Thi hành án bất lực vì tòa... quên đương sự

(PLO) - Có nhiều vụ án, mặc dù đã qua nhiều cấp xét xử song vì nhiều lý do, đã không phát hiện ra “lỗi” bỏ sót người tham gia tố tụng. Vì vậy, cho đến khi thi hành án - khâu cuối cùng của quá trình tố tụng, cơ quan thi hành án dân sự cũng đành “bó tay”.
Thi hành án bất lực vì tòa... quên đương sự
Cục Thi hành án dân sự  (THADS) TP.Hà Nội đang thi hành 03 Quyết định thi hành án để thi hành các Bản án hình sự số 1175/HSPT ngày 18/11//2005 của TANDTC và Bản án kinh doanh thương mại số 41/2010/KDTM-PT ngày 8/3/2010 của TANDTC đối với người phải thi hành án: Đoàn Hữu K., Nguyễn Thị H.X (ở Lê Duẩn, phường Trung Phụng, quận Đống Đa).
Tại quyết định của Bản án số 1175 của TANDTC và Bản án số 246/2005/HSST ngày 29, 30/6/2005 của TAND TP.Hà Nội đã tuyên xử: Tịch thu sung quỹ nhà nước 1/2 giá trị sử dụng các phòng tầng 1, 2, 3, 4 nhà 6 tầng trên thửa đất số 103 tờ bản đồ 6H-I29 diện tích 215,20m2 tại đường Lê Duẩn.
Mảnh đất này thuộc quyền sở hữu của vợ chồng K, X (đã có Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất). Cầu thang tại các tầng 1, 2, 3, 4 đi ra cửa chính của ngôi nhà được sử dụng chung cho các tầng của ngôi nhà; Đoàn Hữu K, Nguyễn Thị H.X mỗi người phải nộp 50.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm và chịu phạt 200.000.000 đồng /người…
Tại quyết định của Bản án số 41/2010/KDTM-PT ngày 8/3/2010 của TANDTC đã tuyên xử: Buộc ông Đoàn Hữu K. phải thanh toán nợ cho Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam 4.588.831.000 đồng và lãi suất chậm thi hành án theo quy định. 
Trong trường hợp ông Đoàn Hữu K. không thanh toán khoản nợ trên thì Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam có quyền yêu cầu THADS TP.Hà Nội phát mại tài sản là giá trị quyền sử dụng đất ở và tài sản gắn liền trên đất tại 51 ngõ Hoàng An, phường Trung Phụng, quận Đống Đa, TP.Hà Nội (nay là căn nhà tại đường Lê Duẩn, phường Trung Phụng, quận Đống Đa, TP.Hà Nội). 
Mảnh đất này có Giấy chứng nhận QSHN và QSDĐ ở số 10109232656 do UBND quận Đống Đa cấp ngày 23/12/2003 đứng tên ông Đoàn Hữu K. và bà Nguyễn Thị H.X sau khi đối trừ phần tịch thu sung công quỹ nhà nước 1/2 giá trị sử dụng còn lại của các phòng tầng 1, 2, 3, 4 của ngôi nhà 6 tầng xây gạch và bê tông trên thửa đất số 103, tờ bản đồ số 6H-129 có diện tích 215,2m2 để đảm bảo thu hồi nợ.
Qua các tài liệu có liên quan cho thấy: Trước khi xét xử sơ thẩm hình sự, vợ chồng ông K, bà X. đã mang nhà ở Lê Duẩn, phường Trung Phụng, quận Đống Đa, TP.Hà Nội thế chấp cho Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam - Chi nhánh Tây Hà Nội ngày 8/11/2004, đã được đăng ký giao dịch bảo đảm tại UBND phường Trung Phụng ngày 9/11/2004 để vay số tiền ba tỷ đồng theo Hợp đồng tín dụng số 04TH600233001/HĐTD ngày 16/11/2004. 
Tuy nhiên khi xét xử hình sự, TAND TP.Hà Nội, Tòa án Tối cao cũng không đưa Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam - Chi nhánh Tây Hà Nội vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. 
Bên cạnh việc không đưa ngân hàng vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, Tòa án có thẩm quyền còn không đưa việc thế chấp và nhận thế chấp tài sản trước thời điểm xảy ra vụ án hình sự vào khi xét xử vụ án hình sự, không có quyết định xem xét về việc Công an TP.Hà Nội đã kê biên nhà tại đường Lê Duẩn, phường Trung Phụng, quận Đống Đa, TP.Hà Nội. 
Với những sai sót này, việc thi hành phần dân sự của bản án nói trên đang rơi vào bế tắc mặc dù cơ quan THADS đã nỗ lực đưa ra nhiều phương án giải quyết. Cục THADS đã có văn bản kiến nghị gửi Viện trưởng VKSNDTC xem xét lại Bản án hình sự số 1175 theo trình tự tái thẩm để xem xét lại các nội dung án tuyên không đúng và không đưa vào xem xét theo quy định của luật tố tụng.
Cục trưởng Cục THADS Hà Nội Lê Quang Tiến cho biết: Hiện Hà Nội còn một số bản án Tòa án tuyên không rõ, khó thi hành tồn đọng từ 18 đến 20 năm không tổ chức thi hành án được, hiện chưa có phương án giải quyết. 
Tính đến 30/9/2013, lượng án tuyên không rõ, khó thi hành trên địa bàn TP.Hà Nội là 43 việc, tương đương với số tiền phải thi hành án là 33.376.886.000 đồng.
Việc án tuyên không rõ, có sai sót trong quá trình tố tụng, trong đó có “lỗi” vi phạm tố tụng như ví dụ nêu trên, gây rất nhiều khó khăn cho công tác THADS. Vì vậy, theo Cục trưởng Lê Quang Tiến, ngoài những bản án có sai sót về kỹ thuật, nằm trong phạm vi có thể giải thích thì với những bản án có sai sót, vi phạm, cơ quan có thẩm quyền (tòa án, kiểm sát) cũng cần thẳng thắn nhìn nhận để khắc phục bằng những cơ chế luật định (kháng nghị, giám đốc thẩm, tái thẩm). Có như vậy thì các bản án này mới được thực thi trên thực tế, không làm mất lòng tin của người dân vào phán quyết của cơ quan Nhà nước.