Thêm một bộ phim có hình ảnh vi phạm chủ quyền 'lọt lưới': Thất thường và bất thường

(PLVN) - Mới đây, vụ việc bộ phim hoạt hình ra rạp có hình ảnh "đường lưỡi bò" là một bài học sâu sắc đối với công tác kiểm duyệt của điện ảnh Việt. Đáng tiếc là bài học như vậy thì không ít, mà "sợi dây kinh nghiệm" vẫn cứ “rút” hết lần này đến lần khác. 
Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, thành viên Hội đồng thẩm định quốc gia.

Ngày 4/10, bộ phim “Everest Người tuyết bé nhỏ” (tên gốc Abominable), bắt đầu công chiếu tại Việt Nam. Bộ phim có vốn góp từ nhà sản xuất Trung Quốc, được nhà phát hành CGV đưa vào mục "phim hay trong tháng", đồng thời quảng bá khá rầm rộ. Có thể đánh giá đây là một bộ phim thiếu nhi khá hay, đề cao tình yêu thương, lòng dũng cảm và tôn trọng thiên nhiên. Bộ phim bán vé khá chạy, được khán giả yêu thích.

Không chỉ gây xôn xao dư luận với việc lọt lưới phim có “đường lưỡi bò”, Cục Điện ảnh còn liên tục gây sốt bởi những phát ngôn liên quan đến kiểm duyệt của mình.
Trong vai trò thành viên Hội đồng thẩm định quốc gia, bà Nguyễn Thị Hồng Ngát nhận trách nhiệm và cho biết sẵn sàng chịu phạt.
Tuy nhiên, phát ngôn riêng về vấn đề này, bà Ngát lại bảo "Có mấy giây thôi, mọi người cứ làm quá lên"... 

Tuy nhiên, ngày 14/10 (10 ngày sau khi công chiếu), khán giả phát hiện ra phim “cài cắm” hình ảnh bản đồ Trung Quốc có "đường lưỡi bò" -  một ranh giới biển mà phía Trung Quốc tự dựng ra, đã bị Việt Nam và quốc tế nhiều lần lên án. Tấm bản đồ sai lệch ấy xuất hiện không ít lần trong phim. Ngay cả bản trailer mà CGV quảng cáo cho bộ phim trước đó cũng có cả hình ảnh tấm bản đồ này.

Sự việc này khiến nhiều người nhớ lại một bộ phim Trung Quốc khác cũng "lọt lưới" kiểm duyệt về vấn đề biển đảo, thoải mái ra rạp vào tháng 3 năm ngoái Một điều đáng nói là các bộ phim nói trên đều được đánh giá là phim hay, ăn khách.

Như thế, thông điệp muốn cài cắm trong tấm bản đồ càng dễ lan truyền, càng được nhiều người xem, gây chú ý. Thử hỏi, nếu không vô tình phát hiện chi tiết nói trên, thì từ nay về sau, còn bao nhiêu "tấm bản đồ" như thế tuồn vào các bộ phim hoạt hình, phim tình cảm... tưởng chừng như “vô hại”?

Dù đơn vị phát hành của cả 2 bộ phim là CGV đáng trách, nhưng có lẽ, nên nói đến trách nhiệm chính của đơn vị "cầm trịch" là Cục Điện ảnh. Nhiều người thắc mắc, đến khán giả xem phim còn nhận ra chỗ bất ổn, mà cả một Hội đồng kiểm duyệt của một Cục, bao nhiêu con mắt, có chuyên môn và kinh nghiệm mà lại lơ là bỏ qua?

Với phim có thông điệp sai lệch về chủ quyền biển đảo là thế, nhưng với phim Việt, cơ quan quản lý điện ảnh lại nổi danh là "cây kéo vàng" khi thẳng tay cắt, cấm chiếu, phạt... những bộ phim mà thấy "có vấn đề", mà đôi khi "vấn đề" chỉ là cảm tính, nhận định chủ quan. 

Không hiếm phim Việt đã điêu đứng vì những quyết định lạ đời của những người quản lý điện ảnh, kể cả phim được đánh giá cao về mặt nghệ thuật, phim được giải hay được khán giả yêu thích. Hành xử của những nhà quản lý đối với phim Việt có thể nói là quá nghiêm khắc, thiếu tính động viên, khuyến khích, cho cơ hội.

