Liên quan đến vấn đề nêu trên của Điện Quang, chúng tôi thấy dư luận đang tập trung vào các vấn đề "nóng" dưới đây, có ảnh hưởng lớn đến tâm tư CBCNV, cổ đông, đối tác và thị giá cổ phiếu của doanh nghiệp này. Điều này có thể làm ảnh hưởng lớn đến tâm lý cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp Nhà Nước với tâm lý xã hội nói chung và tâm lý tham gia CPH của nhà đầu tư nói riêng.
Nhằm có thêm góc nhìn về những vấn đề trên của Điện Quang, phóng viên báo Pháp Luật Việt Nam đã tìm hiểu về quá trình cổ phần hóa của Điện Quang, và bước đầu đưa ra những góc nhìn mới tới độc giả cho vấn đề mang tính thời sự này.
Có hay không việc biến công ty nhà nước thành công ty gia đình?
Đầu tiên phải khẳng định rằng, chủ trương CPH là xã hội hóa nguồn vốn tới nhà đầu tư trong và ngoài nước, cho nên chúng ta không nên đưa ra khái niệm gia đình hóa công ty hay không đối với một doanh nghiệp. Vì bản chất của một công ty cổ phần thì tất cả những nhà đầu tư đều là cổ đông có quyền biểu quyết bình đẳng theo tỷ lệ cổ phiếu (CP) nắm giữ. Thường thì, nhóm cổ đông đủ lớn theo tỷ lệ quy định của pháp luật sẽ biểu quyết để dẫn dắt, định hướng và phát triển công ty. Sau khi CPH thì mọi quyền lực thuộc về cổ đông quyết định thông qua điều lệ hoạt động của công ty CP đó và theo luật định.
Để hiểu hơn về việc liệu gia đình bà Hồ Thị Kim Thoa có "lách luật" để thâu tóm hay không, cần tìm hiểu quy định về cơ chế cổ phần hóa (CPH) được thực hiện thí điểm từ năm 1992 dành cho lãnh đạo DN được mua CP của DN theo 2 nội dung. Một là mua CP ưu đãi theo số năm công tác trong khu vực Nhà Nước như đối với tất cả cán bộ nhân viên khác. Theo đó, mỗi năm làm việc trong khu vực Nhà Nước được mua 10 CP ưu đãi với giá bán bằng 70% mệnh giá. Như vậy, lãnh đạo DN hay cán bộ công nhân viên trong DN đều bình đẳng như nhau dựa trên số năm làm việc. Hai là, ngoài số cổ phần được mua theo giá ưu đãi, người lao động trong doanh nghiệp cổ phần hóa được quyền đăng ký mua số cổ phần còn lại (sau khi đã xác định số lượng cổ phần bán ra bên ngoài) theo giá sàn (không phải giá ưu đãi).
Trở lại tư cách mua cổ phiếu của bà Kim Thoa trước khi Điện Quang lên sàn. Theo tìm hiểu, số cổ phiếu bà Thoa mua với tư cách Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc của Công ty Điện Quang là 240 cổ phiếu ưu đãi (cho 24 năm công tác trong khu vực nhà nước) với tổng số tiền là: 16.800.000 VNĐ.
Nếu số lượng CP của bà Thoa tại thời điểm này "không đủ để thâu tóm” thì các thành viên trong gia đình thế nào? Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại thời điểm Điện Quang cổ phần hoá, chỉ duy nhất có bà Thoa được mua ưu đãi vì khi ấy, chỉ có bà là "người của Điện Quang" (Ông Hồ Quỳnh Hưng- em trai bà Thoa- hiện là CT HĐQT kiêm TGĐ chưa chuyển công tác về Điện Quang). Hơn nữa việc mua cổ phiếu ưu đãi chịu sự kiểm soát chặt chẽ của Bộ Công Nghiệp( nay là Bộ Công Thương), tất cả danh sách mua cổ phiếu ưu đãi đều phải được báo cáo và được Bộ Công nghiệp(nay là Bộ Công Thương) phê duyệt.
