Thí sinh cần làm gì sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT?

(PLVN) - Sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT 2024, thí sinh cần lưu ý các mốc thời gian quan trọng mà Bộ GD&ĐT quy định để đảm bảo quyền lợi và có sự chuẩn bị tốt nhất cho việc đăng ký nguyện vọng trúng tuyển đại học.
Ảnh minh họa

Từ 8h ngày 17/7, thí sinh có thể tra cứu điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Để tra cứu điểm thi, thí sinh xem trên website kỳ thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT theo các bước sau:

Bước 1: Thí sinh truy cập vào website Bộ GD&ĐT tại đây.

Bước 2: Mục tên đăng nhập thí sinh sẽ nhập số Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân hoặc Mã định danh của mình

Tiếp đó nhập mật khẩu được cấp khi đăng ký dự thi để đăng nhập vào Hệ thống của thí sinh. Trường hợp đã thay đổi mật khẩu sau khi được cấp thì bạn dùng mật khẩu đã thay đổi. Tiếp theo, thí sinh nhập mã xác nhận và bấm “Đăng nhập” để xem chi tiết điểm của mình.

Sau khi hoàn tất tra cứu điểm thi tốt nghiệp THPT 2024 trên hệ thống website Bộ, nếu nhận thấy điểm thi có sự bất thường, kết quả có nhiều khác biệt so với kết quả ước tính được trước đó, thí sinh có thể cân nhắc làm đơn phúc khảo. Thí sinh có thể nộp đơn phúc khảo từ ngày 17/7 đến 26/7 tại nơi đăng ký dự thi. Chậm nhất ngày 12/8, thí sinh có đơn xin phúc khảo sẽ được xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Hạn cuối xét công nhận tốt nghiệp THPT là ngày 19/7. Chậm nhất ngày 21/7, các trường sẽ công nhận tốt nghiệp cho thí sinh.

Từ ngày 18/7 - 17h ngày 30/7, thí sinh đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển không giới hạn số lần. Sau khi đăng ký nguyện vọng, thí sinh còn có những băn khoăn, phân vân với việc đặt nguyện vọng các trường đại học mong muốn có thể thay đổi, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển không giới hạn số lần.

Lưu ý, việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển đối với các ngành/chương trình phải thực hiện theo hình thức trực tuyến trên Hệ thống hoặc trên Cổng dịch vụ công quốc gia (Nội dung hướng dẫn đăng tải tại Hệ thống hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia);

Các nguyện vọng của thí sinh đăng ký xét tuyển vào tất cả các cơ sở đào tạo đăng ký theo ngành/chương trình và được xếp thứ tự từ 1 đến hết (nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất), đồng thời thí sinh phải cung cấp các dữ liệu (theo tiêu chí, điều kiện, quy trình đăng ký được quy định tại đề án tuyển sinh của các cơ sở đào tạo) tương ứng với ngành/chương trình mà thí sinh đã đăng ký xét tuyển để các cơ sở đào tạo sử dụng xét tuyển (Hướng dẫn chi tiết các bước đăng ký được đăng tải trên Hệ thống khi thí sinh truy cập vào để đăng ký);

Tất cả các nguyện vọng xét tuyển của thí sinh vào cơ sở đào tạo được xử lý trên Hệ thống và mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng cao nhất trong số các nguyện vọng đã đăng ký khi bảo đảm đủ điều kiện trúng tuyển;

Thí sinh đã hoàn thành việc dự tuyển vào cơ sở đào tạo theo kế hoạch xét tuyển sớm của cơ sở đào tạo, nếu đủ điều kiện trúng tuyển (trừ điều kiện tốt nghiệp THPT) phải tiếp tục đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên Hệ thống để được xét tuyển theo quy định.

Từ ngày 22/7 - 17h ngày 31/7, đối tượng thí sinh diện xét tuyển thẳng xác nhận nhập học trên hệ thống (nếu có). Nếu như không xác nhận, có thể thí sinh sẽ bỏ lỡ cơ hội học tập từ trường đại học đó.

Từ ngày 31/7 - 17h ngày 6/8, thí sinh nộp lệ phí xét tuyển theo số lượng nguyện vọng xét tuyển bằng hình thức trực tuyến, theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Trước 17h ngày 19/8, các cơ sở đào tạo thông báo thí sinh trúng tuyển đợt 1.

Trước 17h ngày 27/8, thí sinh xác nhận nhập học trực tuyến đợt 1 trên hệ thống. Sau khi xác nhận, các thí sinh sẽ không được xét thêm các nguyện vọng phía sau, trừ trường hợp trường đại học cho phép không nhập học.

Đọc thêm