|
Số lượng các bản án cần thi hành trong những năm qua tại Trấn Yên có chiều hướng gia tăng. |
Truy căn gốc rễ
Huyện Trấn Yên nằm ở phía đông nam của tỉnh Yên Bái với diện tích hơn 629km² và dân số khoảng 85 ngàn người. Trong những năm qua số lượng các bản án dân sự có hiệu lực phải thi hành tại Trấn Yên không ngừng tăng, với tính chất phức tạp cũng ngày một gia tăng. Tuy nhiên, xuất hiện tín hiệu đáng mừng khi số lượng vụ việc phải áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành ở Trấn Yên trong 2 năm gần đây giảm rõ rệt.
Chia sẻ câu chuyện với Báo Pháp Luật Việt Nam, ông Nguyễn Đức Mầu, Phó Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên – Yên Bái, cho biết cách đây gần 2 năm ông được giao nhiệm vụ Trưởng BCĐ THADS của huyện. Khi ấy, ông hết sức lo lắng, không biết sẽ triển khai thế nào vì chưa làm bao giờ, chưa có kinh nghiệm, vả lại yêu cầu từ thực tế ngày một tăng.
Đứng trước yêu cầu công việc, ông Mầu nhanh chóng bắt tay vào công việc vừa học vừa làm trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Nhờ lợi thế là cán bộ được sinh ra và lớn lên tại địa phương, lại kinh qua nhiều vị trí công tác trong hơn ba chục năm, ông Mầu hiểu rõ thổ nhưỡng, văn hóa, tính cách của người Trấn Yên. Từ đó, ông Mầu đề nghị với các thành viên trong BCĐ cần tìm hiểu kỹ lượng, nắm rõ căn nguyên, gốc rễ của từng vụ việc để tìm hướng tháo gỡ, hạn chế mức thấp nhất việc áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án.
|
Công tác hòa giải, động viên người phải thi hành án tự nguyện thi hành được ưu tiên hàng đầu tại Trấn Yên – Yên Bái. |
Thông qua nắm bắt thực tế và nghiên cứu hồ sơ các vụ việc, Trưởng BCĐ THADS của huyện Trấn Yên nhận ra rằng, có 2 yếu tố làm gia tăng số vụ tranh chấp kiện tụng. Thứ nhất là yếu tố giá trị tài sản mà đứng đầu là đất đai ngày một tăng. Tại Trấn Yên, trước đây khoảng hai chục năm nhà nước giao đất rừng chẳng ai buồn nhận, đến mức phải áp chỉ tiêu cho cán bộ xã, nhưng bây giờ cây quế lên ngôi, đất rừng theo đó tăng phi mã kéo theo tranh chấp, kiện tụng.
Bên cạnh đó, yếu tố thứ 2 phải kể đến là văn hóa ứng xử của người Việt. Có những vụ tranh chấp kiểu “con cá lá rau” không bõ công xử lý, số tiền tranh chấp quy ra không bằng nửa số tiền nếu tổ chức cưỡng chế thi hành án nhưng nó vẫn phức tạp, vẫn phải tổ chức ban bệ, huy động đủ mọi thành phần để thực hiện nhiệm vụ. Tựu chung, những vụ tranh chấp kiện tụng phần lớn bắt nguồn từ “ý ăn, ý ở” giữa các bên, nên phải truy căn được gốc rễ vấn thì mới có hướng giải quyết triệt để.
Từ quan điểm đó, BCĐ THADS huyện Trấn Yên – Yên Bái lên kịch bản chi tiết từng vụ việc theo nguyên tắc đảm bảo các quy định của pháp luật trong việc thi hành các bản án có hiệu lực, song song với đó vẫn phải đảm bảo an ninh trật tự, ổn định tình hình xã hội. Về cơ bản, Chi cục THADS của huyện chịu trách nhiệm về việc củng cố hồ sơ đảm bảo tính pháp lý, trong khi đó các thành viên khác tùy chức năng nhiệm vụ sẽ phối hợp, nắm bắt tình hình, tâm tư nguyện vọng của đương sự, để tìm hướng tháo gỡ, đưa ra nhiều giải pháp để hạn chế tối thiểu biện pháp cưỡng chế thi hành án.
|
BCĐ THADS huyện Trấn Yên nỗ lực hòa giải, động viên người phải thi hành án tự nguyện thi hành. |
Tăng cường đối thoại
Từ hồ sơ cụ thể, từng cá nhân trong BCĐ THADS của huyện Trấn Yên sẽ nghiên cứu tập trung rà soát, xác minh phân loại, làm rõ từng vụ việc để tìm ra “điểm nghẽn” của vụ việc. Trên cơ sở đó, công tác đối thoại, hòa giải giữa các đương sự tự nguyện thi hành là giải pháp ưu tiên được đặt lên hàng đầu.
