Thi hoa hậu, thi người đẹp: Vì sao vẫn xuất hiện đồn đoán “mua giải”?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Những đồn đoán về việc “mua giải” trong các cuộc thi hoa hậu, thi người đẹp đã tồn tại nhiều năm nay. Lời tố cáo của những người trong cuộc ở một số vụ việc đã cho thấy một phần thực tế đằng sau các cuộc thi nhan sắc ấy.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bỏ tiền “khủng” để mua danh

Mới đây, thí sinh một cuộc thi hoa hậu đã lên tiếng tố Ban Tổ chức (BTC) một cuộc thi đã thực hiện mua bán giải. Theo đó, bà Đ.T.H (35 tuổi, Vũng Tàu; người nhận giải Á hậu 3 Hoa hậu Quý bà Việt Nam Toàn cầu 2022) cho biết, ban đầu BTC thông báo chi phí trọn gói để tham gia cuộc thi là 20 triệu đồng. Khi tham gia thi, bà H được chào mời mua giải và đã chuyển tổng cộng gần 800 triệu đồng cho người của BTC, trong đó có ông H.Tr.M.T (Phó BTC cuộc thi). Bà H bức xúc vì bỏ gần 1 tỉ nhưng không được BTC thực hiện đúng thoả thuận vì ngoài việc đoạt giải Á hậu của cuộc thi thì bà H không được BTC lan toả hình ảnh trên truyền thông như đã hứa.

Về phần mình, đại diện BTC cuộc thi Hoa hậu Quý bà Việt Nam Toàn cầu 2022 đã phủ nhận tố cáo nói trên, cho rằng giữa bà H và BTC có “hợp đồng miệng”, số tiền trên bao gồm tiền quần áo, truyền thông và các dịch vụ cao cấp hơn các thí sinh khác như thực phẩm, trang điểm...

Trước ồn ào này, Sở Văn hóa - Thể thao Đà Nẵng đã mời các bên đến trao đổi. Còn Bộ VH-TT&DL thì cho biết cũng đã nhận được thông tin này và yêu cầu Sở Văn hóa - Thể thao Đà Nẵng rà soát lại vụ việc.

Ồn ào nghi vấn mua, bán giải thi hoa hậu trên chưa được làm rõ thì một thí sinh cuộc thi Hoa hậu Thương hiệu Việt Nam 2018 (có cùng thành viên BTC cuộc thi Hoa hậu Qúy bà Việt Nam Toàn cầu 2022) cũng lên tiếng tố cáo BTC có động thái mua bán giải. Theo đó, bà V.D.H cho biết, khi tham gia cuộc thi, bà nhận được “bảng báo giá” mua giải, với mức thấp nhất là 200 triệu đồng (nhưng bà không đồng ý). Gần đến chung kết, hoạt động mua bán giải diễn ra sôi nổi như ở “chợ trời”. Kết quả, có 30 người dự thi thì hơn 20 người đoạt giải các loại.

Những thông tin nghi vấn mua bán giải liên tục diễn ra khiến nhiều người bức xúc và thể hiện thái độ mất niềm tin, “quay lưng” với các cuộc thi hoa hậu vốn đã lắm điều tiếng từ trước đến nay.

Cần có câu trả lời thỏa đáng

Thực tế, chuyện mua giải các cuộc thi hoa hậu đã được râm ran từ nhiều năm nay. Hầu như ở cuộc thi hoa hậu nào, tin đồn mua giải cũng được dấy lên. Tuy cũng có nhiều trường hợp là tin đồn thất thiệt hoặc do sự “cạnh tranh không lành mạnh”. Nhưng cũng có những cuộc thi, bản thân người trong cuộc đứng ra tố cáo và có bằng chứng hẳn hoi. Thậm chí, họ còn tố cáo về dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản của thí sinh.

Như thời điểm cuối năm 2020, cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân sắc đẹp Việt 2020 đã bị chính người đoạt giải hoa hậu gửi đơn lên Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ VH,TT&DL… tố cáo đây là một cuộc thi hoa hậu giả hiệu, có dấu hiệu lừa đảo thí sinh với số tiền hàng tỉ đồng. Bà Q.H.L (hoa hậu cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân sắc đẹp Việt 2020) cho biết, bà và nhiều thí sinh khác đã phải chi hàng tỉ đồng cho cuộc thi này nhưng việc tổ chức hết sức sơ sài và đêm chung kết phải dời đi khắp nơi vì các địa phương không cho phép vì cuộc thi không có giấy phép tổ chức.

Hàng năm, trên cả nước có hàng trăm cuộc thi hoa hậu, thi nhan sắc… lớn nhỏ với đủ các tên gọi khác nhau. Thậm chí, nhiều cuộc thi hoa hậu, người đẹp có những tên gọi na ná hoặc trùng nhau, phải “tranh” nhau cả cái tên như cuộc thi Hoa hậu Hòa bình đang ồn ào gần đây. Điều này cho thấy, vương miện và danh hiệu “hoa hậu” vẫn có “sức hút” nhất định, dẫu là cuộc thi lớn hay nhỏ, có uy tín hay không. Phải chăng, do đánh vào nhu cầu “danh hiệu” này của các thí sinh mà nhiều công ty truyền thông đã vẽ ra các cuộc thi hoa hậu đủ kiểu để “moi” tiền của các người đẹp… Đáng nói, không ít vụ tố cáo mua bán giải đã diễn ra, nhưng hầu như chưa có vụ việc nào có kết luận thỏa đáng, minh bạch.

Nghị định số 144/2020/NÐ-CP quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn (có hiệu lực từ ngày 1/2/2021), có nhiều điểm mới và giải quyết một số vướng mắc, tồn đọng về quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trong đó không còn quy định giới hạn số lượng các cuộc thi hoa hậu, hoa khôi, người mẫu.

Tuy nhiên, Nghị định đã bổ sung quy định về việc, cơ quan nhà nước có thẩm quyền được yêu cầu thu hồi, hủy bỏ danh hiệu, giải thưởng nếu thí sinh hoặc BTC cuộc thi có sai phạm. Quy định này được cho là giúp chấm dứt tình trạng các bên đùn đẩy trách nhiệm hoặc lúng túng trong việc thu hồi danh hiệu, như tình trạng từng xảy ra sau một số cuộc thi sắc đẹp trước đây.