Thị trường lao động dưới tác động của AI

(PLVN) - Trong kỷ nguyên số, trí tuệ nhân tạo (AI) đang từng bước thay đổi bộ mặt của nhiều ngành nghề trên toàn thế giới nhưng đồng thời cũng gây ra sự biến đổi lớn trong các xu hướng nghề nghiệp. Ảnh hưởng này đặt ra nhiều thách thức cho lao động trên toàn cầu và cả tại Việt Nam.
Con người và AI không nhất thiết là đối thủ, mà có thể hợp tác để tạo ra giá trị lớn hơn. (Ảnh: AI)

AI và sự biến chuyển của thị trường lao động toàn cầu

AI đang từng bước làm thay đổi sâu sắc cấu trúc của thị trường lao động toàn cầu. Những ứng dụng tiên tiến của AI không chỉ thúc đẩy hiệu suất lao động mà còn mang lại nhiều thách thức cho các ngành nghề truyền thống, từ đó tái định hình bức tranh việc làm trong kỷ nguyên số.

Theo khảo sát của Công ty nghiên cứu thị trường công nghệ Gartner (Mỹ), thị trường phần mềm AI mang về doanh thu đạt 135 tỉ USD năm 2025, tốc độ tăng trưởng kép từ 14,4% năm 2021 lên 31,1% năm 2025. AI làm tăng năng suất kinh doanh dự kiến từ 2,6 nghìn tỉ USD đến 4,4 nghìn tỉ USD mỗi năm, theo nghiên cứu của McKinsey & Company. Theo báo cáo của McKinsey, tỷ lệ phần trăm thời gian của nhân viên có thể được tự động hóa bằng AI và các công nghệ khác được dự báo tăng lên 60 - 70%, so với tỷ lệ 50% trước đây.

Tuy nhiên, tốc độ phát triển như vũ bão của AI cũng dẫn đến một mặt trái đó là sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường lao động và nguy cơ thay thế ngày càng cao của lao động AI. Nhiều thống kê đã cho thấy, người lao động toàn thế giới đang có cái nhìn khá tiêu cực và bất an về sự thay thế của AI đối với lao động con người ở nhiều ngành nghề trong tương lai.

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, các ngành đòi hỏi lao động có trình độ và kỹ năng trung bình, được trả lương ở mức trung bình, đặc biệt là các công việc có tính lặp đi lặp lại sẽ dễ dàng bị tự động hoá và thay thế bởi robot, AI như nhân viên văn phòng, trung tâm trợ giúp qua điện thoại, người vận hành máy móc, thiết bị; lĩnh vực chế biến thực phẩm, xây dựng, dọn vệ sinh, lái xe, việc làm trong ngành nông nghiệp, may mặc, dịch vụ cá nhân, dịch vụ khách hàng, bán hàng,… Nghiên cứu của Đại học Oxford về tác động của công nghệ số trong tương lai, các chuyên gia đã xếp hạng, phân tích có đến 702 ngành nghề có khả năng tự động và thay thế bằng máy tính, công nghệ số.

Thực tế những năm qua cho thấy, trên thế giới, AI đã tạo ra những thay đổi chưa từng có. Tại Mỹ, nhiều ngành nghề lặp lại như nhập liệu hay điều hành kho vận chuyển đã chứng kiến làn sóng tự động hóa mạnh mẽ, khi robot và hệ thống AI được triển khai để thay thế con người. Theo dự đoán của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OCDE) thì 14% ngành nghề hiện nay có khả năng cao sẽ bị thay thế bởi máy móc và 32% ngành nghề khác sẽ phải chịu những thay đổi to lớn dưới tác động của tự động hóa, thông minh hơn, hữu ích hơn nhiều và trở thành một phần trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta.

Ở châu Âu, không chỉ lĩnh vực sản xuất mà cả ngành dịch vụ khách hàng cũng đã áp dụng công nghệ chatbot và robot để thay thế lực lượng lao động. Một báo cáo từ Diễn đàn Kinh tế Thế giới cho biết, đến năm 2025, 85 triệu việc làm có thể bị mất đi do sự hiện diện ngày càng lớn của AI và robot. Tuy nhiên, báo cáo cũng đề cập rằng nhờ AI, 97 triệu việc làm mới sẽ mở ra trong cùng một thời gian. Điều đó cho thấy con người vẫn không thể nào bị thay thế bởi AI, tuy nhiên con người luôn phải nâng cao hiểu biết, cập nhật tri thức và bắt kịp công nghệ để có thể làm chủ thế giới công nghệ trong tương lai.

