Thị trường bất động sản trong những tháng cuối năm có phục hồi?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bất động sản (BĐS) vẫn là “nơi trú ẩn” tài sản vừa bảo đảm tính an toàn và sinh lời trong các thời kỳ khủng hoảng kinh tế, điều này thể hiện rất rõ thời gian qua khi so sánh mức độ ưu tiên đầu tư giữa BĐS và các kênh khác. Dự báo khó có thể xảy ra tình trạng thị trường BĐS mất thanh khoản và giảm giá, mức giá BĐS sẽ tiếp tục tăng lên trong bối cảnh chi phí nguyên vật liệu, sắt thép vẫn còn khá cao.
Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.

Xu hướng dịch chuyển dòng tiền vào BĐS cao

Theo TTXVN, thống kê của Collier Việt Nam cho thấy, về lực cầu mua, hoạt động kinh doanh BĐS trong tháng 5 giảm so với các tháng trong quý I/2021. Trong khi đó, nhìn sang thị trường chứng khoán, chỉ số VN-Index tiếp tục thiết lập đỉnh mới ở mức 1.328,05 điểm vào cuối tháng 5 vừa qua.

Trước xu hướng tăng - giảm trái chiều trên hai thị trường, nhiều nhà đầu tư vẫn "lưỡng lự" bởi chứng khoán là nhóm rủi ro cao. Do đó, thời gian tới, dòng tiền vẫn có thể chảy mạnh vào đất nền gây nên sốt đất ở một số nơi, tương tự như đợt quý I vừa qua - một số chuyên gia nhận xét.

Ông David Jackson - Tổng giám đốc Colliers Việt Nam cho rằng, xu hướng các nhà đầu tư dịch chuyển dòng tiền vào lĩnh vực BĐS ngày càng nhiều vì đây là kênh đầu tư được cho là an toàn, nhất là giá nhà đất lại có xu hướng tăng theo thời gian.

So sánh giữa các kênh đầu tư cho thấy, chứng khoán, vàng không ổn định, khó nắm bắt, nhất là với nhóm nhà đầu tư mới. Cùng đó, lãi suất tiền gửi tiết kiệm đang ở mức thấp, phổ biến dưới 6,5%/năm nên khó hấp dẫn nguồn tiền tích lũy của người dân.

Trong khi đó, các doanh nghiệp BĐS vẫn rất tích cực bám thị trường, đẩy thanh khoản ngay cả trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội thông qua nhiều hình thức như giới thiệu và bán hàng trực tuyến. Các sàn giao dịch cũng ghi nhận về nhu cầu mua nhà ở của người dân khá tích cực, nhất là tại thành phố có tốc độ đô thị hóa nhanh như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội...

Dẫn chứng về vấn đề này, ông David Jackson cho biết, phân khúc đất nền rất sôi động và thu hút sự quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, khi quỹ đất sạch ngày càng khan hiếm thì khu vực vùng ven như thành phố Thủ Đức, huyện Hóc Môn, Bình Chánh tiếp tục giữ vị thế chủ lực sau khi thiết lập mặt bằng giá mới từ đợt "sốt" đất vừa qua.

Đánh giá tổng thể thị trường BĐS cho thấy, các dự án nhà ở và văn phòng chất lượng cao được ra mắt thời gian qua vẫn giữ đà tăng. BĐS công nghiệp và lĩnh vực bán lẻ cao cấp tiếp tục nhận được quan tâm và đầu tư. Giá nhà chung cư có hiện tượng tăng trước áp lực hạn chế về nguồn cung.

Mức giá BĐS tiếp tục tăng

Cổng thông tin chính phủ dẫn lời bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Tư vấn và Nghiên cứu, Savills Hà Nội, trong bối cảnh hiện nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực BĐS sẽ tùy thuộc vào danh mục các dự án để có những chiến lược khác nhau cho từng dự án và phân khúc sản phẩm.

Theo bà Hằng, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp chủ động tìm ra các xu hướng mới và thực hiện. Các xu hướng này có thể kể đến là nhu cầu đầu tư nhà kho, nhà xưởng, kho lạnh; nhu cầu phát triển BĐS làm ngôi nhà thứ hai đáp ứng các nhu cầu nghỉ dưỡng, an toàn, khoảng cách.

