Báo cáo kết quả công tác 7 tháng năm 2018, Cục trưởng Cục THADS Hà Nam Bùi Đức Thái cho biết chỉ tiêu về việc, đạt 72%; về tiền, đạt 9%. Việc ra quyết định thi hành án đúng thời hạn đối với 100% bản án, quyết định về dân sự, án hành chính, đơn yêu cầu thi hành án. Việc phân loại án chính xác, thực chất, tập trung nguồn lực, thời gian thi hành dứt điểm số việc có điều kiện.
Công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo được quan tâm chỉ đạo thực hiện đảm bảo hiệu quả; thực hiện tốt công tác dân chủ ở cơ sở, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí. Kiện toàn công tác tổ chức cán bộ, chỉ đạo thực hiện quy hoạch cán bộ lãnh đạo quản lý các giai đoạn; tư tưởng chính trị, ý thức trách nhiệm, tác phong làm việc của công chức, người lao động được nâng cao; thực hiện tốt chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp; chuẩn mực đạo đức Chấp hành viên. Tuy nhiên, giá trị thi hành về tiền còn thấp; một số việc có điều kiện chưa được thi hành dứt điểm, số việc có giá trị lớn liên quan đến tín dụng ngân hàng vẫn đang trong giai đoạn giải quyết.
Hoan nghênh và biểu dương những nỗ lực, cố gắng của Cục THADS, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng nhận định trong bối cảnh lượng án ngày càng tăng, các cơ quan THADS trên địa bàn tỉnh cần quyết tâm, tập trung thi hành và hoàn thành chỉ tiêu về tiền. Các Chi cục cần chủ động báo cáo Ban chỉ đạo THADS, các cấp ủy chính quyền địa phương về các vấn đề nóng, phức tạp để kịp thời đưa ra phương án giải quyết phù hợp. Cùng với đó, cần lưu ý một số nội dung về phối hợp với các cơ quan hữu quan, vấn đề biên độ giảm giá trong bán đấu giá tài sản, khắc phục một số khó khăn liên quan tới kho vật chứng…
Tiếp đó, báo cáo với Đoàn công tác, Chi cục trưởng Chi cục THADS TP Phủ Lý Vũ Quang Hiệp cho biết, Chi cục đã đạt 79% chỉ tiêu về việc, còn về tiền đạt tỷ lệ 5%, một số việc khó khăn, phức tạp có giá trị lớn được tổ chức thi hành dứt điểm. Các mặt công tác khác cơ bản được thực hiện tốt và đạt kết quả khả quan. Bên cạnh đó, công tác thi hành án trên địa bàn TP còn những tồn tại, hạn chế như chỉ tiêu về giá trị trên số có điều kiện thi hành của đơn vị đạt thấp; một số việc có điều kiện, Chấp hành viên chưa tìm giải pháp và tham mưu để tổ chức thi hành dứt điểm, đặc biệt là số việc có giá trị lớn liên quan đến tín dụng ngân hàng, kiện đòi nợ.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng kiểm tra kho vật chứng của Cục THADS Hà Nam. |
Ghi nhận các kết quả trên, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng yêu cầu Chi cục cần có sự quyết tâm, quyết liệt, cố gắng hơn nữa, tập trung thi hành các vụ việc liên quan đến tín dụng ngân hàng. Quá trình đấu giá tài sản cần rà soát kỹ lưỡng, đảm bảo đúng quy trình, thủ tục, không để bán đấu giá kéo dài, tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan để xử lý các vụ việc đương sự trây ỳ. Công tác phòng ngừa, kiểm tra giám sát cần chú trọng để hạn chế sai sót, phát sinh bồi thường nhà nước; quan tâm cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin. Đặc biệt, cần kịp thời báo cáo các khó khăn, tranh thủ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương để hoàn thành tốt các nhiệm vụ.
Tại buổi làm việc với Sở Tư pháp Hà Nam, Đoàn công tác đã nghe lãnh đạo Sở thông tin về tình hình kết quả công tác 6 tháng đầu năm 2018 và các đơn vị chuyên môn phản ánh khó khăn trong hoạt động chuyên môn, đề xuất tháo gỡ. Sau khi lắng nghe các ý kiến, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng đã điểm lại một số kết quả nổi bật như: Công tác xây dựng, góp ý thẩm định văn bản quy phạm pháp luật, công tác tổ chức cán bộ được thực hiện tốt; các công tác liên quan trực tiếp đến người dân như lý lịch tư pháp, hộ tịch đạt nhiều kết quả tích cực. Lĩnh vực bổ trợ tư pháp có nhiều hoạt động thanh tra, kiểm tra, không để xảy ra các vấn đề nổi cộm…
Thời gian tới, Thứ trưởng đề nghị Sở cần làm tốt công tác triển khai các văn bản pháp luật mới như Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Luật Tiếp cận thông tin... Đồng thời cần tiếp tục làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát các hoạt động trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; duy trì các thành quả tích cực trong lĩnh vực bán đấu giá tài sản. Hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cần có cách tiếp cận phù hợp để bắt kịp xu thế phát triển của công nghệ thông tin như hiện nay; chú trọng hơn tới công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức trong ngành.