“Sạch” báo cáo, “gọn” thị trường
Những ngày cuối năm 2013, thị trường chứng khoán Việt Nam có “điểm” để trông ngóng, đó là thương vụ M&A đầu tiên giữa Cty CP Chứng khoán Thăng Long (MBS) và Cty CP Chứng khoán VIT (VITSE).
MBS từng là Cty “làm mưa làm gió” thị trường chứng khoán với thị phần môi giới lớn, tuy nhiên, lúc này cũng đang lâm vào tình trạng chung của thị trường, đó là vướng một khoản lỗ khổng lồ tới 592 tỷ đồng năm 2011, dù trước và sau năm 2011, MBS đều có lãi, và tỷ lệ an toàn vốn khả dụng của MBS vẫn đạt trên 200%. Dù MBS khẳng định vẫn kinh doanh ổn định nhưng chắc chắn cũng còn lâu MBS mới khắc phục được khoản lỗ này. Như vậy, đồng nghĩa với việc MBS khó niêm yết, bởi không có lỗ lũy kế là điều kiện cần để một doanh nghiệp (DN) niêm yết cổ phiếu.
Chứng khoán MBS sẽ bước vào năm 2014 với một hình ảnh mới |
Thế là, một năm sau ngày Thủ tướng Chính phủ chính thức ký ban hành Quyết định số 1826/QĐ-TTg (ngày 6/12/2012) phê duyệt Đề án tái cấu trúc thị trường chứng khoán và DN bảo hiểm, “tiền lệ” đầu tiên coi như đã được mở ra. Nhằm đạt mục tiêu đến năm 2020 đưa thị trường chứng khoán trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn chủ đạo của nền kinh tế, đề án này đưa việc miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các công ty chứng khoán sau hợp nhất, sáp nhập là giải pháp đầu tiên trong khối các giải pháp thúc đẩy các tổ chức kinh doanh chứng khoán tái cấu trúc.
Sáp nhập với nhau trở thành “MBS mới”, cả MBS và VITSE đều giải quyết được là làm sạch báo cáo tài chính. Vẫn là vốn chủ sở hữu đó, với mối quan hệ vay nợ không đổi, tài sản không đổi, bản chất của thương vụ này là giúp 2 Cty chứng khoán đều mắc lỗ lũy kế có điều kiện xóa sạch lỗ lũy kế, giảm vốn điều lệ để trở về điểm cân bằng, làm mới hình ảnh và vươn lên.
Sẽ có “làn sóng” M&A Cty chứng khoán
Thực ra, trong cả năm qua từ khi đề án được ban hành, trước thực trạng thị trường chứng khoán ảm đạm, các Cty chứng khoán cũng đã tìm mọi cách để tự sắp xếp, như thay đổi nhân sự, thu hẹp một số hoạt động, bán bớt tài sản hay cấu trúc nguồn vốn nhằm giảm áp lực vay nợ...
Tuy nhiên, những cách thức đó có thể giúp Cty chứng khoán cầm cự qua ngày chứ khó có thể làm thay đổi cục diện tài chính của các Cty này, đảm bảo đủ điều kiện tồn tại. Nhất là, với những Cty chứng khoán bị thua lỗ lớn, vốn chủ chỉ còn vài chục tỷ đồng thì cơ hội làm lại trở nên quá mong manh. Trên thực tế, số Cty chứng khoán thua lỗ đến mức vốn chủ chỉ còn vài chục tỷ đồng không ít. Nếu đứng lẻ, Cty khó trụ được, nhưng hợp nhất lại, các Cty này có thể có đủ vốn để khởi đầu lại khi trở thành một Cty chứng khoán “sạch” về tài chính, đủ lượng khách hàng để phát triển môi giới.
Theo thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, hiện vẫn còn tới 100 Cty chứng khoán, trong đó mới có 3 Cty đang làm thủ tục rút giấy phép hoạt động, 2 Cty chứng khoán phải tạm dừng hoạt động. 70 Cty chứng khoán (70%) tính đến hết quý III năm nay vẫn còn lỗ lũy kế, chỉ có 30% là có lãi.
Theo các chuyên gia, thực hiện được Đề án tái cấu trúc thị trường chứng khoán và DN bảo hiểm, nếu các Cty chứng khoán “khỏe” giúp các Cty chứng khoán yếu kém để nhận về lợi ích kinh tế là miễn giảm thuế thì đó là cách “làm sạch” thị trường nhẹ nhàng nhất.
Được biết, đến thời điểm này, một số Cty chứng khoán đã tìm được “bến đỗ” của mình, một số Cty khác đang trong quá trình tìm đối tác, và không ít Cty chứng khoán đang cố gắng thu xếp nội bộ bằng việc chuyển giao cổ phần cho đối tác ngoại. Những tín hiệu trên cho thấy năm 2014 có thể sẽ là năm bùng nổ M&A Cty chứng khoán. Và điều đó cho thấy một diện mạo mới trên thị trường chứng khoán trong tương lai không xa.
Tuy nhiên, diện mạo mới có làm nên sự thay đổi căn bản trên thị trường chứng khoán hay không thì lại phải chờ sự “trỗi dậy” của cả nền kinh tế.