Thêm hai tập đoàn là Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) và Dệt May Việt Nam (Vinatex) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án tái cơ cấu trong năm mới Qúy Tỵ 2013. Cũng như các trường hợp trước, nhiều “nghề tay trái” của hai “ông lớn” này như ngân hàng, bất động sản, bóng đá… nằm trong danh mục buộc phải thoái vốn.
Hình minh họa |
Thoái vốn khỏi bóng đá, ngân hàng
Theo đề án tái cơ cấu để Vinatex giai đoạn 2013- 2015, Công ty mẹ - Tập đoàn Dệt may Việt Nam khẩn trương thực hiện cổ phần hóa. Theo đó, sau khi tái cơ cấu sẽ có 4 doanh nghiệp do Công ty mẹ - Tập đoàn nắm giữ 100% vốn điều lệ; 6 doanh nghiệp do Công ty mẹ - Tập đoàn nắm giữ từ trên 50 - 65% vốn điều lệ và 20 doanh nghiệp do Công ty mẹ - Tập đoàn nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ.
Đồng thời, tập đoàn này phải thoái 100% vốn tại 37 doanh nghiệp, trong đó có Công ty Đầu tư và Phát triển Bình Thắng, Công ty Tài chính cổ phần Dệt may Việt Nam, Trường đại học Trưng Vương và một số ngân hàng thương mại cổ phần.
Trong khi đó, với đề án tái cơ cấu Vinacomin được thông qua, tập đoàn này cũng phải giải thể hai công ty, phá sản một công ty và thoái vốn khỏi 9 doanh nghiệp khác.
Cơ cấu tổ chức của tập đoàn sau khi được tái cơ cấu là Công ty mẹ - Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước với 16 đơn vị phụ thuộc.
Trong giai đoạn 2012-2015 dự kiến chuyển 10 doanh nghiệp thành đơn vị phụ thuộc công ty mẹ. Đồng thời, duy trì 5 doanh nghiệp do Vinacomin nắm giữ 100% vốn điều lệ, 9 doanh nghiệp Vinacomin năm giữ từ 65- 75% vốn điều lệ, 11 doanh nghiệp Vinacomin nắm giữ từ 50-65% vốn điều lệ và 11 doanh nghiệp nắm giữ không quá 50% vốn điều lệ.
Đặc biệt, Vinacomin sẽ có 2 đơn vị phải giải thể là Công ty TNHH MTV than Đồng Vông và Công ty TNHH MTV Đá quý Việt – Nhật, đồng thời phá sản Công ty cổ phần Đóng tàu Sông Ninh – Vinacomin.
Riêng 9 doanh nghiệp mà Vinacomin đầu tư vốn (Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm SHB – Vinacomin, Công ty cổ phần Bảo hiểm Hàng không, Công ty TNHH Tài chính Than – Khoáng sản Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Sài gòn – Hà Nội, Công ty cổ phần Chứng khoán SHS, Công ty cổ phần đầu tư Phát triển khu Kinh tế Hải Hà, Công ty liên doanh Quản lý quỹ đầu tư BIDV – VN Partners, Công ty TNHHMTV Đầu tư phát triển Nhà và Hạ tầng – Vinacomin, Công ty cổ phần Bóng đá Việt Nam) cũng nằm trong danh mục phải thoái hết vốn.
Năm khó khăn
Trong buổi gặp mặt trước Tết, lãnh đạo Vinatex cho hay năm 2012 là năm “đầy thử thách với ngành dệt may”, hiệu quả sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp suy giảm.
Theo lãnh đạo tập đoàn này, sự biến động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh toàn ngành. Năm 2012, toàn Vinatex đạt kim ngạch xuất khẩu 2,602 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ 2011, bằng kế hoạch cả năm.
Doanh thu nội địa ước đạt 19.700 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ 2011. Thu nhập bình quân đạt 4,47 triệu đồng/người/tháng, tăng 13% so với cùng kỳ 2011. Lãnh đạo Vinatex cho biết, dự kiến năm 2013, ngành dệt may phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu từ 18,8-19,2 tỷ USD, tăng 10,4 % so với năm 2012, trong đó tỷ lệ nội địa hóa sẽ vượt 50%.
Ngay từ đầu năm mới, Vinacomin cũng đã đón nhận tin vui khi có hơn 300 tàu, đoàn sà lan, phương tiện nhỏ các loại tới cảng Cẩm Phả (Quảng Ninh) “ăn hàng” với tổng sản lượng trên 1,8 triệu tấn. Năm Quý Tỵ, Công ty Kho vận và Cảng Cẩm Phả phấn đấu tiêu thụ trên 23 triệu tấn than với doanh thu đạt trên 34.600 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nhìn lại năm cũ, Vinacomin cũng như các doanh nghiệp thành viên lại phải đối mặt với những khó khăn nhất định. Lượng hàng tồn kho tăng, công nhân ít việc, thu nhập giảm.
Nhiều công nhân khai thác hầm lò tại thành phố Cẩm Phả cho biết, so với các năm trước, công việc và thu nhập hầm lò đã giảm hẳn. Nhiều cá nhân và doanh nghiệp đầu tư xe vận tải chở hàng cũng tìm đối tác để thanh lý. Trong khi đó, vì thu nhập của công nhân ngành mỏ sụt giảm nên sức mua các mặt hàng phục vụ đời sống như quần áo, vật dụng gia đình, theo nhiều tiểu thương tại vùng than Đông Bắc là đã giảm hẳn…
Việt Hưng