Thị trường bất động sản tiếp tục sôi động ở phía Tây và Nam Thủ đô

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo Quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội sẽ mở rộng đô thị trung tâm về phía Tây và phía Nam. Do đó, mặc dù dịch bệnh COVID - 19 vẫn đang diễn biến phức tạp nhưng phân khúc thị trường bất động sản 2 khu vực này vẫn tiếp tục sôi động.
Thị trường bất động sản tiếp tục sôi động ở phía Tây và Nam Thủ đô

3 phân khúc khiến khu vực phía Tây “nhộn nhịp”

Cụ thể, 3 phân khúc khiến bất động sản khu vực này vẫn nhộn nhịp, sôi động là căn hộ dịch vụ, biệt thự/nhà liền kề và văn phòng cho thuê.

Ở thị trường căn hộ dịch vụ, thị trường Hà Nội có tổng nguồn cung tăng mạnh 20% theo năm, đạt 5.500 căn. Sau thời gian dài chờ đợi, hai dự án Hạng B tại quận Ba Đình và Đống Đa cung cấp 136 căn. Tỷ trọng căn hạng A ổn định trong vòng 5 năm qua ở mức 53%, phần lớn được quản lý bởi Ascott và thương hiệu mới Oakwood. Trong khi đó, một nguồn cung tương lai ghi nhận 2.400 căn từ 19 dự án. Các đơn vị quản lý nước ngoài sẽ nắm giữ 96% số lượng căn tương lai. Điển hình là CapitaLand đã mua lại dự án Somerset Metropolitan West Hanoi với quy mô 364 căn. Những dự án này dự kiến sẽ tiếp tục làm cho khu vực phía Tây sôi động, nhộn nhịp.

Theo số liệu thống kê, trong khi giá thuê căn hộ dịch vụ giảm -8% theo năm, xuống còn 24 USD/m2/tháng thì trong vòng 5 năm trở lại đây, quận Cầu Giấy luôn duy trì mức giá thuê cao nhất, đạt 32 USD/m2/tháng trong 6 tháng đầu năm 2021. Khách thuê Hàn Quốc vượt qua Nhật Bản để chiếm đa số tại quận Cầu Giấy.

Đối với lĩnh vực biệt thự/nhà liền kề, khu vực phía Tây tiếp tục dẫn đầu thị trường trong năm 2021 với cơ sở hạ tầng cải thiện, một số dự án lớn và các chủ đầu tư uy tín.

Những dự án lớn về cơ sở hạ tầng thúc đẩy giá trị khu vực phía Tây, bao gồm Đại lộ Thăng Long, tuyến đường Tố Hữu - Lê Văn Lương, với các dự án đang được triển khai như tuyến Metro số 2A, số 3, đường vành đai 3.5 và các tuyến đường mở rộng về phía Tây kết nối với các quận trung tâm.

Nhiều dự án quy mô lớn chậm triển khai đã sẵn sàng trở lại khi các dự án cơ sở hạ tầng xung quanh được hoàn thiện. Mới đây, Vinhomes đã công bố triển khai Vinhomes Wonder Park ở Huyện Đan Phượng và Vinhomes Cổ Loa ở Huyện Đông Anh từ cuối năm nay.

Ngoài ra, Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng cũng đã tác động lên giá đất, đặc biệt là ở Huyện Đông Anh. Với kế hoạch đưa các huyện Đông Anh, Hoài Đức, Đan Phượng, Gia Lâm và Thanh Trì lên thành các quận trung tâm trước năm 2025, những khu vực này sẽ trở thành những điểm đầu tư đáng chú ý.

Còn đối với lĩnh vực văn phòng cho thuê, trong 6 tháng đầu năm, những toà văn phòng mới ở phía Tây như Capital Place, Leadvisors Tower đã cho thuê giá tốt, ghi nhận các khách thuê doanh nghiệp quy mô nhỏ có xu hướng không dịch chuyển, trong khi khách thuê lớn với chiến lược kinh doanh dài hạn có thể sẽ lên kế hoạch mở rộng văn phòng.

Dự kiến tới năm 2023 phía Tây sẽ cung cấp nguồn cung tương lai lớn nhất với 230.000 m2, các dự án văn phòng chất lượng cao sẽ hưởng lợi rất lớn từ sự phát triển của cơ sở hạ tầng.

Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội cho biết, với 35% tổng nguồn cung văn phòng hạng A tại Hà Nội, khu vực phía Tây đang nổi lên là 1 trong 3 khu vực tập trung văn phòng hạng A. Giá thuê tại khu vực này không cao như ở quận trung tâm nhưng khách thuê được hưởng những lợi ích nhất định, đi kèm chất lượng toà nhà rất tốt và được quản lý chuyên nghiệp.

Ông Matthew Powell đánh giá, nhìn chung, sự gia tăng trong nguồn cung bất động sản ở phía Tây Hà Nội phần lớn được thúc đẩy bởi sự phát triển của cơ sở hạ tầng ở khu vực này, cộng thêm yếu tố giá cả nhà ở tại đây vẫn tương đối hợp lý so với một số khu vực khác trên thị trường.

