Sau nhiều năm chờ đợi, cuối cùng bà Hằng cũng nhận được quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 05/QĐ-VKSTC-V3 của VKSND Tối cao do Phó Viện trưởng Lê Hữu Thể ký tên đóng dấu. Theo nội dung quyết định, Bản án Hình sự sơ thẩm số 72/HSST ngày 24/3/1998 của TAND Bắc Giang kết tội Đỗ Thị Hằng về “tội mua bán phụ nữ” dựa trên lời khai của Phạm Văn Ngọ và một số lời khai của Hằng tại cơ quan điều tra, tuy nhiên tại phiên tòa, bà Hằng kêu oan, cho rằng tại thời điểm Dương Thị Liễu bị bán đi Trung Quốc, Hằng đang điều trị bệnh thần kinh. Đến nay, bị hại trong vụ án này là Dương Thị Liễu đã trở về Việt Nam và xác nhận bà Hằng không phải là người bán mình mà chính là Phạm Văn Ngọ cùng với một người phụ nữ khác cũng tên Hằng nhưng lấy chồng Trung Quốc.
Các tài liệu trong hồ sơ vụ án thể hiện: Nhân chứng có lời khai xác nhận khi đi tìm Liễu có vào nhà Phạm Văn Ngọ gặp vợ Ngọ là Nguyễn Thị Tám, bà Tám cho biết Ngọ một mình mang hàng (phụ nữ) sang Trung Quốc. Tại giấy viết chia tiền của Liễu gửi về Việt Nam không thể hiện việc chia tiền cho Đỗ Thị Hằng và cũng chưa được giám định. Mặt khác, người phụ nữ tên Hằng lấy chồng Trung Quốc chưa được điều tra để làm rõ. Như vậy, việc kết tội đối với Đỗ Thị Hằng về tội “Mua bán phụ nữ” là chưa đủ căn cứ vững chắc.
Còn về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân”, kháng nghị của VKSND Tối cao lập luận: các khoản vay nợ của bà Hằng với Khổng Thị Mỹ (300 nghìn đồng) và Phan Văn Phương (400 nghìn đồng và 20 bơ gạo) đều chỉ là các khoản vay bằng miệng, không có giấy xác nhận nên cần phải được làm rõ về số nợ trên. Đồng thời, phải chứng minh được động cơ, mục đích của Đỗ Thị Hằng, có dùng thủ đoạn gian đối nhằm chiếm đoạt tài sản của Mỹ và Phương hay không, hay chỉ là quan hệ dân sự.
Vì các lẽ trên, VKSND Tối cao đã quyết định kháng nghị bản án Hình sự sơ thẩm của TAND tỉnh Bắc Giang. Đồng thời đề nghị Tòa hình sự TAND Tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm hủy bản án hình sự sơ thẩm nêu trên để điều tra lại vụ án theo đúng quy định của pháp luật./.