Ông cũng yêu cầu “các tỉnh không về Hà Nội chúc Tết”, “ở các địa phương cũng vậy”. “Chính phủ cần làm gương, từng thành viên Chính phủ thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề cao hành động nêu gương.
Hóa ra, năm 2017 đã sắp hết, Tết cũng còn không xa. Lời “hiệu triệu” của Thủ tướng, ngay từ cuối tháng 11 là kịp thời.
Đã trở thành “văn hóa” đặc trưng của Việt Nam, cứ vào những ngày giáp Tết Nguyên đán lại diễn ra cái cảnh cán bộ các địa phương vượt hàng trăm, hàng nghìn cây số, lũ lượt về Hà Nội, xếp hàng nơi nhà riêng hay công sở để được “chúc Tết” lãnh đạo hay người nhà lãnh đạo. Các cuộc họp tổng kết, triển khai nhiệm vụ đầu năm của các ngành nhiều khi được sắp xếp hợp lý “tạo điều kiện” cho cấp dưới về chúc Tết cấp trên, địa phương về chúc Tết Trung ương. Hà Nội thêm tắc đường. Lãng phí thời gian và nguồn lực của đất nước.
Lâu dần, thành cái lệ, cứ “đến hẹn lại lên”. Từ cái “lệ” dần dần biến tướng, biến thái nguy hiểm, làm đảo lộn các thang giá trị văn hóa.
Có một điều lạ lùng, không biết từ bao giờ “phong bì” trở thành văn hóa Việt. Hội họp, người ta quan tâm có “phong bì” không? Việc đầu tiên khi mở tập tài liệu họp là xem “phong bì” mấy trăm? Nhận xong “phong bì”, giờ giải lao là vắng đại biểu. Tết với rất, rất nhiều người trở thành “chờ phong bì”. Một khi đó là nguồn lợi lộc hậu hĩnh được che đậy trong cái vỏ bọc khá an toàn cho cả người đưa và người nhận thì thật khó mà buông. Trước đồng tiền mới phân biệt được liêm chính.
Có chuyện người viết bài được chứng kiến, một lần đi làm việc tại một cơ quan ở TP Hồ Chí Minh, ông Tổng Giám đốc tuyên bố: “Làm việc nhé, ở đây không có phong bì cho nhà báo”. Chỉ riêng việc này, không phải ai cũng làm được như ông, sòng phẳng. “Các anh cần thông tin, tôi giúp các anh phải cám ơn tôi, không có chuyện ngược lại”, ông chốt lại.
Tiền Tết lấy từ đâu ra? Xin thưa, hầu hết tiền, qùa biếu xén đều lấy từ nguồn ngân sách, từ khoản rút ruột công trình, phần trăm dự án, thậm chí bớt xén khoản thu nhập của người lao động từ “quỹ phúc lợi”. Không có kế toán trưởng ở bất cứ cơ quan, đơn vị nào không “đau đầu” vì tính trăm phương ngàn kế để “giải ngân” qua mặt các cơ quan thuế, tài chính, thanh tra, kiểm tra (nếu có). Thực chất đây là quan hệ mua – bán, vụ lợi, “tham nhũng vặt”, chứ không còn là “thuần phong mỹ tục”.
Người dân luôn chờ đợi tinh thần trung thực, tự giác của quan chức để càng ngày có nhiều hơn cán bộ lãnh đạo biết từ chối nhận, hoặc chủ động công khai số lượng tiền, quà được biếu, tặng và nộp vào công quỹ hoặc làm từ thiện. Nhưng thật hiếm hoi.
Nếu Thủ tướng và các thành viên Chính phủ (mở rộng ra là các quan chức cấp cao) nêu gương không nhận khoản tiền, qùa chúc Tết của cấp dưới, thì quan chức sẽ không còn cớ duy trì cái “lệ” xấu xa. Như thế, nhân dân, giới doanh nhân sẽ thêm niềm tin vào một Chính phủ liêm chính, Chính phủ phục vụ, Chính phủ kiến tạo.