Thi sĩ Nguyễn Nhược Pháp và hai món “nợ tình”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thi sĩ Nguyễn Nhược Pháp là một người tài mệnh yểu. Ông ra đi ở tuổi thanh xuân tươi đẹp nhất, ra đi khi còn chưa kịp có một cuộc hẹn hò. Nhưng cuộc đời ông cũng vương vấn hai món nợ tình cảm với hai người phụ nữ là mẹ cả và giai nhân mà ông tương tư.
Thi sĩ Nguyễn Nhược Pháp. (Ảnh tư liệu)
Thi sĩ Nguyễn Nhược Pháp. (Ảnh tư liệu)

Tấm lòng người mẹ không máu mủ

Suốt tuổi ấu thơ và thời trưởng thành, Nguyễn Nhược Pháp lớn lên trong một căn nhà sang trọng là nơi ở của đại gia đình, gồm cha mẹ, các anh chị em đông đúc. Ông sống đầy đủ, vui vẻ, cuộc sống nhiều màu sắc, tràn ngập tình yêu thương. Ai cũng nghĩ ông là “công tử” của gia đình thế phiệt, nhưng hóa ra, ông là con riêng của cha ông với một người phụ nữ bên ngoài.

Cha Nguyễn Nhược Pháp là học giả Nguyễn Văn Vĩnh, nổi tiếng tài hoa và giàu có đất Hà thành thời ấy. Mẹ là bà Phan Thị Lựu, con gái Lạng Sơn, đẹp nức tiếng. Hồi ấy, học giả Nguyễn Văn Vĩnh có khách sạn tọa lạc gần hồ Gươm, bà Lựu cùng gia đình buôn bán đường xa, thường lưu lại khách sạn ấy. Ông Vĩnh đã có vợ và các con, nhưng vẫn say đắm bóng hình giai nhân, đem mọi sự hào hoa phong nhã ra mà đeo đuổi. Sau đó, bà Lựu sống cùng ông Vĩnh ở căn nhà ngay trong khuôn viên khách sạn, chung quanh là cảnh sắc đẹp đẽ. Rồi bà sinh hạ Nguyễn Nhược Pháp. Ông Vĩnh vẫn đi về giữa gia đình lớn và gia đình nhỏ. Tuy nhiên, hạnh phúc của gia đình nhỏ ấy tồn tại không được bao lâu. Học giả Nguyễn Văn Vĩnh không chỉ nổi tiếng bởi tài hoa và giàu có, mà còn là người đàn ông đa tình, như cái sự thường tình của cánh đàn ông tài tử kinh kì thời bất giờ. Lấy bà Lựu vài năm, sau thời gian mặn nồng, ông Vĩnh lại bắt đầu say mê một bóng hồng mới, đó là một cô đào lai Tây đẹp tuyệt trần, đang nổi danh.

Sau bao ghen tuông, dằn vặt, bao đau khổ tìm mọi cách níu giữ trái tim người đàn ông mình yêu mà không được, bà Lựu tuyệt vọng đi đến quyết định tự vẫn, để lại con trai nhỏ mới hơn 2 tuổi đầu. Sau biến cố kinh hoàng của tuổi thơ, Nguyễn Nhược Pháp về sống với nhà bà cả của ông Vĩnh, bà Đinh Thị Tính và các con. Bà Tính là người độ lượng, tốt bụng, nhận con chồng về nuôi cùng các con mình, rất thương yêu, không phân biệt. Ngày bà Lựu tự vẫn vì tình, bà Tính đã cảm thương, than rằng bà Lựu quá dại dột, chết đi để lại con thơ. Trong khi, người có ghen đáng ra phải là bà mới đúng.