Trong khi đó, phim ngoại có vấn đề thì không chỉ một, hai lần lọt lưới. Vì thế, nhiều người nhận định rằng, các vị quản lý phim, các vị nắm trong tay quyền "sinh sát" đối với phim ảnh Việt, nhận thức về kiểm duyệt "có vấn đề"?.

Anh Nguyễn Liêm Châu, giáo viên ở quận 3, TP HCM, một trong những khán giả đầu tiên phát hiện hình ảnh "đường lưỡi bò" trong phim hoạt hình “Người tuyết bé nhỏ”:

"Khi dẫn con gái đi xem phim hoạt hình, biết nội dung phim bối cảnh là Trung Quốc, lại thấy tấm bản đồ Trung Quốc xuất hiện trong phim, tôi đã nhìn thật kĩ để xem có gì "nhạy cảm" về biển đảo không. Đơn giản là hàng ngày mình đọc báo, nghe đài, mình cũng đã biết rất nhiều sự cố lợi dụng passport, “áo du lịch” để đưa hình ảnh “đường lưỡi bò” đi khắp nơi của phía Trung Quốc. Nên tôi cũng thấy khó hiểu sao bộ phận kiểm duyệt phim lại thiếu nhạy cảm để bỏ qua chi tiết này, trong khi xem phim là thấy hình ảnh bản đồ xuất hiện không chỉ một lần. 

Theo tôi, sự việc này không nên coi là nhỏ. Bản thân nước mình đã là nạn nhân trong câu chuyện “đường lưỡi bò”, vậy mà đem phim chiếu rộng rãi khắp nước thì quá là không hay. Thế mà tôi vẫn nghe trước giờ phim bị kiểm duyệt, bị cắt ghê lắm, hóa ra lại có những sơ sót khó chấp nhận thế này. Tôi nghĩ đây cũng là bài học đáng lưu ý trong kiểm duyệt phim trước khi phát sóng. 

N.Mai (ghi)

Để xảy ra sai sót, trách nhiệm thuộc về Hội đồng duyệt phim và công tác quản lý của ngành điện ảnh

Liên quan đến việc cấp phép phổ biến bộ phim truyện hoạt hình Everest - Người tuyết bé nhỏ, Bộ VH-TT&DL đã có văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện.

Theo đó, căn cứ kết quả báo cáo của Cục Điện ảnh về việc kiểm tra lại quá trình cấp phép phổ biến phim truyện hoạt hình Everest- Người tuyết bé nhỏ, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện giao Thứ trưởng Tạ Quang Đông trực tiếp chỉ đạo Cục Điện ảnh khẩn trương tổ chức kiểm điểm, sai sót của cá nhân, tập thể liên quan trong quá trình thẩm định, duyệt và cấp phép phổ biến bộ phim truyện hoạt hình "Everest- Người tuyết bé nhỏ"; Tham mưu kiện toàn Hội đồng Trung ương thẩm định và phân loại phim truyện, đồng thời nghiên cứu thành lập bộ phận giúp việc Hội đồng đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Thời hạn hoàn thành trước ngày 17/10/2019.

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Thái Bình, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn của Bộ VHTT&DL cho biết, trong chiều ngày 14/10, Cục Điện ảnh đã tổ chức cho các thành viên hội đồng duyệt phim xem lại bản lưu bộ phim đang lưu chiểu tại Cục, qua đó làm rõ trách nhiệm của Hội đồng duyệt phim và từng cá nhân liên quan khi tham gia hoạt động duyệt nội dung và tham mưu việc cấp phép, phổ biến phim.

Cùng với việc rút bộ phim khỏi hệ thống rạp chiếu, Bộ VHTT&DL cũng đã chỉ đạo dừng toàn bộ các nội dung quảng cáo về bộ phim trên các pano, phương tiện truyền thông... 

Theo đánh giá của ông Bình thì đây là vụ việc nghiêm trọng và trong bất cứ hoàn cảnh nào, sự việc nào thì điều đầu tiên cũng là cần đặt vấn đề về quốc gia, chủ quyền lãnh thổ lên trên hết. Nếu Hội đồng duyệt phim để xảy ra sai sót thì trách nhiệm thuộc về Hội đồng duyệt phim và công tác quản lý của ngành điện ảnh.

Đọc thêm