Được đi làm trở lại?
Trao đổi với phóng viên Báo PLVN sau khi được minh oan, ông Bình tâm sự, nguyện vọng của ông là được công ty nhận đi làm trở lại dù ông chỉ còn 2 năm nữa đến tuổi nghỉ hưu.
Hiện chưa có thông tin gì về việc giải quyết hậu oan sai cho ông Bình từ phía công ty, nhưng ông Bình đã có văn bản đề nghị TAND TP.Hà Nội yêu cầu Công ty Thi công cơ giới và Xây lắp bồi thường giá trị căn nhà duy nhất đã bị bán để đảm bảo thi hành án năm 2001, có quyết định nâng bậc lương, trả lương từ khi ông bị nghỉ việc từ năm 1997 đến nay, cũng như giải quyết các chế độ bảo hiểm…
Nhận định về yêu cầu này, Luật sư Trương Anh Tú (ĐLS Hà Nội) cho biết, năm 2001 TANDTC tại Hà Nội tuyên ông Bình không phạm các tội “Tham ô tài sản XHCN” và “Sử dụng trái phép tài sản XHCN” nên quan hệ lao động giữa ông Bình và Công ty chịu sự điều chỉnh của Bộ luật Lao động 1994 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Cụ thể, Khoản 3 Điều 35 BLLĐ 1994 quy định: “Việc nhận lại người lao động bị tạm giữ, tạm giam khi hết thời gian tạm hoãn hợp đồng lao động do Chính phủ quy định”. Khoản 3 Điều 8 Nghị định 198/CP ngày 31/12/1994 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn: “Khi hết hạn tạm giữ, tạm giam hoặc khi Tòa án xét xử kết luận là người lao động bị oan thì người sử dụng lao động phải nhận họ trở lại làm việc cũ, trả đủ tiền lương và các quyền lợi khác trong thời gian lao động bị tạm giữ, tạm giam”.
Như vậy, việc Công ty phải có trách nhiệm nhận ông Bình trở lại làm việc và đảm bảo các chế độ theo quy định của pháp luật là điều đương nhiên. Nhưng thực tế, Công ty đã ra quyết định đình chỉ hoạt động của cửa hàng do ông Bình làm cửa hàng trưởng vào năm 1997.
Nên để xác định chính xác hơn trách nhiệm của Công ty, cần phải căn cứ vào nhiều nội dung khác như hợp đồng lao động giữa công ty và ông Bình, Thỏa ước lao động, phương án giải quyết lao động của Công ty đối với những lao động tại cửa hàng.
Án tuyên nửa vời, dân lãnh đủ
Dù tuyên ông Bình không phạm tội nhưng về mặt Dân sự, án phúc thẩm đã tuyên ông Bình có trách nhiệm hoàn trả tiền tạm ứng 11 triệu đồng cho Công ty và trả hơn 200 triệu đồng tiền nợ 3 đơn vị mình đã mua hàng.
Nhưng bản án lại thể hiện mâu thuẫn khi nêu món 200 triệu đồng này theo lời khai của ông Bình: “Sau khi về ông Bình nhập vào cửa hàng rồi bị tai nạn phải đi viện điều trị, ông Bình không trực tiếp bán và thu tiền 3 lô hàng trên. Khi về thì cửa hàng đã bị giải thể, không được đối chiếu sổ sách nên không biết ai đã bán và đã mua số hàng”.
Bản án đưa ra “giải pháp” nửa vời là: trước mắt ông Bình bồi thường cho 3 đơn vị, “còn sau này đối chiếu sổ sách cửa hàng xác định được ai đã bán hàng và thu số tiền trên thì ông Bình sẽ đề nghị công ty xem xét”.
Để đảm bảo trả nợ hơn 200 triệu đồng theo bản án, ông Bình đã bán căn nhà duy nhất theo lệnh phong tỏa tài sản của cơ quan thi hành án. Nhưng khi quay lại đối chiếu thì công ty không chịu đối chiếu vì bản án không buộc công ty phải đối chiếu.”
"Bản án tuyên quá vô lý, gây khó khăn cho tôi. Đến nay, nhà tôi đã mất, ai trả lại nhà cho tôi? Nếu đối chiếu lại, tôi chắc chắn không nợ 200 triệu đồng vì thanh tra của công ty lúc mới xảy ra sự việc đã có phát hiện bà Kế toán trưởng cửa hàng chiếm đoạt hơn 200 triệu đồng tiền bán lô hàng”- ông Bình đau khổ nói.
Nhận định đây là một nội dung HĐXX tuyên còn “nửa vời”, một Luật sư phân tích: “Lẽ ra, án phúc thẩm phải làm rõ việc này, yêu cầu đối chiếu sổ sách để xem tiền bán hàng ai giữ, từ đó tuyên ai chịu trách nhiệm chứ không phải tuyên nửa vời, gây khó cho ông Bình sau này.
Theo luật, khi án đã tuyên, phía công ty cũng không có trách nhiệm phải đối chiếu lại sổ sách, như vậy là nội dung bản án không thực hiện được”./.
“Khó đòi lại ngôi nhà đã bán để thi hành án oan!
Bản án phúc thẩm chỉ minh oan phần hình sự, do đó, ông Bình muốn kiện đòingôi nhà (phần dân sự) thì phải có đơn gửi tới TANDTC hoặc VKSNDTC đề nghị kháng nghị. Khi có kháng nghị xác định quyết định của Tòa án cấp phúc thẩm về vấn đề dân sự đối với ông Bình là sai, Tòa án cấp phúc thẩm mới có trách nhiệm bồi thường cho ông Bình.
Mức bồi thường thiệt hại do tài sản bị kê biên để thi hành án (ngôi nhà) được xác định tương đương với giá trị tài sản bị thiệt hại tại thời điểmgiải quyết bồi thường. Tuy nhiên, đây là một việc rất khó do án xử đã quá lâu, thời hạn kháng nghị đã hết.
(Luật sư Trương Anh Tú)