Từ đó, Nguyễn Nhược Pháp sống trong căn nhà lớn khuôn viên mênh mông ở phố Mã Mây. Ông được bao bọc trong vòng tay mẹ cả và các anh em cùng cha khác mẹ của mình. Là con vợ lẽ, ông vẫn được coi trọng như các thành viên khác trong gia đình. Các con bà cả nhỏ tuổi hơn vẫn phải xưng ông là anh. Suốt thời thơ ấu cho đến lúc lớn, Nguyễn Nhược Pháp đắm chìm trong một không khí gia đình đầy tài tử vui vẻ. Anh em nhiều người tài hoa, họ lập ra tờ báo Tuổi Cười cho riêng gia đình mình, tự biên soạn, tự in ấn, bán cho các thành viên đọc. Rồi lập sân khấu biểu diễn nhạc, kịch, xiếc, ảo thuật tại nhà, tổ chức đua xe đạp quanh hồ Tây với anh em và bạn bè, rồi nhóm thơ ca nhạc họa...

Chưa bao giờ biết mặt mẹ ruột, nhưng cũng chưa bao giờ thiếu tình mẫu tử, Nguyễn Nhược Pháp đã sống những năm tháng đẹp và êm đềm như thế. Cho đến khi yểu mệnh mà chết ở tuổi 24, Nguyễn Nhược Pháp vẫn được mẹ và các anh em thương nhớ khôn nguôi. Trước lúc chết, ông để lại hai bức thư, một bức cảm ơn mẹ cả, bày tỏ niềm tiếc nuối từ biệt mẹ và các anh em. Bức kia là gửi cho người anh, nhà thơ Nguyễn Giang, nhắn nhủ anh ở lại thay mình chăm sóc, báo hiếu cho mẹ.

Nhiều năm sau, trước khi bà Tính nhắm mắt xuôi tay, bà trăng trối lại mong muốn được chôn cạnh mộ của người con chồng mà bà thương yêu như con ruột. Có lẽ, trong lòng người mẹ ấy, Nguyễn Nhược Pháp chính là “đứa trẻ” yểu mệnh mà bà mong muốn được che chở, ngay cả ở thế giới bên kia.

“Em đi chùa Hương”

Nhiều người chưa hẳn đã biết đến cái tên Nguyễn Nhược Pháp, nhưng bài thờ “Em đi chùa Hương” thì có lẽ không mấy ai không biết. Bài thơ duyên dáng ấy đã được phổ thành bài hát, cũng nổi tiếng không kém.

Ra đi ở tuổi thanh xuân, Nguyễn Nhược Pháp cũng kịp một lần rung động, yêu thương, dành tình cảm cho một người con gái. Và “em” trong bài thơ “Em đi chùa Hương” chính là “người trong mộng” của Nguyễn Nhược Pháp, người con gái đã chiếm trọn trái tim ông trong những năm cuối cuộc đời. Bà là một trong bốn mỹ nữ đep nổi tiếng đã trở thành huyền thoại của Hà thành, Đỗ Thị Bính. Bà Đỗ Thị Bính sinh năm 1915, là kiều nữ của cụ Đỗ Lợi, nhà tư sản thầu khoán lớn nhất Hà thành khi đó. Cụ Đỗ Lợi thuộc dòng họ Đỗ thôn Tiên Lữ (Lập Thạch, Vĩnh Phúc). Những năm 1930, ông Đỗ Lợi là nhà tư sản có tiếng ở Hà thành. Là tiểu thư khuê các giàu có, lại đẹp nức tiếng, nhưng bà Bính lại được người xung quanh thương mến bởi bà rất đỗi bình dị, hiền hậu, sống chan hoà với mọi người, không phân biệt giai cấp.

Bà Đỗ Thị Bính (áo đen), một trong tứ đại mỹ nhân của Hà thành xưa.

Bà Đỗ Thị Bính (áo đen), một trong tứ đại mỹ nhân của Hà thành xưa.