“Đó còn là nhu cầu nhà ở dịch vụ tốt tại các đô thị công nghiệp trong điều kiện không thể di chuyển về các thành phố lớn; nhà ở đô thị gắn với không gian sống rộng, thuận lợi cho hoạt động chăm sóc sức khỏe ngay cả khi không được tập trung đông người; các sản phẩm đặc thù khác như data centre, BĐS gắn với dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi”, đại diện Bộ phận Tư vấn và Nghiên cứu, Savills Hà Nội phân tích.

Những diễn biến thực tế trên thị trường cũng cho thấy, hiện nay dòng tiền có xu hướng dịch chuyển từ đất nền sang chung cư sau giai đoạn “sốt nóng” của đất nền trong những tháng đầu năm 2021.

Theo dữ liệu mới nhất của Batdongsan.com.vn, trong tháng 5/2021 khi hầu hết các loại hình BĐS khác đều có xu hướng suy giảm lượt quan tâm do ảnh hưởng của dịch bệnh, thì căn hộ chung cư là loại hình ghi nhận nhu cầu tìm mua gia tăng ở cả thị trường Hà Nội và TPHCM, với mức tăng lần lượt là 12% và 8% so với tháng 4. Nhu cầu được chia đều cho các dòng sản phẩm ở cả 3 phân khúc cao cấp, trung cấp và bình dân.

Lý giải về xu hướng dịch chuyển này, các chuyên gia trên lĩnh vực BĐS cho rằng, từ cuối tháng 4 và tháng 5 trở lại đây, thị trường BĐS gặp khó do dịch bệnh bùng phát mạnh trở lại. Sau những “cơn sốt đất nền” trong quý I/2021, với sự vào cuộc kịp thời, hiệu quả của các bộ, ngành chức năng và chính quyền địa phương, cơn sốt đất nền đã có dấu hiệu hạ nhiệt, giá chững lại và nhu cầu giảm.

Chính điều này đã tác động lớn tới thị trường khi dòng tiền và sự quan tâm của thị trường có sự dịch chuyển. Nhà đầu tư ưu tiên lựa chọn những sản phẩm BĐS có mức giá tăng chưa cao, mặt bằng giá hấp dẫn hơn. Cùng với đó, từ trước đến nay trên thị trường BĐS, chung cư vẫn luôn là loại hình nhận được nhiều sự quan tâm vì phục vụ chủ yếu nhu cầu thực. Giá chung cư có mức tăng ổn định, ở ngưỡng hợp lý, không bị “sốt” hay thổi giá theo hạ tầng như đất nền. Hiện nay, chung cư Hà Nội có mức tăng giá trung bình từ 1-3% theo năm.

Nhìn về dài hạn, BĐS Việt Nam vẫn luôn là thị trường tiềm năng với một lượng lớn nhu cầu của gần 100 triệu dân, trong khi tỉ lệ đô thị hóa của chúng ta vẫn còn rất thấp so với nhiều nước trong khu vực.

Theo số liệu của Batdongsan.com.vn, mỗi năm Hà Nội và TPHCM cần khoảng 140.000 căn nhà, tuy nhiên nguồn cung rất hạn chế kể từ năm 2019.

Từ nay đến cuối năm, thị trường BĐS sẽ vẫn còn chịu ảnh hưởng của COVID-19, việc này tạo ra sự phát triển không đồng đều tại các địa phương, phân khúc BĐS và dự án, đại diện Savills Hà Nội phân tích.

“Khi dịch COVID-19 được kiểm soát tốt, các địa phương có thể thu hút không chỉ đầu tư nội tỉnh mà còn các nhà đầu tư từ các địa phương khác cũng như quốc tế. Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng cũng như các địa phương trong vùng trọng điểm phát triển kinh tế sẽ vẫn thu hút được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư”, Giám đốc Cấp cao Bộ phận Tư vấn và Nghiên cứu, Savills Hà Nội dự báo.

Phân tích của các chuyên gia trong lĩnh vực BĐS cho thấy, BĐS vẫn là nơi trú ẩn tài sản vừa bảo đảm tính an toàn và sinh lời trong các thời kỳ khủng hoảng kinh tế, điều này thể hiện rất rõ thời gian qua khi so sánh mức độ ưu tiên đầu tư giữa BĐS và các kênh khác.

Dự báo khó có thể xảy ra tình trạng thị trường BĐS mất thanh khoản và giảm giá, mức giá BĐS sẽ tiếp tục tăng lên trong bối cảnh chi phí nguyên vật liệu, sắt thép vẫn còn khá cao.

Đọc thêm