Thông tin tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2019 và phương hướng nhiệm vụ năm 2020 của Cục QLGSBH cho biết, thị trường bảo hiểm hiện có 66 DN kinh doanh bảo hiểm (trong đó có 30 DN bảo hiểm phi nhân thọ,18 DN bảo hiểm nhân thọ, 02 DN tái bảo hiểm và 16 DN môi giới bảo hiểm và 01 chi nhánh DN bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài.
Tổng tài sản thị trường bảo hiểm ước đạt 454.379 tỷ đồng (tăng 15,03% so với cùng kỳ năm trước); Đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 376.555 tỷ đồng (tăng 16.36% so với cùng kỳ năm trước); Tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm ước đạt 285.965 tỷ đồng (tăng 18,58% so với cùng kỳ năm trước); Tổng nguồn vốn chủ sở hữu ước đạt 89.345 tỷ đồng (tăng 9,34% so với cùng kỳ năm trước); Tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 160.180 tỷ đồng (tăng 20,54% so với cùng kỳ năm trước); Chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 44.006 tỷ đồng.
Phó Cục trưởng Cục QLGSBH, bà Phạm Thu Phương nhận định “thị trường bảo hiểm tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ổn định, góp phẩn ổn định kinh tế vĩ mô”.
Đặc biệt, năm 2019 Cục QLGSBH đã kịp thời xây dựng, ban hành các văn bản QPPL về lĩnh vực bảo hiểm, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN bảo hiểm, đẩy mạnh cải cách hành chính, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.
Cụ thể: Luật số 42/2019/QH14 ngày 14/6/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật sở hữu trí tuệ; Nghị định 80/2019/NĐ-CP ngày 1/11/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 73/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm; Nghị định 98/2013/NĐ-CP ngày 28/8/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định 48/2018/NĐ-CP ngày 21/3/ 2018 của Chính phủ; Quyết định 242/QĐ-TTg ngày 28/2/2019 phê duyệt Đề án cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025; Quyết định 22/2019/QĐ-TTg ngày 26/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp;…
Nhằm phát huy những kết quả đạt được trong năm 2019, năm 2020, nhiệm vụ trọng tâm của Cục QLGSBH được tập trung vào các nội dung như: Công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, trong đó, tập trung cho việc chuẩn bị hồ sơ xây dựng Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Nghị định hướng dẫn triển khai bảo hiểm vi mô; Nghị định thay thế Nghị định103/2008/NĐ-CP ngày 16/9/2008 về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới; Công tác phát triển thị trường và nâng cao chất lượng dịch vụ bảo hiểm;…
Liên quan đến công tác thanh tra, kiểm tra, ông Trần Huy Trường, Phó Chánh Thanh tra Bộ Tài chính cho biết, tháng 7/2019, Thanh tra Bộ Tài chính và Cục QLGSBH đã ký kết quy chế phối hợp, trong quy chế đã tập trung vào thực hiện tốt hơn công tác giám sát, xây dựng các kế hoạch thanh tra, kiểm tra các DN bảo hiểm.
“Trong năm tới, Thanh tra Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với Cục QLGSBH xây dựng quy trình giám sát rủi ro, qua đó làm căn cứ lựa chọn các đối tượng để tiến hành công tác giám sát, việc xây dựng quy trình giám sát rủi ro sẽ kịp thời chấn chỉnh các DN bảo hiểm có biểu hiện sai phạm”- Phó Chánh Thanh tra Bộ Tài chính nhấn mạnh.