Bà Đỗ Thị Bính còn có biệt danh là “giai nhân áo đen”, vì bà chỉ thích vận mỗi quần áo màu đen. Dù ai có cho màu áo khác, bà cũng chỉ nhận mà cất đi chỉ không sử dụng. Người già còn kể lại, bà Bính khi ấy da trắng nõn nà, vóc người thanh tú cao sang, lại thêm những bộ đồ đen óng, càng khiến bà trông thêm đẹp đẽ, cao quý vô cùng. Mỗi lần bà ra ngoài, những vương tôn công tử cứ ngoái nhìn và chạy theo mải miết. Trong tập thơ “Ngày xưa”, chân dung Đỗ Thị Bính hiện lên đẹp đẽ thế này: “Tóc xanh viền má hây hây đỏ/Miệng nàng bé thắm như san-hô/Tay ngà trắng nõn, hai chân nhỏ”. Hồi ấy, trước hiên nhà bà Bính có hoa phong lan, có những cụm hồng thơm ngát, mà bà Bính thường ra ngoài ngắm hoa, đọc sách. Khi ấy, Nguyễn Nhược Pháp đang làm việc tại tòa báo L’ Annam nouveau, ngày nào cũng tìm mọi cớ đi ngang đi lại để ngắm nhìn nàng. Rồi tương tư, rồi về say mê, mơ mộng. Và tặng nàng bao vần thơ thấm đẫm mối chân tình. “Ta lặng nhìn hơi lâu/Nhưng thì giờ đi mau... Nàng chợt nghiêng thân ngà/Thoáng bóng người xa xa... Ta mơ chưa lại hồn/Nàng lẹ gót lầu son/Vừa toan nhìn nét phượng/Giấy thẹn bay thu tròn...”.

Và bài thơ “Em đi chùa Hương” nổi tiếng đã ra đời trong những ngày tháng mê đắm trong bóng hình giai nhân áo đen, duyên dáng, tươi thắm trong câu chuyện tình êm ái và có hậu như giấc mơ của nhà thơ: “Hôm nay đi chùa Hương/Hoa cỏ mờ hơi sương/Cùng thầy me em dậy/ Em vấn đầu soi gương/Khăn nhỏ, đuôi gà cao/Em đeo dải yếm đào/Quần lĩnh, áo the mới/Tay cầm nón quai thao... Em đi, chàng theo sau/Em không dám đi mau/Ngại chàng chê hấp tấp/Số gian nan không giàu... Đường đây kia lên trời/Ta bước tựa vai cười/Yêu nhau, yêu nhau mãi/Đi, ta đi, chàng ôi!”. “Giai nhân áo đen” cũng cảm mến tài hoa và tấm chân tình của chàng thi sĩ ấy. Giữa họ dường như chỉ còn chờ một bước để đến bên nhau.

Nhưng cuộc đời có như mơ. Chàng thi sĩ trẻ đã mệnh bạc mất sau cơn bạo bệnh, bỏ lại bao ước vọng của tuổi thanh xuân và ước mộng đẹp của một mối tình dang dở. Nàng “giai nhân áo đen” cũng đau buồn, nhỏ lệ vì thương nhớ chàng.

Sau khi Nguyễn Nhược Pháp mất được một năm, gia đình thuyết phục Bính lấy Bùi Tường Viên, em trai út của Luật sư nổi tiếng Bùi Tường Chiểu, mới du học bên Pháp về. Đám cưới của bà được cho là đám cưới sang nhất Hà thành thời bấy giờ. Rồi chiến tranh nổ ra, bà Bính được biết đến như một mệnh phụ đầy lòng thiện nguyện thời ấy. Bà tham gia phong trào Bình dân học vụ, tham gia làm từ thiện, chữa bệnh cứu người. Hoà bình, bà và chồng vẫn sống đời mẫu mực, giúp đỡ mọi người chung quanh. Trong cuộc sống hôn nhân, ông bà nổi tiếng thương yêu, thủy chung với nhau. Bà được con cái và người thân ngưỡng mộ như một đàn bà tài sắc vẹn toàn, đảm đang, hiếu thuận, luôn giữ đúng lễ tiết của người phụ nữ mẫu mực Hà Nội xưa.

Hai người đàn bà trong cuộc đời Nguyễn Nhược Pháp, chính là hai bông hồng toả rạng vẻ đẹp của phụ nữ truyền thống Việt: Vừa đẹp người, vừa đẹp nết, đầy trắc ẩn, đầy bao dung.