Theo đó, Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp luôn dành sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát đến công tác thi đua, khen thưởng. Các văn bản chỉ đạo về công tác thi đua, khen thưởng trong ngành Tư pháp luôn bám sát, cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước và yêu cầu nhiệm vụ chính trị của ngành, được quán triệt, tổ chức thực hiện kịp thời, góp phần nâng cao nhận thức của thủ trưởng cơ quan, đơn vị, cấp ủy, tổ chức Đảng, của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành về vị trí, vai trò, tác dụng của công tác thi đua, khen thưởng.
Các phong trào thi đua được triển khai tương đối bài bản, bám sát nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn được giao, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trọng tâm, nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, đơn vị cũng như của toàn ngành Tư pháp. Qua phong trào thi đua các tập thể, cá nhân toàn ngành đã nỗ lực vượt khó, phấn đấu hoàn thành bảo đảm chất lượng, tiến độ các nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch đã đề ra từ đầu năm và rất nhiều nhiệm vụ đột xuất, phát sinh thêm, nhiều nhiệm vụ được thực hiện khẩn trương, đồng bộ đạt kết quả cao
Cụ thể là việc tổ chức tổng kết, đánh giá thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chỉ thị của Ban Bí thư (Nghị quyết số 48-NQ/TW, Nghị quyết số 49-NQ/TW, Chỉ thị số 32-CT/TW, Chỉ thị số 33-CT/TW, Chỉ thị số 39-CT/TW), sơ kết thi hành Hiến pháp năm 2013; công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành được đẩy mạnh, Chỉ số xếp hạng về cải cách hành chính của Bộ tiếp tục được cải thiện, Chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật vượt chỉ tiêu do Chính phủ giao;
|
Hệ thống Thi hành án dân sự làm tốt phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới |
Chất lượng hồ sơ các đề nghị xây dựng, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật tiếp tục được cải thiện; công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật ngày càng đi vào chiều sâu; xuất hiện nhiều mô hình hay, hiệu quả, nhất là ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, trong công tác PBGDPL;
Tổ chức thành công Hội thảo Quốc gia về "Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và những vấn đề pháp lý đặt ra cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam"; bảo vệ thành công Báo cáo Quốc gia thực hiện Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR); các lĩnh vực công việc khác cũng được triển khai hiệu quả, bám sát chương trình, kế hoạch đã đề ra...
Qua phong trào thi đua năm 2019, có khoảng 40 Sở Tư pháp được xếp hạng A, 20 Sở Tư pháp được xếp hạng B, 02 Sở Tư pháp được xếp hạng C, 01 Sở Tư pháp được xếp hạng D; có 27 Cục THADS được xếp hạng A, 20 Cục THADS được xếp hạng B, 15 Cục THADS được xếp hạng C, 01 Cục THADS được xếp hạng D.
Công tác khen thưởng được duy trì thường xuyên, có nền nếp, công khai, minh bạch, hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chính trị, kịp thời ghi nhận, khích lệ các tập thể, cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.
|
Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh trao Cờ thi đua cho Sở Tư pháp TP HCM |
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác thi đua, khen thưởng năm 2019 còn một số tồn tại, hạn chế cần nghiêm túc kiểm điểm, kịp thời khắc phục. Bởi thế, năm 2020, Bộ, ngành Tư pháp phát động thi đua trong toàn ngành với chủ đề “Toàn ngành Tư pháp đoàn kết, kỷ cương, trách nhiệm, thi đua bứt phá, hiệu quả về đích sớm lập thành tích xuất sắc chào mừng kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống (28/8/1945-28/8/2020) và Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ V”.
Phương hướng đề ra là tiếp tục thể chế hóa và tổ chức quán triệt, thực hiện kịp thời, đầy đủ chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cũng như các quy định của ngành Tư pháp về công tác thi đua, khen thưởng đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn Ngành.
Đồng thời, triển khai toàn diện, đồng bộ, đổi mới, hiệu quả các phong trào thi đua, khen thưởng, chính sách khen thưởng trong ngành Tư pháp phù hợp với chủ trương, phương hướng, nhiệm vụ công tác thi đua, khen thưởng do Trung ương phát động, bám sát nhiệm vụ chính trị được giao của Bộ, ngành, tạo không khí thi đua sôi nổi, động lực thúc đẩy, phấn đấu hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác trọng tâm năm 2020.
Còn nhiệm vụ trọng tâm mà ngành Tư pháp xác định cần tích cực thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao là tổ chức thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua; xây dựng, hoàn thiện văn bản về thi đua, khen thưởng trong ngành Tư pháp, trong cơ quan, đơn vị; thực hiện chính sách khen thưởng; tuyên truyền, xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến và tổ chức tốt Hội nghị điển hình tiên tiến, Đại hội Thi đua yêu nước các cấp.