Thí sinh ho trong phòng thi, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói gì?

(PLO) - Việc áp dụng hình thức thi trắc nghiệm cho kỳ thi THPT đã làm “nóng’ nghị trường QH trong phiên chất vấn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. Thậm chí cả chuyện tiếng ho của thí sinh trong phòng thi cũng đã được ĐBQH đưa lên bàn, chất vấn Bộ trưởng.
Hình minh họa

Thể hiện quan điểm không đồng tình với việc áp dụng hình thức thi trắcnghiệm đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT, Đb Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng việc thi trắc nghiệm đã gây lãng phí đối với quá trình đổi mới giáo dục, không đi đôi với mục tiêu học, phát triển năng lực bản thân. Trong khi chương trình học khuyến khích việc thực hành, thí nghiệm thì phương thức thi này đã không tận dụng được những thay đổi đó của quá trình học.

Thậm chí, bà còn cho rằng thi trắc nghiệm sẽ nảy sinh tiêu cực. “Cháu tôi về kể chuyện là thi trắc nghiệm dễ quá. Cả lớp chỉ cần tập trung mua cho bạn nào học giỏi nhất một lọ dầu gió. Quy định ám hiệu là khi làm bài, nếu đáp án a thì bạn ho một tiếng, đáp án b bạn ho 2 tiếng… cả lớp cứ theo tiếng ho của bạn mà chọn đáp án. Quy chế thi chỉ cấm này, cấm kia, chứ đâu cấm ho”.

ĐB Nguyễn Trường Giang (Đắc Nông) cũng đặt câu hỏi liệu thi trắc nghiệm có ảnh hưởng đến chất lượng kỳ thi, có ảnh hưởng đến việc dạy và học trong năm nay?. Có biện pháp gì tránh hiện tượng tiêu cực trong thi cử.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời: Phương pháp tổ chức học từ thụ động sang phát huy phẩm chất năng lực không ảnh hưởng đến việc thi trắc nghiệm. Thi Tốt nghiệp THPT là cuộc thi dành cho số đông. Kỳ thi này là để kiểm tra kiến thức, không phải kiểm tra chuyên môn. Nội dung không thay đổi chất lượng cơ bản. Đây là kỳ thi chung đảm bảo tính toàn diện, khách quan trung thực. Thi theo hình thức này cũng sẽ bỏ tình trạng “ứng thí” thi môn nào,  học môn đó, học tủ, học lệch làm nảy sinh tình trạng kiến thức phổ thông yếu.

Nói về khả năng nảy sinh hiện tượng tiêu cực khi thi trắc nghiệm như ĐB nêu, Bộ trưởng trấn an: Đề thi trắc nghiệm không phải chỉ là biết hay không, mà có nhiều câu hỏi liên quan đến suy đoán, tư duy. Bộ đề thi được soạn thảo rất khoa học, nên không thể có chuyện cả phòng làm chung một đề, có thể xem bài của nhau. 

Về tính bền vững của phương án thi trắc nghiệm, Bộ trưởng nói: “Chúng tôi rất cân nhắc. Không có phương án nào tuyệt đối, đây là phương án phù hợp nhất trong quá trình này. Chúng ta chọn phương án tương đối ổn định. Không nên đặt vấn đề phương án đúng mãi cho nhiều năm”. 

“Có nhiều hình thức thi, nhưng phương thức nào cũng có hạn chế, ưu điểm. Chọn là dựa vào cái nhiều thuận lợi nhất. Chúng tôi đã cân nhắc rất kỹ nhưng phần lớn các chuyên gia đều nhất trí là phương thức thi trách nghiệm sẽ kiểm tra được ở tính rộng. Thi tự luận chưa chắc đã chuẩn trong việc đánh giá, đảm bảo tính toàn diện. Hơn nữa, ở nhiều nước tiên tiến, họ đều làm vậy”, Bộ trưởng cho biết thêm.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tại phiên chất vấn

Cũng trong chương trình chất vấn sáng nay, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã trả lời các câu hỏi liên quan đến chất lượng giáo viên, tình trạng sinh viên (nhất là sinh viên sư phạm) ra trường thiếu việc làm… 

Bộ trưởng cho biết đây là nỗi trăn trở của ngành giáo dục. Tới đây, Bộ sẽ cơ cấu lại mạng lưới các trường ĐH theo hướng các trường ở địa phương sẽ trở thành trường thành viên, hoặc trường phân hiệu của các trường lớn.

Đọc thêm