Ông Đoàn Thái Sơn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, NHNNVN cho biết, ngay sau khi Quy chế được ký kết, NHNNVN đã có văn bản chỉ đạo NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố và tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quán triệt các nội dung Quy chế phối hợp trên địa bàn.
Trong quá trình triển khai, Tổng cục THADS thuộc Bộ Tư pháp và Vụ Pháp chế thuộc NHNN là hai đơn vị được giao làm đầu mối đã quyết liệt, sát sao trong việc theo dõi, đôn đốc, triển khai các nội dung đã được ký kết. Đặc biệt, cũng theo ông Sơn, các vấn đề vướng mắc phát sinh, nhất là trong quá trình thi hành các vụ việc cụ thể đều được hai bên trao đổi, giải quyết kịp thời.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS cho biết thêm: các Tổ công tác chỉ đạo xử lý nợ xấu tại Tổng cục THADS và Tổ chỉ đạo xử lý nợ xấu tại các Cục THADS cấp tỉnh đã được thành lập, kiện toàn để định hướng, chỉ đạo, giải quyết kịp thời, có hiệu quả những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành các vụ việc liên quan. Hiện đã có 47/63 Cục đã ký Quy chế phối hợp với Chi nhánh của NHNN; 8 đơn vị dự kiến ký trong thời gian tới. Ngoài ra, một số Cục còn ký kết Bản ghi nhớ với ngân hàng có nhiều vụ việc THADS về việc phối hợp trong công tác THADS.
Theo thống kê, năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016 cho thấy, số việc phải thi hành cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng là 33.365 việc, tương ứng với số tiền phải thi hành khoảng 130 nghìn tỷ đồng. Số việc đã thi hành xong được 4.282 việc, tương ứng với số tiền gần 24 nghìn tỷ đồng. Nếu xét riêng kết quả THA xong về án tín dụng, ngân hàng theo năm thì năm 2015 đã tăng gấp khoảng 4 lần số việc và gấp 3 lần số tiền so với cùng kỳ năm 2014, còn 6 tháng đầu năm 2016 đã tăng trên 41% số việc và tăng hơn 30% số tiền so với cùng kỳ năm 2015.
Đánh giá chung từ phía Bộ Tư pháp và NHNNVN cho thấy, việc ký kết và thực hiện Quy chế đã tạo ra sự chuyển biến từ nhận thức đến hành động, từ Tổng cục đến các cơ quan THADS đã nhận thức rõ ràng hơn về trách nhiệm tổ chức THA cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng; tích cực, chủ động, quyết liệt hơn trong việc xác minh, kê biên, xử lý tài sản của người phải THA; các tổ chức tín dụng chủ động phối hợp chặt chẽ hơn với cơ quan THADS cũng như phối hợp với các đơn vị liên quan trong THA và giải quyết vướng mắc trong việc THA. Và thực tế kết quả THADS liên quan đến tín dụng ngân hàng trong thời gian qua là minh chứng rõ nét nhất trong việc thực hiện Quy chế này.
Tuy đạt kết quả đáng ghi nhận nhưng theo Bộ Tư pháp “so với yêu cầu thì chưa đáp ứng; tỷ lệ thi hành án xong còn thấp, số việc, tiền phải THA còn lớn; tiến độ THA còn kéo dài, chậm trễ”. Khó khăn lớn nhất là số vụ việc và số tiền còn phải thi hành lớn gồm 16.433 việc, tương ứng với số tiền là 60.399 tỷ 274 triệu 650 nghìn đồng”.
Vụ trưởng Vụ Pháp chế, NHNNVN Đoàn Thái Sơn đề nghị: Ban Chỉ đạo THADS các tỉnh, thành phố tăng cường công tác chỉ đạo hoạt động tổ chức cưỡng chế THA, tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vụ việc liên quan đến tín dụng ngân hàng có tính chất phức tạp, kéo dài. Đồng thời bổ sung đủ lượng chấp hành viên, tiếp tục nâng cao trình độ bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Còn Tổng cục THADS thì đề nghị NHNNVN chỉ đạo các tổ chức tín dụng, ngân hàng khi lập hồ sơ cho vay vốn cần tổ chức thẩm định hồ sơ chặt chẽ về tình trạng tài sản thế chấp, bảo lãnh, thẩm định giá theo đúng giá trị thực tế và đánh giá tác động về biến động giá trị của tài sản trong tương lai gần…Trong quá trình cấp tín dụng, tổ chức tín dụng cần có biện pháp theo dõi, kiểm tra tài sản đảm bảo, kịp thời có biện pháp xử lý khi có vấn đề xảy ra.
Phát biểu kết luận tại Hội nghị sơ kết thực hiện Quy chế số 01 về phối hợp giữa NHNNVN và Bộ Tư pháp trong công tác THADS. Thứ trưởng Trần Tiến Dũng yêu cầu các Cục trưởng THADS phải quyết liệt hơn trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao. Theo đó, cần rà soát các bản án liên quan đến tín dụng ngân hàng, qua đó đề ra các biện pháp cụ thể để xử lý, thi hành ngay. Cơ quan THADS nào gây khó dễ đề nghị phản ánh với lãnh đạo Tổng cục, thậm chí có thể phản ánh ngay với lãnh đạo Bộ.
Thứ trưởng cũng yêu cầu các Cục trưởng phải lựa chọn các tổ chức đấu giá tài sản có năng lực để đảm bảo quá trình kê biên, đấu giá đúng pháp luật và hiệu quả. Những vấn đề cần hướng dẫn, Tổng cục THADS và Vụ Pháp chế NHNN cần chủ động tham mưu để hướng dẫn kịp thời nếu không sẽ dẫn đến cách hiểu khác nhau, làm chậm quá trình THA.