“Ngoài ra, sự phát triển trong cơ sở hạ tầng, một yếu tố nữa tạo nên sức hút của khu vực phía Tây phải kể đến là chất lượng của các dự án nhà ở và thương mại, tiêu chí này càng ngày được các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm đến. Với số lượng dự án chất lượng cao lớn, khu vực phía Tây hứa hẹn là điểm đến đầu tư giàu tiềm năng”, ông Matthew Powell khẳng định.

Bất động sản khu Nam sôi động nhờ hạ tầng bứt phá

Việc hạ tầng giao thông, xã hội được đầu tư phát triển đồng bộ tạo nên diện mạo hiện đại cho đô thị phía nam Hà Nội. Điều này giúp cho thị trường bất động sản của khu vực phía Nam sôi động với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư trong giới bất động sản.

Trong Quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội sẽ mở rộng đô thị trung tâm về phía Nam. Trong đó, toàn bộ địa giới của quận Hoàng Mai sẽ nằm trong khu vực nội đô mở rộng. Việc này mang lại nhiều cơ hội sở hữu không gian sống chất lượng của khu vực phía Nam nói chung và dân cư khu vực Hoàng Mai nói riêng.

Trong những năm gần đây, Quận Hoàng Mai đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp về phát triển hạ tầng đô thị, chủ trương đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống giao thông. Khu vực này đã “thay da đổi thịt” mạnh mẽ, khang trang và hiện đại hơn. Nhiều tuyến đường trọng điểm đã và đang được triển khai như: Cầu vượt thấp qua hồ Linh Đàm; tuyến đường Vành đai 2.5 rộng 40 m, lòng đường 4 làn xe chạy rộng 22 m, vỉa hè rộng 7,5 m; dự án mở rộng gấp đôi đường Tam Trinh nối từ cầu Mai Động đến đường Vành đai 2,5; tuyến nối Vành đai 2,5 với đường Đại Từ, tuyến qua phường Giáp Bát kết nối Vành đai 2,5 với Aeon Mall, tuyến nối Giải Phóng với Trương Định qua bến xe Giáp Bát…

Bên cạnh việc tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các công trình trọng điểm và thực hiện đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2021 - 2026, Quận Hoàng Mai cũng đang nỗ lực hoàn thành các tuyến đường theo quy hoạch như: Vành đai 2,5, đường Lĩnh Nam, Tam Trinh, tuyến Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên, tuyến metro từ Yên Sở đến Ga Hà Nội…

Việc mở rộng các tuyến đường vành đai, xuyên tâm, cùng các đường nhánh giúp giao thông của khu vực phía Nam Hà Nội thông hơn. Nhờ vậy, người dân khu vực này dễ dàng kết nối, di chuyển tới các quận trung tâm hay các khu vực ngoại thành.

Ngoài đầu tư cho hệ thống giao thông, quận Hoàng Mai cũng đang đẩy mạnh phát triển các công trình công cộng, hạ tầng an sinh xã hội, khu nhà ở, đô thị mới nhằm xây dựng đô thị văn minh, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Đặc biệt, Dự án Aeon Mall Giáp Bát, Hoàng Mai có tổng vốn đầu tư lên tới 280 triệu USD sẽ là trung tâm thương mại có tổng vốn đầu tư lớn nhất của Aeon tại Việt Nam. Trong tương lai khi dự án đi vào hoạt động, đây sẽ trở thành khu vui chơi, giải trí, mua sắm hàng đầu tại khu vực phía nam Thủ đô. Không những vậy, với hàng loạt công viên, hồ điều hòa lớn như: Yên Sở, Linh Đàm, Đầm Đỗi, Định Công… quận Hoàng Mai nói riêng và khu Nam Hà Nội nói chung sở hữu mật độ cây xanh - mặt nước cao hàng đầu thành phố, góp phần giúp môi trường sống trong lành hơn.

Đây cũng là khu vực tập trung nhiều bệnh viện tuyến đầu như: Bạch Mai, Việt Pháp, Tai Mũi Họng TW… hay các trường đại học uy tín cả nước như: ĐH Bách khoa, ĐH Xây dựng, ĐH Kinh tế Quốc dân… Bên cạnh đó, hệ thống trường công lập, dân lập, liên cấp chất lượng cao khắp khu vực cũng đem lại nhiều sự lựa chọn về giáo dục cho các gia đình.

Hạ tầng giao thông phát triển đồng bộ, cùng với định hướng chiến lược phát triển bài bản, các chuyên gia đánh giá, quận Hoàng Mai trong tương lai sẽ phát triển mạnh mẽ hơn. Với “sức bật” về hạ tầng, bất động sản khu vực này sẽ có nhiều tiềm năng gia tăng giá trị, là “đòn bẩy” giúp thị trường bất động sản phía Nam rộng ràng, sôi động.

Đọc thêm