Ông Nguyễn Ngọc Quý, Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Trấn Yên – Yên Bái, cho biết BCĐ THADS huyện Trấn Yên thống nhất tăng cường đối thoại, hòa giải để các đương sự tự nguyện thi hành. Trong đó, Chi cục THADS chịu trách nhiệm chính trong việc đối thoại, hòa giải các đương sự, đồng thời làm đầu mối củng cố hồ sơ pháp lý, xây dựng kế hoạch cưỡng chế khi cần thiết nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
Sau khi tiếp nhận hồ sơ, chấp hành viên đảm nhận vụ việc sẽ cùng chính quyền địa phương gặp gỡ, tiếp xúc các đương sự để lắng nghe tâm tư nguyện vọng và tiến hành đối thoại, hòa giải giữa các bên. Trên cơ sở nội dung gặp gỡ ban đầu chấp hành viên sẽ đưa ra định hướng chiến lược và mời các bên liên quan tới trụ sở để trao đổi, phân tích thiệt hơn nếu phải áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án.
|
Công tác phối hợp liên ngành nhằm để hòa giải, động viên người phải thi hành án tự nguyện thi hành được huyện Trấn Yên thực hiện thường xuyên. |
Trong trường hợp các bên không thống nhất được phương án tự nguyện, BCĐ sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế. Trước ngày cưỡng chế, Trưởng BCĐ THADS của huyện trực tiếp gặp các đương sự để lần nữa lắng nghe tâm tư nguyện vọng cũng như động viên các bên tự nguyện thi hành. Nhờ việc kiên trì gặp gỡ, thuyết phục, tăng cường đối thoại, hòa giải, không ít vụ việc đứng bên “bờ vực” cưỡng chế đã đạt được thỏa thuận thi hành vào phút chót.
Cũng có không ít vụ việc “oái oăm” vì số tiền phải thi hành không đáng so với chi phí tổ chức cưỡng chế. Trong khi đó, các đương sự sau đối thoại đều bày tỏ mong muốn được tự nguyện thi hành án nhưng bản thân người phải thi hành án lại chưa có điều kiện thực hiện. Trước tình thế đó, BCĐ THADS mà trực tiếp là cá nhân đồng chí Trưởng ban đã chủ động đề nghị ngân hàng cho người phải thi hành án vay thêm số tiền phải thi hành án để trả cho người có quyền lợi liên quan.
Báo cáo tổng kết năm 2023 cho thấy, huyện Trấn Yên thi hành xong 394 việc với số tiền trên 1,65 tỷ đồng, đạt 86,98% về việc và 58,72% về tiền vượt chỉ tiêu được giao. Trong đó, có 3 vụ việc phải ra quyết định, ban hành kế hoạch áp dụng biện pháp cưỡng chế. Tuy nhiên, do làm tốt công tác đối thoại hòa giải, trong đó cá nhân đồng chí Trưởng BCĐ THADS huyện đã nhiều lần trực tiếp gặp gỡ, giải thích, thuyết phục nên có 2 vụ việc đương sự đã tự nguyện thi hành, chỉ phải áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành đối với duy nhất 1 vụ việc.
|
Phó Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên Nguyễn Đức Mầu (bìa phải) nhận bằng khen của Tổng Cục THADS. |
Báo cáo tổng kết năm 2024 của huyện Trấn Yên tiếp tục ghi nhận những thành tích đáng tự hào khi thi hành xong 400 việc và 2,14 tỷ, đạt tỷ lệ 87,1% về việc và 54,48% về tiền, vượt chỉ tiêu được giao. Trong đó, có 4 vụ việc phải ra quyết định, ban hành kế hoạch áp dụng biện pháp cưỡng chế. Nhờ làm tốt công tác đối thoại hòa giải, mà Trưởng BCĐ THADS huyện là người đi tiên phong, có 3 vụ việc các đương sự tự nguyện thi hành, chỉ phải áp dựng biện pháp cưỡng chế thi hành đối với duy nhất 1 vụ việc.
Ông Trần Văn Tường, Cục trưởng Cục THADS tỉnh Yên Bái, chia sẻ rằng chính các giải pháp linh động, sáng tạo của BCĐ THADS huyện Trấn Yên làm đã đem lại hiệu quả nhãn tiền, khi số vụ thi hành án phải áp dụng biện pháp cưỡng chế ở huyện này mỗi năm chỉ có duy nhất 1 vụ việc. Kết quả này có được nhờ quá trình tăng cường giáo dục pháp luật, kiên trì phân tích, đối thoại, hòa giải để các đương sự vui vẻ tự nguyện thi hành. Những thành tích đáng tự hào có được là nhờ BCĐ THADS huyện Trấn Yên mà trực tiếp cá nhân đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện kiêm Trưởng BCĐ đã dày công hiểu ngọn ngành, căn nguyên gốc rễ để xây dựng phương án xử lý cụ thể từng vụ việc.
Ghi nhận những nỗ lực và thành tích xuất sắc trong công tác THADS năm 2024, Tổng cục trưởng Tổng cục THADS đã trao tặng giấy khen đối với ông Nguyễn Đức Mầu, Phó Chủ tịch UBND huyện kiêm Trưởng BCĐ THADS huyện Trấn Yên – Yên Bái.