biết, do điều kiện người tiêm thử nghiệm phải lưu trú trong 24h để theo dõi nên sẽ chỉ tiêm tối đa cho 15 người trong bổi sáng ngày 23/3. Mỗi buổi sẽ có 8 người nam và 7 nữ hoặc 8 nữ 7 nam. Độ tuổi của người tiêm từ 18-59. Buổi tiêm tiếp theo trong tuần này, dự kiến sẽ diễn ra ngày 25/3, cũng với 15 người tình nguyện.
Trước đó, sáng 15/3, 6 tình nguyện viên đầu tiên đã được tiêm thử nghiệm mũi đầu tiên của vắc xin Covivac. Với liều tiêm thứ nhất, 114 người còn lại sẽ lần lượt được tiêm theo các đợt, mỗi đợt cách nhau 8 ngày cho đến 20/04/2021. Theo lịch trình nghiên cứu, mỗi đợt sẽ tổ chức tiêm từ 12-18 người/ngày
120 tình nguyện viên được chia thành 5 nhóm: 3 nhóm vắc xin không có tá chất với các mức liều: 1mcg, 3mcg và 10mcg; 1 nhóm vắc xin mức liều 1mcg có tá chất và 1 nhóm gồm 20 người tiêm giả dược.
Vắc xin Covivac của công ty IVAC là vắc xin ngừa Covid-19 thứ hai của Việt Nam thử nghiệm lâm sàng. Vắc xin này sử dụng công nghệ véc tơ NewCastle trên phôi trứng gà theo dây chuyền sản xuất vắc xin cúm mùa.
Theo GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, vắc xin Covivac đã được đánh giá ở những chủng virus SARS-CoV-2 khác nhau, đặc biệt đối với biến chủng Anh và Nam Phi, với cả 2 chủng này và các chủng khác vắc xin cho kết quả bảo vệ khá tốt.
Và theo ông Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học - Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế), cho biết IVAC đã mua bảo hiểm cho các tình nguyện viên tham gia nghiên cứu, tổng tối đa cho cả đợt nghiên cứu vào khoảng 40 tỉ đồng.