Điện Quang tham gia nhiều hoạt động xã hội có ý nghĩa |
Nếu hiểu theo góc nhìn gia đình hóa công ty như vậy thì trường hợp này lại càng không phải, vì nhóm cổ đông có yếu tố gia đình trong công ty này không có tỷ lệ CP đủ mức biểu quyết chi phối công ty. Cụ thể, từ khi cổ phần hóa đến trước thời điểm cổ phiếu Điện Quang được niêm yết trên sàn chứng khoán, tỷ lệ nắm giữ cổ phần của gia đình bà Thoa (Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ) chỉ là 2.129.100 cổ phiếu, tương đương 13,55%. Hiện nay, tỷ lệ CP nắm giữ của nhóm cổ đông lớn nhất liên quan đến gia đình ông chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ (ông Hồ Quỳnh Hưng) cũng chỉ chiếm 34,12%. Theo quy định pháp luật Việt Nam về chứng khoán, thì không có hạn chế về tỷ lệ CP nắm giữ của các nhóm cổ đông liên quan. Mặt khác, tỷ lệ CP 34,12% chưa đạt mức 51% mà mọi quyết định của công ty phải được nhóm cổ đông này thông qua ngay lần đầu nên không thể có việc nhóm cổ đông của gia đình thâu tóm và chi phối công ty Điện Quang.
Hiện nay, cơ cấu cổ đông của Điện Quang cũng có các nhà đầu tư ngoại nắm giữ với tỷ lệ tương đối lớn. Tại thời điểm 3/1/2017, cổ đông nước ngoài chiếm tới 27,24%. Đến nay, do thông tin về kỷ luật 1 cổ đông nên nhiều cổ đông nước ngoài đã thoái bớt vốn, hiện còn 23,49%. Đây cũng là 1 trong những thiệt hại cho doanh nghiệp.
Quá trình tăng tỷ lệ sở hữu cổ phiếu từ 13,55 % lên đến mức 34,12% của nhóm cổ đông gia đình này được thực hiện bằng cách giao dịch mua công khai trên sàn chứng khoán. Giá trị tài sản (cổ phiếu) tại từng thời điểm tăng giảm khác nhau theo sự biến động thị giá do thị trường quyết định. Việc đầu tư tăng tỷ lệ CP nắm giữ với tâm huyết gia tăng trách nhiệm nhằm gắn bó hơn với sự phát triển của Điện Quang.
Những vi phạm khuyết điểm trong CPH có gây ra hậu quả gì cho nhà nước hay không?
Điện Quang trước khi CPH là một công ty nhỏ, hoạt động kinh doanh với hiệu quả thấp kéo dài. Chính nhờ chủ trương đúng đắn của Chính phủ là cho phép và khuyến khích doanh nghiệp CPH được chủ động trong sản xuất kinh doanh theo luật doanh nghiệp mà nhiều doanh nghiệp, trong đó có Điện Quang, đã có những bước phát triển khởi sắc rõ rệt.
Với vốn điều lệ ban đầu là 23,5 tỷ đồng vào năm 2005, đến năm 2016, công ty Điện Quang đã tăng vốn điều lệ lên 343 tỷ đồng với giá trị vốn hoá thị trường lên xấp xỉ 2000 tỷ đồng. Sau 12 năm CPH, Nhà Nước đã thu về hơn 1000 tỷ đồng, trong đó có trên 250 tỷ đồng tiền thoái vốn và hơn 800 tỷ đồng tiền nộp ngân sách từ Điện Quang. Có thể khẳng định chắc chắn kết quả CPH của Điện Quang là rất thành công và hiệu quả cho Nhà Nước, người lao động và xã hội. Có được kết quả đó trước hết là do chính sách CPH đúng đắn của Đảng và Nhà Nước, sau đó là vai trò của người lao động và của lãnh đạo đã dẫn dắt Điện Quang phát triển qua các thời kỳ.
Khi đánh giá quá trình CPH của Điện Quang, chúng ta cũng nên xem xét góc nhìn chính về kết quả và hiệu quả thực tế của doanh nghiệp. |
Vì vậy khi đánh giá quá trình CPH của Điện Quang, chúng ta cũng nên xem xét góc nhìn chính về kết quả và hiệu quả thực tế của doanh nghiệp. Những vi phạm khuyết điểm trong giai đoạn CPH ban đầu còn nhiều bỡ ngỡ là khó tránh khỏi, trong khi cơ chế và hành lang pháp lý quy định về việc CPH doanh nghiệp Nhà Nước mới ở giai đoạn thử nghiệm dựa trên nền tảng Nghị Định 64 và 187, và đến nay, Chính Phủ vẫn đang chỉ đạo việc tiếp tục kiện toàn và chỉnh sửa Nghị Định 59 và 91. Thiết nghĩ, chúng ta nên xem xét trong tổng thể quá trình CPH để động viên khuyến khích doanh nghiệp, nhà đầu tư và xã hội tiếp tục hưởng ứng quá trình CPH mà Đảng và Nhà Nước đang thực hiện.