Châu Á nói chung, Việt Nam nói riêng cũng không đứng ngoài vòng xoáy chuyển đổi này. Ngành ngân hàng, sản xuất và logistics đã nhanh chóng đưa AI vào vận hành. Chatbot đang thay thế nhân viên tư vấn trực tiếp; robot tham gia vào dây chuyền sản xuất; hệ thống AI đảm nhiệm việc quản lý kho vận. Nhiều doanh nghiệp đã có xu hướng sa thải một phần nhân viên trong các lĩnh vực thuộc về soạn thảo nội dung, kĩ thuật dựng video... để thay thế bằng những ứng dụng AI có thể tạo ra nội dung nhanh chóng hoặc cắt ghép video hoàn chỉnh. Một số dự báo cho thấy, khoảng 70% công việc trong các ngành nghề truyền thống ở Việt Nam sẽ chịu sự ảnh hưởng lớn từ công nghệ này trong vòng một thập kỷ tới. Ông Phan Kỳ Quan Triết, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhân lực và thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh phân tích, tại Việt Nam, nguồn nhân lực qua đào tạo sẽ bị tác động mạnh, tạo nên môi trường cạnh tranh gay gắt, làm gia tăng sự mất cân đối cung - cầu lao động.

Xu hướng lao động trong thời đại AI

Mặc dù AI đang thay thế nhiều ngành nghề, nó cũng mở ra cơ hội cho các lĩnh vực mới. Các chuyên gia dự báo rằng nhu cầu về kỹ sư AI/ML, nhà khoa học dữ liệu và chuyên gia an ninh mạng sẽ tăng mạnh.

Robot, trí tuệ nhân tạo đang dần thay thế lao động con người trong một số lĩnh vực. (Ảnh: TK)

Bên cạnh đó, con người và AI không nhất thiết là đối thủ, mà có thể hợp tác để tạo ra giá trị lớn hơn. AI sẽ đảm nhận các tác vụ lặp lại, trong khi con người tập trung vào các công việc đòi hỏi tư duy sáng tạo và kỹ năng quản lý.

Theo dự báo từ Gartner, đến năm 2030, 30% lực lượng lao động toàn cầu sẽ sở hữu kỹ năng liên quan đến AI. Tại Việt Nam, xu hướng này đang dần được đón nhận với các chương trình đào tạo công nghệ thông tin, dữ liệu và kỹ năng số được đẩy mạnh.

Sự phát triển của AI không chỉ đơn thuần tạo ra thách thức mà còn đặt con người trước bài toán sinh tồn trong thị trường lao động mới. Thực tế đã chứng minh, những người nhanh chóng thay đổi và học hỏi kỹ năng mới sẽ là những người giữ được vị trí trong chuỗi giá trị lao động.

Tại các quốc gia phát triển, nhiều chương trình đào tạo kỹ năng liên quan đến dữ liệu, lập trình AI, quản lý hệ thống tự động đã được triển khai để đảm bảo người lao động không bị tụt lại phía sau. Ngược lại, những người cố chấp giữ nguyên cách làm việc cũ hoặc phớt lờ công nghệ đang phải đối mặt với nguy cơ thất nghiệp kéo dài. Theo một nghiên cứu của PwC, gần 40% người lao động toàn cầu cho rằng việc học tập liên tục sẽ quyết định sự nghiệp của họ trong thập kỷ tới.

Việt Nam cũng không ngoại lệ, khi các tập đoàn lớn đã tiên phong áp dụng AI trong nhiều lĩnh vực. Điều này không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn đòi hỏi người lao động phải nắm bắt công nghệ để tồn tại trong môi trường làm việc mới. Việc học một ngôn ngữ lập trình cơ bản, hiểu cách vận hành các công cụ tự động, hoặc thậm chí chỉ là làm quen với AI trong công việc hàng ngày đã trở thành kỹ năng sống còn, thay vì chỉ là lợi thế cạnh tranh.

Thực tế đã chứng minh, trong sự phát triển của loài người, với công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xã hội ngày càng phát triển, đi lên, liên tục có những ngành nghề cũ đã “biến mất” khỏi cuộc sống, song song đó luôn có các ngành nghề mới ra đời thay thế. Thay cũ đổi mới là xu thế không thể tránh khỏi của sự tiến bộ. Không đâu xa, cách đây chục năm, xe ôm truyền thống, taxi truyền thống vẫn là lựa chọn của người dân trong hoạt động lưu thông. Nhưng cho đến những năm gần đây, xe ôm, taxi công nghệ đã dần thay thế, đẩy lùi hoàn toàn các dịch vụ đặt xe truyền thống. Những lao động từng gắn bó với các phương thức truyền thống cũng buộc phải trang bị máy móc, kỹ năng công nghệ để thích ứng. Thực tế là con người có khả năng thích ứng rất cao với sự thay đổi của xã hội, dần dà rồi ai cũng tìm được chỗ đứng, công việc cho bản thân mình.

Thế giới đang thay đổi từng ngày, sự tác động của AI sẽ diễn ra khác nhau ở mỗi một con người, một ngành nghề, mỗi quốc gia và khu vực. Các chuyên gia kinh tế thế giới đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, tác động của AI đến kinh tế và xã hội ở mỗi quốc gia sẽ phụ thuộc rất nhiều vào cách các chính phủ quản lý sự phát triển và ứng dụng của công nghệ này. Các quốc gia cần đưa ra những chính sách hỗ trợ quá trình chuyển đổi một cách trật tự, công bằng và có sự tham khảo ý kiến từ các bên liên quan. Những chính sách đúng đắn sẽ giúp xã hội tận dụng tối đa lợi ích mà AI mang lại, đồng thời hạn chế rủi ro, đặc biệt là nguy cơ thất nghiệp gia tăng.

Đọc thêm