Bệnh nhân là H.H.K (nữ, sinh năm 2001, trú tại Buôn Năng, xã Cư Prao, huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk).
Theo người nhà bệnh nhân, ngày 12/7, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng sốt cao kèm đau đầu, mệt mỏi. Ngày 13/7, bệnh nhân đi khám tại phòng khám tư nhân uống thuốc nhưng không đỡ sốt. Ngày 14/7, bệnh nhân đi khám tại bệnh viện Đa khoa Khu vực 333 huyện Ea Kar.
Tại đây bệnh nhân sốt cao kèm co giật toàn thân tri giác xấu dần được chẩn đoán viêm màng não. Cùng ngày bệnh nhân được chuyển lên bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên từ ngày 14/7 đến ngày 19/7 với chẩn đoán viêm màng não kém đáp ứng điều trị/ Dị ứng Vancomycin.
Ngày 19/07, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy, TP HCM. Điều trị từ ngày 19/7 đến ngày 26/7 với chẩn đoán Viêm não Nhật Bản. Ngày 26/7, bệnh nhân được chuyển về Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên tiếp tục điều trị.
Trước đó, CDC Đắk Lắk đã ghi nhận 2 ca bệnh viêm não Nhật Bản. Kết quả điều tra dịch tễ đã phát hiện có sự hiện diện của vectơ truyền bệnh (muỗi, lăng quăng, bọ gậy) tại khu vực các bệnh nhân sinh sống.
Ngay sau khi ghi nhận trường hợp bệnh nhân mắc viêm não Nhật Bản, CDC đã phối hợp với Trung tâm Y tế huyện M’Đrắk và Trạm Y tế xã Cư Prao triển khai điều tra, giám sát và thực hiện các biện pháp xử lý môi trường phòng bệnh tại nơi bệnh nhân sinh sống.
Đại diện CDC Đắk Lắk cho biết, tại khu vực bệnh nhân sinh sống vệ sinh môi trường chưa đảm bảo. Người dân còn nuôi bò, heo ngay trong khu vực nhà ở. Điều tra vec-tơ gây bệnh ghi nhận có muỗi, lăng quăng, bọ gậy. Hiện lực lượng chức năng đã tiến hành phun hóa chất xử lý và vệ sinh môi trường cho hơn 40 hộ gia đình xung quanh khu vực gia đình bệnh nhân.
Để phòng bệnh viêm não Nhật Bản, nhất là tại thời điểm hiện nay khi thời tiết đang vào mùa mưa, thuận lợi cho muỗi gây bệnh phát triển, bên cạnh việc đi tiêm vaccine cho trẻ, người dân cần nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng bệnh.
Theo khuyến cáo của Bộ Y Tế, để ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh viêm não Nhật Bản, người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp dưới đây:
- Ngủ màn, mặc quần áo dài tay, quần dài hạn chế muỗi đốt. Dùng các biện pháp trừ khử muỗi như vệ sinh môi trường sinh sống, dùng thuốc trừ muỗi...
- Nếu có nuôi lợn, chuồng chăn nuôi, trang trại cần đặt xa nhà, có biện pháp phòng ngừa muỗi đốt lợn vì lợn là nguồn súc vật mang mầm bệnh. Vệ sinh môi trường, chuồng trại sạch sẽ để muỗi không có nơi trú đậu.
- Không nên cho trẻ em chơi gần chuồng gia súc. Thường xuyên rửa tay với xà phòng, ăn chín, uống sôi.
- Thực hiện tốt việc cách ly cũng như hạn chế tiếp xúc với người bệnh và đeo khẩu trang khi chăm sóc người bệnh.
Bệnh viêm não Nhật bản thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi trong đó thường gặp từ từ 2 đến 6 tuổi chiếm 75% nếu không được tiêm phòng. Do đó, phụ huynh cần tiêm phòng cho trẻ đầy đủ và đúng lịch theo khuyến cáo của ngành y tế nhằm phòng ngừa hiệu quả nhất và an toàn cho bé. Lịch tiêm phòng viêm não Nhật Bản theo lịch cụ thể là:
- Mũi 1: Tiêm khi trẻ 1 tuổi.
- Mũi 2: Tiêm sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần.
- Mũi 3: Tiêm sau mũi 2 một năm.
- Sau đó, cứ 3 đến 4 năm tiêm nhắc lại 1 lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.