Giảm nhiệt thi THPT Quốc gia - việc nên làm

(PLO) - Năm đầu tiên của kì tuyển sinh THPT quốc gia, chúng ta đã chứng kiến quá nhiều nước mắt khi thí sinh ngày hôm nay trúng tuyển, ngày mai trượt. Nhiều trường “nước chảy chỗ trũng”, “gạt” không hết thí sinh, trong khi đó không ít trường cho tới thời điểm này vẫn chưa tuyển đủ thí sinh, không ít trường phải đóng cửa một số ngành học, thậm chí đóng cửa trường...
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Nghịch lý A và Z
Tuy vậy, kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ 2015 được đánh giá là giảm áp lực cho thí sinh và xã hội khi rút lại chỉ còn một kỳ thi với 2 mục đích. Song, dư luận cho rằng, một kỳ thi kéo dài tới 4 ngày cùng sự tham gia của tất cả các tỉnh, thành phố chứng tỏ sức “nóng” hơn mức cần thiết của một kỳ thi. 
PGS Văn Như Cương, Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội nhận định, thi và kiểm tra đánh giá là một khâu, là một chuyện nhỏ. Nhưng chỉ một “chuyện nhỏ” như kỳ thi THPT quốc gia vừa qua mà Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), các trường ĐH, giáo viên phổ thông huy động toàn bộ sức lực còn không làm tốt, huống chi chuyện lớn là đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo thì làm sao được? Nguyên nhân được thầy Cương khẳng định, chẳng qua chúng ta giao việc không đúng.
Cụ thể, Bộ GD-ĐT đã ôm lấy toàn bộ công việc của kỳ thi quốc gia vừa qua, do đó không làm được những mục tiêu trên. Nếu hình dung A đến Z là một quá trình đào tạo phổ thông (A là các phần việc tuyển chọn từ khi vào lớp 1, Z là khâu thi tốt nghiệp phổ thông), ở quá trình này tất cả mọi việc Bộ đều giao cho các sở, trừ việc Z. Tương tự, ở ĐH từ quá trình A đến Z (A là khâu tuyển sinh cho đến Z là các khâu đào tạo, thi tốt nghiệp…) Bộ giao hoàn toàn cho các trường ĐH tự chủ, còn riêng A thì bộ đã nắm lấy.
Ở bậc phổ thông Bộ nắm phần Z, riêng ĐH thì Bộ nắm phần A, thầy Văn Như Cương cho rằng đó là điều vô lý. Ở phổ thông, việc thi tốt nghiệp các địa phương không đâu không làm được, ở ĐH việc tuyển sinh các trường cũng không thể không làm được.
Học trò “biến mất” hay Bộ tính sai? 
GS Trần Phương, nguyên Phó Thủ tướng, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội bày tỏ, kỳ thi này nên tiếp tục thực hiện vào năm sau nhưng cần rút gọn lại. Còn như hiện nay, kỳ tuyển sinh kéo dài gây lãng phí cho xã hội. 
Ông Phương cho rằng, năm nay không biết chuyên gia của Bộ tính toán thế nào mà có 531.000 thí sinh đủ điểm sàn vào ĐH nhưng các trường tuyển đến gần hết tháng 10 vẫn thiếu. Như Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đến giờ mới tuyển được 2.600/4.500 chỉ tiêu. “Học trò đi đâu, không biết. Không chỉ riêng trường của tôi, tôi nghĩ chuyên gia của Bộ tính toán không đúng” - GS Phương nói.
Đồng thời, trong khi Bộ GD-ĐT đặt ra phương án dịch chuyển thời gian tổ chức kỳ thi THPT quốc gia vào giữa tháng 6 thay vì đầu tháng 7, ông Đàm Quang Minh, Hiệu trưởng ĐH FPT cho rằng, ở nhiều nước, sau khi học hết THPT, học sinh có khoảng thời gian nghỉ ngơi, tham gia hoạt động xã hội hoặc tìm hiểu thế giới bên ngoài, còn học sinh Việt Nam cứ hì hục học thi vào ĐH. Bởi vì những quy định về thi cử của chúng ta quá chặt chẽ về thời điểm - đến thời điểm đó phải thi tốt nghiệp, thi ĐH, không theo luồng đó mà để đến năm sau sẽ có vấn đề...
Ông Đàm Quang Minh cho rằng, để “giảm độ nóng” của kỳ thi THPT quốc gia, một năm không nhất thiết chỉ có một kỳ thi chung mà có thể thi 2 lần để học sinh chuẩn bị tốt hơn.
Bộ trưởng Bộ GD- ĐT Phạm Vũ Luận không ít lần ví von: “Công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục lần này là “trận đánh lớn”, và đổi mới thi cử là khâu đột phá”. 
Và có ý kiến cho rằng, dư luận cảm thấy khó hiểu với lập luận này, thầy cô giáo và học sinh chẳng biết ai đúng, ai sai, nhưng bắt đầu xuất hiện tâm lý hoang mang không biết năm 2016 sẽ thi như thế nào đây? 
Phải chăng Bộ GD-ĐT sai khi chọn thi cử làm khâu đột phá, khi mà chiến thuật này chỉ làm thay đổi cách dạy và học nhằm đối phó với những kiểu thi mà Bộ liên tiếp đổi thay, chứ không tạo ra tác động đổi mới phương pháp dạy và học? Bởi tất cả đều chăm chăm một con đường duy nhất vào... ĐH mà thôi./.

Đọc thêm