Chiều 26/6, thí sinh khối A, B, D… đã hoàn thành kì thi THPT quốc gia. Đề thi khoa học tự nhiên (KHTN) và Tiếng Anh năm nay đều được thầy cô và thí sinh nhận xét là dài và độ khó tăng mạnh so với năm 2017. Thời gian chuyển giữa các môn trong bài thi tổ hợp KHTN (Lý, Hóa, Sinh) 10 phút là hơi gấp gáp với thí sinh.
“Năm trước dễ, năm nay khó”
Chia sẻ sau khi hoàn thành bài thi KHTN gồm ba môn (Lý, Hóa, Sinh), Nguyễn Quang Anh (THPT Trần Phú, Hà Nội) nhận xét: Nếu như đề thi năm ngoái tính phân loại thấp, dễ đạt điểm từ 8-9 thì năm nay em thấy đề thi có những câu mang tính phân loại rõ ràng. Nếu học trung bình có thể làm được khoảng 5 điểm, học khá hơn có thể làm được từ 6-7 điểm. Em làm chắc chắn khoảng 25 câu. Những câu này em chỉ mất khoảng 30 phút để hoàn thành, những câu còn lại yêu cầu tính toán nhiều, nên rất khó. Đây cũng là những câu để lấy điểm 8 trở lên. Với đề thi này, em thấy để đạt mức điểm giỏi từ 8-9 điểm phải thực sự nắm vững kiến thức và tính toán rất nhanh. Dự thi khối A1, có nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào ĐH Bách khoa Hà Nội, Quang Anh cho biết, cả 2 bài thi Toán và Vật lý đều làm ở mức trung bình khá, do đó, em đặt nhiều hy vọng vào “môn tủ” Tiếng Anh buổi chiều.
Một thay đổi trong tổ chức thi bài tổ hợp năm 2018 là thời gian nghỉ giữa các môn thành phần rút ngắn xuống còn 10 phút, thay vì 20 phút như năm trước. Theo Quang Anh, việc rút ngắn thời gian khiến thí sinh cảm thấy khá gấp gáp khi chuyển từ môn thi này sang môn thi khác, do đó nên để thời gian giữa các môn thi khoảng 15 phút sẽ hợp lý hơn.
Tương tự, Nguyễn Duy Anh (THPT Việt Đức, Hà Nội) cũng cho biết, đề thi Vật lý năm nay khó hơn nhiều so với những năm trước. Theo Duy Anh, đề thi mang tính phân loại khá cao. Đề có khoảng 10 câu lý thuyết là những câu giúp thí sinh “ăn điểm” nhanh, chỉ cần học thuộc, không yêu cầu kỹ năng tính toán. Khoảng 5-7 câu cuối sẽ rất khó, có một số dạng lạ mà trên lớp chúng em ít gặp. Với mức đề này, em hy vọng điểm trúng tuyển vào các trường ĐH năm nay sẽ không cao như năm trước.
Phạm Linh Chi (THPT Việt Đức, Hà Nội) cũng cho biết đề thi có khoảng 20 câu khá dễ. Các câu hỏi được sắp xếp theo tăng dần về độ khó. Trong đó, kiến thức lớp 12 chiếm đa số, chỉ có lượng nhỏ các câu hỏi thuộc chương trình lớp 11. Linh Chi cho biết, khác với ngày thi đầu tiên, bước sang ngày thi thứ 2, em đã thoải mái hơn nhiều bởi xác định năm nay các môn thi đều khó hơn. Linh Chi tự tin được khoảng 6-7 điểm môn thi KHTN.
Sẽ không còn “mưa điểm 10”
Nhận xét về đề thi KHTN, các thầy cô đều cho rằng đề năm nay dài và khó nhưng không gây “sốc”, tính phân loại cao, thí sinh học lực nào sẽ đạt điểm trình độ đó (điểm khá, giỏi dành cho thí sinh xét tuyển ĐH, điểm trung bình dành cho thí sinh chỉ lấy điểm tốt nghiệp THPT). Đối với đề Sinh, thầy Đinh Văn Tiên, giáo viên Sinh trường THPT Gia Định cho biết: Ngoài kiến thức chương trình Sinh học 11, năm đầu tiên được đưa vào đề thi thì về cơ bản cấu trúc đề, tương quan lí thuyết/bài tập vẫn như đề các năm gần đây. Đề dài và có tính phân loại cao. Khó có tình trạng “mưa điểm 10” như năm 2017. Bài tập không mới nhưng dài (11 câu bài tập dạng đếm số câu đúng/sai), đòi hỏi học trò phải rèn luyện nhiều và tiếp cận cách giải nhanh mới hi vọng kịp thời gian.
