Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển đường sắt đô thị

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sáng 19/2, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.
Các lãnh đạo Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết.
Các lãnh đạo Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết.

Theo Nghị quyết vừa được thông qua, HĐND TP có trách nhiệm cân đối, bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn, hằng năm vốn ngân sách địa phương làm cơ sở quyết định đầu tư và thực hiện đầu tư các dự án thuộc danh mục dự án dự kiến tại Phụ lục kèm theo Nghị quyết này từ các nguồn sau: Ngân sách địa phương trong các kỳ trung hạn và hằng năm bao gồm cả vốn vay nước ngoài của Chính phủ cho vay lại, vốn trái phiếu chính quyền địa phương; Nguồn tăng thu, tiết kiệm chi hằng năm (nếu có) mà không phải thực hiện thứ tự ưu tiên theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước; Các nguồn vốn hợp pháp khác.

UBND TP được quyết định bố trí vốn từ ngân sách TP trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và kế hoạch đầu tư công hằng năm trước khi có quyết định đầu tư để triển khai thực hiện một số hoạt động phục vụ cho dự án đường sắt đô thị, dự án đường sắt đô thị theo mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD). Cụ thể, nhiệm vụ chi của chủ đầu tư, đơn vị quản lý dự án; đào tạo nguồn nhân lực của cơ quan nhà nước, đơn vị quản lý dự án, đơn vị vận hành khai thác, cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu; chi trả dịch vụ tư vấn; Chi trả cho hoạt động quy hoạch liên quan đến phương án tuyến công trình, vị trí công trình trên tuyến đường sắt đô thị và quy hoạch khu vực TOD; thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; thực hiện công tác truyền thông và công việc khác phục vụ chuẩn bị đầu tư dự án.

Để thực hiện các dự án đường sắt đô thị, dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD, UBND TP được quyết định sử dụng dự phòng ngân sách địa phương hằng năm; ứng trước dự toán ngân sách địa phương năm sau bảo đảm không quá 50% dự toán chi đầu tư xây dựng cơ bản năm thực hiện của các công trình xây dựng cơ bản thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách địa phương đã được phê duyệt.

Về trình tự, thủ tục đầu tư dự án đường sắt đô thị, dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD, dự án đường sắt đô thị, dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD được thực hiện ngay việc lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án mà không phải thực hiện thủ tục lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư và các thủ tục khác có liên quan đến quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật có liên quan.

UBND TP có thẩm quyền tổ chức lập, thẩm định, quyết định đầu tư và quyết định điều chỉnh dự án đường sắt đô thị, dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD theo trình tự, thủ tục tương tự như dự án nhóm A do địa phương quản lý theo quy định của pháp luật có liên quan; quyết định việc phân chia dự án đường sắt đô thị, dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD thành các dự án thành phần, tiểu dự án khi quyết định đầu tư; quyết định gia hạn thời gian thực hiện dự án đường sắt đô thị, dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD trong trường hợp không làm tăng tổng mức đầu tư thì không phải thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án.

UBND TP cũng có thẩm quyền quyết định các công trình đường sắt đô thị (nhà ga, nút giao, cầu, các hạng mục công trình liên quan thuộc dự án đường sắt đô thị) không phải thi tuyển phương án kiến trúc; được quyết định việc áp dụng các hình thức chỉ định thầu đối với việc lựa chọn nhà thầu tư vấn, phi tư vấn, thi công; nhà thầu EPC, chìa khóa trao tay…; tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án độc lập trên cơ sở phương án tuyến công trình, vị trí công trình trên tuyến đường sắt đô thị đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận hoặc quy hoạch khu vực TOD đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Việc lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định của pháp luật đầu tư công.

Đọc thêm