Mặc dù khẳng định, vận hành thị trường phát điện cạnh tranh thì trước mắt người tiêu dùng vẫn chỉ phải trả tiền điện theo biểu giá nhà nước quy định, song đại diện Bộ Công Thương cho biết, về lâu dài, khách hàng tiêu thụ điện sẽ có cơ hội được hưởng nhiều lợi ích…
Giá điện sẽ không biến động
Hôm qua, 1/7, tại trụ sở Tập đoàn Điện lực VN (EVN), Bộ Công Thương chính thức khởi động thị trường phát điện cạnh tranh (TTPĐCT) thí điểm. Đây là bước đầu tiên trong Lộ trình phát triển thị trường điện tại VN theo Quyết định 26/2006/QĐ-TTg ngày 26/1/2006.
Theo ông Đặng Huy Cường, Cục trưởng Cục điều tiết Điện lực, TTPĐCT sẽ vận hành theo mô hình thị trường điện tập trung, chào giá theo chi phí (CBP) để đảm bảo mục tiêu ổn định cung cấp điện, ổn định giá điện, tăng tính công khai, minh bạch, tạo cơ chế để thu hút đầu tư vào nguồn điện…
|
Trong TTPĐCT, các đơn vị phát điện sẽ được quyền chủ động chào bán điện trên thị trường, việc điều độ các nhà máy điện sẽ hoàn toàn căn cứ theo bản chào giá của nhà máy theo nguyên tắc huy động các mức công suất của các nhà máy có giá chào từ thấp đến cao đến khi đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ điện của cả hệ thống. Thanh toán tiền mua điện cho các nhà máy điện sẽ được thực hiện theo 2 cơ chế: 95% sản lượng điện năng được thanh toán theo hợp đồng mua bán điện giữa các nhà máy với công ty mua bán điện; 5% sản lượng còn lại sẽ thanh toán theo giá thị trường từng giờ.
Ông Cường cũng cho biết, trong TTPĐCT, giá thị trường được xác định theo các bản chào giá của các đơn vị phát điện, đưa ra tín hiệu phản ánh đúng cân bằng “cung- cầu” của hệ thống điện trong từng thời điểm trong ngày, trong mùa. Mức giá thị trường được áp dụng trong thị trường giao ngay của khâu phát điện, còn biểu giá bán lẻ điện cho các khách hàng vẫn tiếp tục do nhà nước quản lý nhằm đảm bảo các mục tiêu kinh tế cũng như an sinh xã hội.
“Mục tiêu cuối cùng của TTPĐCT là góp phần đảm bảo cho khách hàng được sử dụng điện với chất lượng cao nhất và giá cả phù hợp nhất. Hiện nay, trong giai đoạn thí điểm, do giá điện vẫn do nhà nước quản lý nên dù giá cả giao dịch giữa các cơ sở phát điện với công ty ty mua bán điện như thế nào đi nữa thì người tiêu dùng vẫn chỉ phải trả tiền điện theo biểu giá nhà nước quy định…”- ông Cường khẳng định. Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia, ông Ngô Sơn Hải cũng khẳng định: “Trong giai đoạn thí điểm chưa có bất cứ ảnh hưởng nào đến chi phí khâu phát điện cũng như giá bán lẻ điện”.
Có đủ điện để cạnh tranh?
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Hoàng Quốc Vượng, việc chuyển đổi từ cơ chế hiện tại sang thị trường phát điện cạnh tranh cũng phải đáp ứng một loạt các điều kiện tiên quyết, trong đó ưu tiên hàng đầu là phải đảm bảo cung cấp điện liên tục, chất lượng với mức giá hợp lý cho khách hàng sử dụng điện.
Khi bắt đầu thực hiện vận hành TTPĐCT thí điểm, trong tổ số 73 nhà máy điện có công suất đặt lớn hơn 30MW, sẽ có 48 nhà máy điện trực tiếp chào giá trên thị trường (dự kiến đến cuối năm 2011 sẽ có 55 nhà máy điện trực tiếp chào giá). Tổng công suất đặt của các nhà máy trực tiếp chào giá trên thị trường chiểm khoảng 61% công suất đặt toàn hệ thống điện. Các nhà máy BOT (Phú Mỹ 3 và Phú Mỹ 2.2) sẽ do công ty mua bán điện chào giá thay để đảm bảo bảo lãnh chính phủ và trách nhiệm thanh toán. Các nhà máy chiến lược đa mục tiêu (Sơn La, Hòa Bình, Ialy…) không tham gia chào giá trên thị trường và được vận hành trên cơ sở phối hợp tối ưu giữa chức năng phát điện với các nhiệm vụ xã hội (chống lũ, tưới tiêu…)
TTPĐCT thí điểm dự kiến được thực hiện theo 3 giai đoạn, giai đoạn 1 bắt đầu vận hành vào ngày 1/7/2011. Các giai đoạn sau sẽ được Bộ Công Thương cân nhắc quyết định trên cơ sở kết quả thực hiện của giai đoạn 1.
Thanh Lan