Dự đoán khoảng điểm nhiều thí sinh đạt nhất vào khoảng 4,5 - 6,5 điểm.Với tỷ lệ câu ở các mức độ như trên có thể thấy đề thi phù hợp với để phân loại học sinh xét tốt nghiệp và xét đại học. Học sinh dễ đạt điểm 5, 6. Từ mức điểm 7 trở lên mức độ khó tăng lên đáng kể. Để đạt được điểm 9, 10 điểm các em học sinh cần xác sớm mục tiêu cụ thể, trên cơ sở đó đưa ra phương pháp học tập khoa học.
Theo thầy Tiên, với cách thi hiện nay ngoài kiến thức là bắt buộc còn đòi hỏi học sinh phải có kĩ năng tính toán nhanh mới kịp thời gian vì trước kia thi 50 câu/90 phút, bình quân 1,8 phút/ câu; hiện tại 40 câu/50 phút, bình quân 1,25 phút/câu. Kỳ thi cũng đòi hỏi sức khỏe tốt và khả năng chịu áp lực cao do thi 3 môn trong cùng 1 buổi. Riêng môn Sinh lại là môn thi cuối cùng trong tổ hợp môn KHTN. Vì thế, có ngồi làm bài cùng lúc 3 môn như học trò mới hiểu một điều rằng, giữ được sức khỏe và hoàn thành bài thi là cả một sự cố gắng.
Nhận xét về đề Vật lý, thầy Phạm Quốc Toán, giáo viên Tuyensinh247.com cho biết: Nhìn chung đề thi năm nay không khó hơn nhiều so với đề thi minh họa mà Bộ đã đưa ra trước đó, tuy nhiên khá dài. Theo tôi, điểm phổ biến sẽ rơi vào điểm từ 5 đến 7, sẽ không có “mưa điểm 10” thậm chí rất ít điểm 10 tuyệt đối. Các câu lí thuyết đa phần là các câu hỏi dễ, học sinh chỉ cần nhớ kiến thức trong sách giáo khoa là có thể làm được và phần lớn câu hỏi lí thuyết đều ở mức độ dễ, tạo điều kiện cho học sinh trung bình “kiếm điểm”. Nhìn chung đề Vật lí năm nay không bị “sốc” với học sinh, rất “hợp lý” với mục tiêu của kỳ thi 2 trong 1.
Nhận xét về đề Hóa, thầy Phạm Thanh Tùng – Giáo viên Tuyensinh247.com đánh giá: Cũng như đề thi năm 2017, độ khó của các câu hỏi được xếp theo thứ tự tăng dần về độ khó, nhưng đề thi năm nay tính phân loại cao hơn. Để đạt điểm 8 - 10 thì học sinh phải xếp loại học lực giỏi và hiểu bản chất vấn đề, biết đan xen giữa kiến thức cơ bản, vận dụng và vận dụng cao mới có thể đạt được. Phạm vi ra đề bao gồm cả kiến thức lớp 11 và lớp 12, nhưng trọng tâm là kiến thức lớp 12 (chiếm khoảng 80%). Các câu hỏi lớp 11 (chiếm khoảng 20% phân bổ đều các chương).
Thầy Tùng cho rằng, đề thi THPT quốc gia năm nay khó hơn đề năm ngoái. Năm nay học sinh hoàn toàn phải hiểu bản chất mới làm được bài. Các phương án gây nhiễu đáp án cũng khó phát hiện ra hơn, tránh khoanh bừa đáp án mà vẫn đạt điểm trong kỳ thi.
Đề Anh: Phổ điểm 5-7 điểm
Buổi chiều, kết thúc môn thi Tiếng Anh, thầy cô và thí sinh đều nhận xét đề khó và dài, tính phân loại cao. Cô Hoàng Xuân, giáo viên Tuyensinh247.com nhận xét: Đề thi THPT quốc gia môn Tiếng Anh năm nay khá xác thực với đề minh họa của Bộ. Đề có độ phân hóa thí sinh khá tốt. Theo cô, phổ điểm môn Tiếng Anh năm nay sẽ chủ yếu dao động từ 5 đến 7. Học sinh học khá và nắm chắc kiến thức một chút sẽ có thể dễ dàng đạt 7 điểm. Ngoài ra, sẽ không có “mưa” điểm 9 và 10 như năm ngoái. Điều này đảm bảo sẽ chọn được những học sinh giỏi thực sự vào các trường đại học Top trên.
Theo thông tin nhanh của Ban Chỉ đạo thi THPT Quốc gia, tính tới chiều 26/6, sau ba buổi thi có 54 thí sinh bị kỷ luật, trong đó có 52 thí sinh bị đình chỉ, lỗi chủ yếu do mang điện thoại và tài liệu vào phòng thi.