"Thi hành Hiệp định Paris - Câu chuyện của những nhân chứng lịch sử Trại Davis"

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày ký kết Hiệp định Paris (27/01/1972 – 27/01/2023), 48 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2023), Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước) phối hợp với Ban Liên lạc Cựu chiến binh - Ban Liên hợp quân sự Trại Davis (gọi tắt là Ban liên lạc Trại Davis) và Hội Những người bạn di sản Việt Nam (FVH) tổ chức Tọa đàm "Thi hành Hiệp định Paris - Câu chuyện của những nhân chứng lịch sử Trại Davis".
Các đại biểu tại Tọa đàm "Thi hành Hiệp định Paris - Câu chuyện của những nhân chứng lịch sử Trại Davis" (ảnh Bảo Châu)
Các đại biểu tại Tọa đàm "Thi hành Hiệp định Paris - Câu chuyện của những nhân chứng lịch sử Trại Davis" (ảnh Bảo Châu)

Phát biểu tại khai mạc, ông Trần Trung Kiên -Phó Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước - nêu rõ, Tọa đàm “Thi hành Hiệp định Paris - Câu chuyện của những nhân chứng lịch sử Trại Davis” là một sự kiện văn hóa ý nghĩa, góp phần làm sống lại câu chuyện lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam 50 năm về trước và hoạt động thực thi Hiệp định Paris của các thành viên Ban Liên hợp quân sự trong Trại Davis, đồng thời nâng cao ý thức, trách nhiệm và sự cần thiết trong việc gìn giữ truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, lan toả tình yêu quê hương, đất nước.

Những bức ảnh tư liệu tại Tọa đàm (ảnh Bảo Châu).

Những bức ảnh tư liệu tại Tọa đàm (ảnh Bảo Châu).

Tham dự buổi tọa đàm có hơn 50 cựu chiến binh Ban Liên hợp quân sự - Trại Davis. Tại buổi tọa đàm, Đại tá Đào Chí Công, sĩ quan đối ngoại Văn phòng Đoàn đại biểu Quân sự Chính phủ, Trưởng ban Liên lạc Hội Cựu chiến binh Ban Liên hợp quân sự Trại Davis; Đại tá Đinh Quốc Kỳ, sĩ quan liên lạc Phái đoàn; Phạm Văn Lãi, sĩ quan Chính trị - người cắm cờ giải phóng trên đỉnh tháp nước Trại Davis; Nguyễn Hùng Trí, phiên dịch viên Phái đoàn; Trương Việt Cường - phóng viên cùng nhiều nhân chứng lịch sử đã chia sẻ những câu chuyện về quá trình thực thi Hiệp định Paris. Trong đó khẳng định, Hiệp định Paris được ký kết mang ý nghĩa chính trị, quân sự và ngoại giao, là kết quả của cuộc đấu tranh kiên cường, bất khuất, tạo ra bước ngoặt mới trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc.

Hơn 50 cựu chiến binh Ban Liên hợp quân sự - Trại Davis, đại biểu tham dự Tọa đàm (ảnh Bảo Châu).

Hơn 50 cựu chiến binh Ban Liên hợp quân sự - Trại Davis, đại biểu tham dự Tọa đàm (ảnh Bảo Châu).

Ngày 27/1/1973, sau gần 5 năm đàm phán, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được ký kết. Hiệp định gồm 9 chương, 23 điều với những nội dung chủ yếu là: Hoa Kỳ cùng các nước khác cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam. Hoa Kỳ hoàn toàn chấm dứt chiến tranh xâm lược, chấm dứt sự dính líu về quân sự và can thiệp vào nội bộ của miền Nam Việt Nam, tôn trọng quyền tự quyết và bảo đảm các quyền tự do dân chủ của nhân dân miền Nam Việt Nam.

Tuy nhiên, để đảm bảo Hiệp định được các bên thực thi nghiêm túc, đầy đủ, Điều 16 của Hiệp định quy định, 4 bên gồm Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa sẽ cử ngay đại diện để thành lập Ban Liên hợp quân sự 4 bên.

Ban Liên hợp quân sự có nhiệm vụ bảo đảm sự phối hợp hành động của các bên nhằm thực hiện các điều khoản quân sự mà Hiệp định đã quy định. Phía Việt Nam thành lập hai đoàn đại biểu quân sự gồm các tướng lĩnh, sỹ quan, cán bộ, chiến sỹ ưu tú của các lực lượng quân đội, công an, ngoại giao, an ninh Trung ương Cục miền Nam, thông tấn, báo chí và một số ban, ngành tham gia mặt trận đấu tranh ngoại giao quân sự thi hành Hiệp định Paris.

Trại Davis, nguyên là một trại lính bị bỏ hoang của quân đội Mỹ, nằm gần sát phía Tây Nam sân bay Tân Sơn Nhất (nay thuộc phường 4, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh) là trụ sở của Ban liên lạc Trại Davis và là nơi hai đoàn đại biểu quân sự của ta đóng quân. Để cô lập hai phái đoàn của ta, chính quyền Sài Gòn đã cho rào kín nhiều tầng dây thép gai xung quanh Trại Davis. Bên ngoài, đối phương cho dựng 13 tháp canh gác, chĩa súng vào trại suốt ngày đêm và thực hiện nhiều hoạt động đe dọa nhằm khủng bố tinh thần và gây sức ép với hai phái đoàn của ta.

Sự đấu tranh quyết liệt nhưng khôn khéo của hai phái đoàn ta đã góp phần thúc đẩy việc hoàn thành trao trả tù quân sự và dân sự của các bên bị bắt trong chiến tranh, buộc quân đội Hoa Kỳ và quân đồng minh phải rút hết ra khỏi miền Nam trong thời hạn 60 ngày, yếu tố quan trọng nhất làm chuyển biến tương quan lực lượng trên chiến trường có lợi cho cách mạng, tạo ra bước ngoặt quyết định và điều kiện chủ yếu để đi đến chiến thắng, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Phát biểu ý kiến tại Tọa đàm, bà Stella Ciorra - Phó Chủ tịch Hội Những người bạn di sản Việt Nam - đã bày tỏ cảm ơn về những câu chuyện có giá trị lịch sử to lớn, phản ánh sự thật hiển nhiên mà đến tận hôm nay bản thân bà và nhiều người khác mới được nghe. Bà Stella Ciorra cho rằng, để những câu chuyện này sống mãi với thời gian và lan tỏa sâu rộng hơn nữa, Việt Nam cần xây dựng các bộ phim để công chiếu rộng rãi, giúp cho không chỉ các thế hệ trẻ tại Việt Nam hiểu hơn về lịch sử Việt Nam, mà còn giúp cho bạn bè, nhân dân trên toàn thế giới hiểu biết sâu sắc hơn về những khó khăn, gian khổ trong quá trình Việt Nam đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước.

Cũng tại buổi Tọa đàm này, các nhân chứng lịch sử và đại diện các gia đình có người thân tham gia phái đoàn ta tại Trại Davis đã trao tặng lại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III nhiều kỷ vật có giá trị lịch sử liên quan đến thời gian sống và làm việc tại Trại Davis, với mong muốn những kỷ vật này sẽ được bảo quản, lưu giữ với điều kiện tốt hơn, để chúng sống mãi với thời gian, đồng hành với sự phát triển của đất nước.

Đọc thêm