Thêm quy định về “sở hữu rừng”

(PLO) - Sau 12 năm thực hiện, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (BVPTR) 2004 đã và đang được sửa đổi. Dự kiến, Chính phủ sẽ trình Quốc hội thông qua vào cuối năm 2017. 
Nhiều ý kiến đề nghị cần mạnh dạn giao rừng cho dân

Đặt nội dung hưởng lợi từ rừng ở vị trí trung tâm để tạo ra các động lực trong bảo vệ, phát triển rừng cũng như đẩy mạnh phát triển nghề rừng trong nền kinh tế thị trường, Dự thảo đã thêm quy định về “sở hữu rừng”. Theo đánh giá của các chuyên gia, đây là một trong bốn thay đổi lớn nhất của Dự thảo Luật và sẽ là cơ sở nền tảng cho việc xác định rõ ràng hơn các quyền hưởng dụng  từ tài nguyên rừng và đất rừng đối với từng chủ thể liên quan.

Mở cơ hội cho tư nhân hóa?

So sánh sự khác biệt giữa Dự thảo đang lấy ý kiến với Luật hiện hành, ông Nguyễn Việt Dũng, Phó Giám đốc PanNature (Trung tâm Con người và Thiên nhiên) cho rằng, trước đây, Luật BVPTR chỉ quan tâm đến bảo vệ, phát triển, giờ Luật sửa đổi đã chú ý đến chuỗi tiến trình trồng, chăm sóc, khai thác, chế biến gỗ.

Việt Nam có 16 triệu ha đất lâm nghiệp và trên 20 triệu người dân sống dựa trực tiếp vào rừng và đất rừng, do đó, việc sửa đổi luật sẽ ảnh hưởng đến ¼ dân số.

Theo ông Dũng, xét về lợi ích kinh tế, nguồn thu từ xuất khẩu gỗ và chi trả dịch vụ môi trường ngày càng tăng, đó là chưa kể đến tiềm năng khai thác du lịch rừng cũng rất mạnh. Điều này cho thấy rừng không chỉ khai thác hàng hóa trực tiếp mà còn khai thác nhiều giá trị khác. Dự thảo Luật sửa đổi lần này đặt ra nhiều vấn đề về quyền của các bên liên quan, đặc biệt là các chủ hộ gia đình sống dựa vào rừng. Trong Luật đề cập đến 3 đối tượng sở hữu: Nhà nước, cá nhân và toàn dân; đồng thời quyền sở hữu đối với các loại rừng cũng có những điều chỉnh khác nhau, đặt ra nhiều vấn đề làm sao gắn đất với rừng để người dân có thể sống được nhờ rừng.

Đưa ra quan điểm của chuyên gia am hiểu khá rõ về Luật BVPTR hiện hành, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, rừng là một loại tài sản gắn liền với đất. Do vậy, nếu nói rừng là tài nguyên thì đó cũng là tài sản công gắn liền với đất. Luật BVPTR liên quan nhiều đến Luật Đất đai nên chúng ta cần chỉnh sửa sao cho hệ thống pháp luật được thống nhất.

Theo GS.Võ, chúng ta cần mạnh mẽ thay đổi hơn nữa. Rừng sản xuất là rừng tự nhiên nghèo kiệt thì nên giao sở hữu tư để người dân có động lực phát triển. Nếu là rừng tự nhiên phải bảo vệ thì chuyển sang loại rừng phải bảo vệ, gồm rừng đặc dụng, rừng phòng hộ. Còn khi đã coi nó là rừng sản xuất thì nên mở cho cơ hội tư nhân hóa. 

Nhiều năm gắn bó với rừng và người trồng rừng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hứa Đức Nhị cho rằng, Luật mắc nhất ở chỗ xác định rừng là tài nguyên thiên nhiên hay rừng là tài sản. Đây là vấn đề rất lớn và rất tiếc là Ban soạn thảo hiện tại vẫn chưa có nhận thức đầy đủ.“Việt Nam khác nhiều nước, Việt Nam chưa có quyền sở hữu tư nhân thực sự đối với rừng trong khi các nước có từ 300-500 năm trước rồi”- ông Nhị nói.

Cần mạnh dạn giao rừng cho dân

Ông Hứa Đức Nhị cho biết, hiện chúng ta có gần 14 triệu ha rừng, trong đó có 10 triệu ha rừng tự nhiên, 3 triệu ha rừng sản xuất. Tuy nhiên, trong 10 triệu ha rừng tự nhiên phần lớn là rừng tái sinh sau nương rẫy; rừng sẽ rất kém nếu rừng đó không do cộng đồng, người dân giữ (để có đất làm nương rẫy). “Do đó, cần phải công nhận quyền chủ rừng của người dân”, ông Nhị đưa ra quan điểm. Lý giải đề nghị của mình, ông cho biết, hiện tại trên thế giới không có nước nào mà chủ rừng có tổng hợp các quyền thực sự mà chỉ quy định cụ thể từng loại rừng thì có quyền gì. Theo ông, Ban soạn thảo Luật nên tổ chức hội thảo cho các chuyên gia nói kỹ về vấn đề này hơn. Bởi vì, lợi ích quốc gia luôn là hàng đầu, vì thế không nước nào bỏ lợi ích này cả. 

