Thí điểm các chính sách đặc thù về đầu tư công trình giao thông đường bộ: Cần xác định rõ tiêu chí lựa chọn dự án

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đây là ý kiến được đại biểu đưa ra tại phiên họp sáng 9/11 của Quốc hội, thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tại phiên họp, các đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết nhằm bảo đảm thực hiện thành công chủ trương của Đảng về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đường bộ hiện đại, đổi mới mạnh mẽ phân cấp, phân quyền, ủy quyền và nâng cao hiệu quả phối hợp trong công tác lãnh đạo, thu hút tối đa nguồn lực đầu tư. Về tỷ lệ góp vốn của Nhà nước tham gia dự án giao thông đường bộ đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP), Chính phủ đề nghị tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án đầu tư PPP không quá 70% tổng mức đầu tư của dự án, tức là tăng 20% so với quy định.

Cho ý kiến về nội dung này, Đại biểu Lại Văn Hoàn (đoàn Thái Bình) dẫn chứng thực tế triển khai dự án tuyến đường bộ ven biển Thái Bình và đề nghị các đại biểu ủng hộ phương án đề xuất theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế. Theo đó, tăng tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia đầu tư theo PPP đối với các dự án thí điểm lên 80% tổng mức đầu tư. Đại biểu Phan Đức Hiếu (đoàn Thái Bình) cũng kiến nghị nâng tỷ lệ lên thành 80% vì đây là phần vốn Nhà nước có thể tham gia và tạo dư địa cho địa phương đàm phán với các nhà đầu tư. Mỗi địa phương tùy hoàn cảnh có phương án riêng và tỷ lệ tham gia góp vốn của Nhà nước có thể áp dụng dưới tỷ lệ tối đa cho phép.

Trong khi đó, Đại biểu Nguyễn Danh Tú (đoàn Kiên Giang) nhấn mạnh, việc thực hiện thí điểm cần có địa chỉ, thời gian, giới hạn cụ thể. Theo Đại biểu, việc xác định các nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn dự án thí điểm rất quan trọng, là cơ sở để xem xét, quyết định một dự án có thuộc diện được áp dụng thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù trong dự thảo Nghị quyết hay không. “Nếu thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, chỉ cần quy định cụ thể các tiêu chí để các cơ quan có thẩm quyền căn cứ vào đó xác định dự án đáp ứng đủ tiêu chí và sau thời gian thí điểm sẽ tiến hành tổng kết. Còn trường hợp quy định một số dự án được hưởng cơ chế, chính sách đặc thù, chỉ cần quyết định cụ thể các dự án nào được hưởng cơ chế đặc thù đó và lý do dự án được áp dụng cơ chế đặc thù”, Đại biểu nói.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn TP Hà Nội) cũng đề nghị QH chỉ ban hành những tiêu chí, điều kiện để được áp dụng cơ chế đặc biệt, đặc thù. Khi đó, những dự án hội đủ các điều kiện thì được áp dụng. Chính phủ chịu trách nhiệm về việc công nhận danh mục dự án. Đại biểu cũng đề nghị tăng cường phân cấp, phân quyền cho Chính phủ, địa phương.

Cũng trong phiên họp buổi sáng, thảo luận ở hội trường về việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của QH về Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đa số các đại biểu thống nhất cần kéo dài thời gian thực hiện dự án đến hết năm 2024. Đồng thời, kéo dài thời gian giải ngân đối với 966,749 tỷ đồng thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và 1.543,623 tỷ đồng thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đến hết ngày 31/12/2024.

Một số đại biểu đề nghị đánh giá rõ hơn nguyên nhân của việc chậm tiến độ, có giải pháp quyết liệt hơn, không để xảy ra tình trạng tiếp tục trình QH điều chỉnh thời gian thực hiện dự án trong giai đoạn tiếp theo. Đồng thời, đánh giá rõ ảnh hưởng của việc điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến việc thực hiện mục tiêu đến năm 2025 đưa Cảng hàng không quốc tế Long Thành vào khai thác.

Đọc thêm