Sẽ tăng quyền cho bệnh viện
Trên cơ sở căn cứ Bộ Y tế đề xuất, Nghị quyết 33/NQ-CP ra đời nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực của bệnh viện, giúp nâng cao năng lực, chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân.
Ngoài ra, Nghị quyết sẽ thực hiện trách nhiệm xã hội của bệnh viện, bảo đảm quyền lợi cho đối tượng có thẻ bảo hiểm y tế, đối tượng chính sách, nhất là bệnh nhân nghèo, bệnh nhân thuộc diện khó khăn trong tiếp cận với dịch vụ y tế có chất lượng với chi phí hợp lý.
Thực tế, khi tự chủ 4 bệnh viện trên được quyết nhiều việc mà không cần phải thông qua Bộ Y tế. Đó là bệnh viện được quyết quy mô bệnh viện, được quyền lựa chọn phát triển các chuyên ngành mũi nhọn… Bên cạnh tự quyết, khi tự chủ các bệnh viện sẽ thực hiện “mô hình như doanh nghiệp”, có Hội đồng quản lý gồm 7-11 người, trong đó có 1 người của Bộ Y tế.
“Hội đồng quản lý có quyền thành lập, giải thể các bệnh viện thành viên; điều động, miễn nhiệm với Tổng Giám đốc, Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc… Ngoài ra, có quyền thuê phó tổng giám đốc”- nghị quyết nêu rõ.
Ngoài ra, trường hợp thuê Tổng Giám đốc, Giám đốc các cơ sở thành viên thì Hội đồng quản lý có trách nhiệm xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn và quyết định, chịu trách nhiệm về việc thuê Tổng Giám đốc, Giám đốc các cơ sở thành viên. Đặc biệt. Chủ tịch Hội đồng quản lý quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự án đầu tư thuộc nhóm B, C.
Lãnh đạo quá tuổi có thể được ở lại
Một trong những nội dung quan trọng của cơ chế tự chủ là ngoài thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn thì 4 bệnh viện này tổ chức và nhân sự chưa từng có từ trước đến nay. Theo đó, khi bắt đầu thực hiện thí điểm, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ định thành lập Hội đồng quản lý và cử Giám đốc đương nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng quản lý kiêm Giám đốc bệnh viện hoặc Tổng Giám đốc bệnh viện.
Việc làm này theo Đề án của mỗi bệnh viện được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với thời gian tối đa là 02 năm. Trong thời gian này, Hội đồng quản lý có trách nhiệm xây dựng Quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý trình Bộ trưởng Bộ Y tế; phương án kiện toàn Hội đồng quản lý khi kết thúc giai đoạn thí điểm.
Ngoài ra, các tiêu chuẩn, bao gồm cả tiêu chuẩn về tuổi của Chủ tịch Hội đồng quản lý thực hiện theo quy định hiện hành. Bên cạnh đó nhiều bác sĩ, chuyên gia ngành y vẫn còn băn khoăn về quy định: “Trường hợp đặc biệt, trong thời gian kiện toàn, nếu Chủ tịch Hội đồng quản lý quá tuổi so với quy định, Bộ trưởng Bộ Y tế báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định”.
Trước đó, khi nghị quyết đang còn dự thảo, nhiều y, bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai đã phản ứng về quy định trên. Một bác sĩ cho rằng, tập thể bệnh viện đánh giá cao tính đúng đắn khi tự chủ hoàn toàn cho 4 bệnh viện lớn của cả nước, qua đó tháo gỡ những rào cản không cần thiết và tạo cơ hội để các bệnh viện phát triển.
Tuy nhiên theo bác sĩ này, cần quy định rõ những trường hợp đặc biệt. Nếu không quy định này có thể bị lợi dụng khi tiến hành công tác nhân sự: “Tất nhiên Nghị quyết nêu rõ là trường hợp đặc biệt Bộ trưởng Bộ Y tế báo cáo Thủ tướng, quyền quyết định cao nhất vẫn là Thủ tướng nhưng liệu cấp cơ sở khi kiến nghị có đầy đủ, khách quan hay không thì khó kiểm soát”, bác sĩ này nói.
Trong 4 Bệnh viện thí điểm, Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Chợ Rẫy là hai trường hợp mà nhiều bác sĩ lo lắng quy định “trường hợp đặc biệt” có thể trở thành “phao” bấu víu của những lãnh đạo sắp về hưu.
Đơn cử như trường hợp Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai theo quy định độ tuổi sẽ về hưu tháng 10/2019 tới. Còn ở Bệnh viện Chợ Rẫy, dự kiến tháng 11/2019, bác sĩ Nguyễn Văn Khôi - Phó Giám đốc bệnh viện - phụ trách quản lý điều hành Bệnh viện Chợ Rẫy cũng sẽ về hưu.
Bác sĩ Khôi được Bộ Y tế bổ nhiệm phụ trách bệnh viện đến cuối năm 2019 về hưu sau khi bác sĩ Nguyễn Trường Sơn được điều động giữ chức Thứ trưởng Bộ Y tế. Tuy nhiên theo đề án, những trường hợp trên có thể được “níu” lại.