Lấy dẫn chứng qua khảo sát cho hiện tại, ông Vũ Long, chuyên gia lâm nghiệp cho biết, phần lớn hộ gia đình được giao rừng tự nhiên đều muốn phá rừng tự nhiên để trồng loại khác, điều này rất nguy hiểm vì giá trị của rừng tự nhiên cao hơn rừng phòng hộ rất nhiều và điều này chứng tỏ quyền lợi sử dụng của người dân quan trọng hơn giá trị bảo tồn khác. Bởi vậy, theo ông Long, vấn đề mấu chốt là quyền sở hữu tài sản. “Dự thảo nên bổ sung thuật ngữ về rừng là “xét về kinh tế, rừng là tài sản” và tài sản giao cho dân thì phải quy định như thế nào? Cần phân chia rừng tự nhiên trong đó có bao nhiêu diện tích ít chịu tác động của con người thì đó là rừng tự nhiên thuộc sở hữu toàn dân. Còn có yếu tố con người trong đó thì tạm gọi là quyền sử dụng trộn lẫn. Như thế là đầy đủ các thành phần: Nhà nước, tư nhân và toàn dân”- ông Long đề nghị. 

Đồng quan điểm, GS. Bảo Huy Luật, Đại học Tây Nguyên cho rằng, tiến bộ của Dự thảo lần này là đã xác định quyền của các chủ rừng nhưng việc xác lập ai ở khu vực rừng nào thì còn bỏ ngỏ. Do đó, theo vị GS này thì Dự thảo nên làm rõ hơn về quyền sử dụng, quyền sở hữu. Đồng thời, Luật cần hướng đến ngành nghề cho người dân sống dựa vào rừng. “Tôi có nghiên cứu về giao rừng cho cộng đồng thì thấy rừng tự nhiên rất khó quản lý ở cấp hộ vì rừng tự nhiên có thời gian khai thác rất lâu, họ không thể chờ 30-40 năm mới được khai thác, chưa kể bảo vệ những khu rừng này rất khó. Vì thế, Luật có ghi giao rừng tự nhiên cho hộ gia đình nhưng giao như thế nào thì cần làm rõ hơn”- GS Huy nói.

Phân tích thêm vấn đề trên, ông Long cho biết, quy định người dân được giao rừng tự nhiên mà chỉ có quyền khai thác thì không có động lực phát triển. Muốn tạo động lực và phù hợp kinh tế thị trường nên thừa nhận quyền sở hữu rừng tự nhiên giao cho các hộ gia đình mà nguồn gốc đó là rừng nghèo và đây là sở hữu tư nhân, sở hữu riêng. Có người nghi ngại nếu giao rừng cho dân sẽ bị dân phá, song theo Luật Dân sự, không thể phá rừng được. 

* Ông Ngô Văn Hồng, Liên minh Đất rừng (FORLAND): Trong khi chúng ta đang trao đổi ở đây thì rừng tiếp tục bị mất, đặc biệt là thời điểm cuối năm 2016. Nhiều ý kiến thắc mắc tại sao mưa miền Trung không lớn nhưng lại rất hay xảy ra lũ. Một trong những nguyên nhân là do suy giảm diện tích rừng tự nhiên. Vấn đề này, tôi nghĩ cũng cần đặt ra để thảo luận và đưa vào Dự thảo Luật.

* PGS.TS. Ngô Huy Cương, Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội: Khái niệm sở hữu của Việt Nam trong Bộ luật Dân sự và Luật Đất đai không giống nước nào trên thế giới. Thế giới quan niệm quyền sở hữu gồm ba quyền: quyền sử dụng, quyền thu hoạch hoa lợi và quyền định đoạt. Còn quyền chiếm hữu thuộc phạm trù riêng. Việt Nam theo quan điểm Xô viết, bao gồm: quyền chiếm hữu, định đoạt, sử dụng. Do đó, chúng ta cần phân loại rừng theo công năng, mục đích và thiết lập quy chế nghiêm ngặt đối với từng loại đó, chỉ như vậy thì mới hy vọng rừng có chủ.

* Ông Hứa Đức Nhị, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Rừng Việt Nam vẫn có chủ, xét theo luật vì ít nhất dân xung quanh biết rừng đó thuộc của ai. Còn cải cách sở hữu, hưởng lợi là quá trình dài. Nếu cứ khoán thì không có giá trị lắm, quan trọng là cơ chế xử lý rừng tự nhiên đó.

Đọc thêm