Nói thế, để thấy, ”văn hóa rượu” tự hình thành trong đời sống Việt từ lúc nào. Có lẽ, trên thế giới, chỉ có những nước theo đạo Hồi là trong quán ăn, cửa hàng không có rượu, bia. Nhưng, ép uống rượu bia có lẽ duy nhất Việt Nam.
Ngay Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 12/4 nghe dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia bình luận: “Uống bia, rượu cũng ép nhau bằng được là thứ văn hóa… khác lạ chỉ thấy ở Việt Nam”. Theo Chủ tịch Quốc hội, chống tác hại của rượu bia phải bằng cách thay đổi văn hóa người tiêu dùng chứ không phải cấm cản hay thu hẹp sản xuất. Và nay thì câu chuyện rượu bia đang được thảo luận tại kỳ họp của Quốc hội.
Đúng là, Việt Nam tuy là nước nghèo nhưng là nước có tỉ lệ lượng bia rượu tiêu thụ gia tăng nhanh nhất trên thế giới, theo bản nghiên cứu của một tổ chức y khoa Anh quốc. Số liệu không mới nhưng cũng xin nhắc lại: Theo Lancet (tạp chí y khoa của Anh), năm 2017, người Việt Nam tiêu thụ 8.9 lít rượu, gia tăng 89.4% so với năm 2010. Người Ấn Độ tiêu thụ 5.9 lít, gia tăng 37.2% trong khi người Nhật uống 7.9 lít một năm nhưng chỉ gia tăng 11.3% bởi truyền thống uống bia rượu nhiều những năm trước đó.
Rượu bia vào sinh ra bệnh tật, ảnh hưởng đến chất lượng lao động, kỷ cương nơi làm việc. Nhiều chuyện đau lòng như án mạng do say xỉn, tai nạn giao thông (TNGT) gây chết người do lái xe uống rượu bia điều khiển phương tiện giao thông gần đây cho thấy, lạm dụng rượu bia không còn là chuyện cá nhân nữa mà là chuyện ổn định, an ninh xã hội.
Theo một con số phân tích của một tổ chức uy tín, tại Việt Nam, rượu, bia là một trong 3 nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng TNGT ở nam giới độ tuổi từ 15 - 49 tuổi. TNGT liên quan tới rượu, bia ở Việt Nam ước tính chiếm khoảng 36.2% ở nam giới và 0.7% ở nữ giới
Không phải ngẫu nhiên, “uống rượu bia lái xe là tội ác” đang trở thành “chiến dịch truyền thông”, không chỉ trên báo chính thống mà truyền thông xã hội cũng tham gia tích cực.
Xây dựng Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia là nhiệm vụ của cơ quan lập pháp; kiểm soát rượu, bia từ sản xuất, phân phối đến tiêu dùng là việc của cơ quan hành pháp. Uống rượu bia hiểu biết là trách nhiệm của mỗi công dân.
Hình ảnh “bầu rượu, túi thơ” đã đi vào các tác phẩm văn chương, âm nhạc nhưng “nốc” rượu như Chí Phèo là tệ nạn, ép rượu, bia là phi văn hóa. Ngoài việc nâng cao nhận thức, để người Việt thay đổi hành vi lối sống, xã hội cần phải có chế tài đủ mạnh để xử lý những trường hợp vi phạm, đặc biệt cần xây dựng hệ thống cơ chế nghiêm để kiểm soát.