Thị trường lao động, việc làm: Sẽ khởi sắc vào những tháng cuối năm

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Từ đầu năm đến nay, tại TP Hồ Chí Minh và các khu vực lân cận, tình hình lao động mất việc làm, giảm thu nhập diễn ra khá nhiều. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng dự báo tín hiệu tốt khi thị trường lao động sẽ “nóng” lên, nhu cầu tuyển dụng tăng trở lại vào dịp cuối năm.
Dự báo nhu cầu lao động tại TP HCM và một số tỉnh lân cận sẽ tăng trong những tháng cuối năm. (Ảnh minh họa - Nguồn: internet)
Dự báo nhu cầu lao động tại TP HCM và một số tỉnh lân cận sẽ tăng trong những tháng cuối năm. (Ảnh minh họa - Nguồn: internet)

Nhiều lao động mất việc, giảm thu nhập

Hơn một tháng nay, anh Lê Văn Biên, trưởng nhóm sản xuất tại một xưởng sản xuất giày dép ở Bình Dương nghỉ việc ở nhà vì công ty giảm nhân sự. Công ty đã ngưng sản xuất một thời gian vào đợt dịch, sau đó hoạt động trở lại, nhưng cuối năm 2022 lại lâm vào khó khăn vì đơn hàng không nhiều. Toàn bộ công nhân, người lao động bị cắt giảm lương thưởng, song công ty chỉ cầm cự được đến tháng 8 năm nay thì phải sa thải hàng loạt, tạm thu nhỏ quy mô sản xuất.

Anh Biên cho biết, hiện nay anh khó khăn khi xin việc vì nhiều xưởng sản xuất cũng đang trong tình trạng khó khăn, thu hẹp kinh doanh. Nếu trong một tháng nữa chưa có công việc mới thì anh Biên sẽ tạm thời chuyển sang chạy xe ôm công nghệ để cầm cự, chờ đến thời điểm cuối năm thị trường lao động có nhu cầu cao sẽ tiếp tục xin vào các xưởng.

Ngoài lao động bị mất việc, nhiều lao động, trong đó có lao động trí thức, lao động trình độ cao hiện bị giảm thu nhập tại TP HCM. Một số công ty đã cắt giảm lương, giờ làm, thậm chí thay đổi cách tính thu nhập của người lao động dựa trên hiệu quả kinh doanh, không còn trả lương “cứng” như trước.

Chị Lâm Thị Ánh Hà, làm việc trong mảng truyền thông tại một công ty công nghệ ở quận 1, TP HCM cho biết, hiện công ty chị đã cho nhân viên nghỉ 3 ngày mỗi tuần thay vì 2 ngày Thứ Bảy, Chủ nhật như trước và cắt giảm số lương theo ngày nghỉ vì công việc không nhiều. Chị Hà đang tranh thủ thời gian nghỉ nhiều để theo học bằng thạc sĩ về truyền thông, tự nâng cao năng lực để có thể “đón đầu” khi thị trường lao động sôi động trở lại.

Theo báo cáo từ Sở LĐ-TB&XH TP HCM mới đây, trong 9 tháng đầu năm, thành phố ghi nhận có 128.477 trường hợp nghỉ việc tại các doanh nghiệp và đề nghị giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp. So với cùng kỳ năm 2022, số trường hợp đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng 9,3% (10.945 người). Còn tại Đồng Nai, trong vòng 1 năm vừa qua (thống kê đến ngày 131/5/2023), tỉnh này có trên 38.000 người mất việc làm, thất nghiệp.

Tại Bình Dương, thống kê từ Sở LĐ-TB&XH Bình Dương cho thấy, do hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó, hơn 83.000 lao động bị ảnh hưởng phải thỏa thuận cho thôi việc, chấm dứt hợp đồng lao động… Ước tính trong cả năm 2023 tại Bình Dương, nhiều doanh nghiệp trong các ngành như điện tử, dệt may… chỉ đạt khoảng 60 - 70% kế hoạch năm 2023, giảm 30 - 40% so với năm 2022, điều này đã và đang có những tác động không nhỏ đến sinh kế của người lao động trên địa bàn tỉnh.

Kì vọng thời điểm cuối năm

Bên cạnh những con số “không vui” về thị trường lao động trong năm qua, cũng có những tín hiệu đáng mừng cho thấy thị trường đang ấm lên dần về cuối năm. Theo kết quả khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM, trong quý 4, dự kiến nhu cầu tuyển dụng lao động khoảng 75.000 vị trí việc làm. Trong đó, nhu cầu nhân lực tập trung ở khu vực thương mại - dịch vụ chiếm 70,13% tổng nhu cầu nhân lực, khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 29,69% và khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 0,18%.

Theo kinh nghiệm từ các năm, nhu cầu tăng cao ở đối tượng lao động thời vụ, phổ thông, bán thời gian. Nhu cầu lao động phổ thông chiếm 14,42% tổng nhu cầu nhân lực cuối năm nay.Con số tăng là do nhu cầu về việc làm phục vụ cho sản xuất, kinh doanh cung ứng cho Tết Nguyên đán.

Để kịp thời kết nối cung - cầu lao động, Sở LĐ-TB&XH TP HCM đã hướng dẫn các địa phương chủ động phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm TP HCM tổ chức 107 phiên, sàn giao dịch việc làm để cung cấp thông tin tuyển dụng và tư vấn giới thiệu việc làm.

Thời gian qua, thành phố cũng tổ chức nhiều cuộc khảo sát, lắng nghe ý kiến doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ, có các chính sách về đào tạo, hỗ trợ việc làm cho người lao động. Hy vọng, với những tín hiệu vui và nỗ lực của thành phố, thị trường lao động cuối năm lại ấm áp, sôi động trở lại, đón một năm mới ấm no.

Tháng 6/2023, Bộ LĐ-TB&XH đã đưa ra dự báo trong 6 tháng cuối năm 2023, Bộ LĐ-TB&XH dự báo thị trường lao động vẫn sẽ chịu nhiều rủi ro và thách thức như: sự sụt giảm sức mua ở các thị trường xuất khẩu; xung đột giữa Nga - Ukraine; lạm phát, giá cả tăng cao, chính sách tiền tệ thắt chặt… làm cho tổng cầu hàng hóa trên thế giới sụt giảm, nhu cầu nhập khẩu của các thị trường lớn cũng bị suy giảm, dẫn tới các doanh nghiệp trong nước bị cắt giảm đơn hàng, đứt gãy chuỗi cung ứng trên toàn cầu, gây khó khăn cho việc sản xuất, nhất là trong các ngành như chế biến, chế tạo, dệt may, da giày... Điều này dẫn đến tình trạng người lao động tiếp tục bị mất việc và giảm giờ làm, giảm thu nhập.

Trong nửa cuối năm 2023, Bộ LĐ-TB&XH tập trung cho công tác xây dựng thể chế theo Chương trình công tác năm 2023 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trọng tâm của nội dung này là hoàn thiện, trình Quốc hội Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), hồ sơ Luật Việc làm (sửa đổi); trình Chính phủ để trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới. Cùng với đó, thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 10/1/2023 của Chính phủ về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội.

Trong đó, thực hiện các giải pháp ổn định và phát triển thị trường lao động bảo đảm hiện đại, linh hoạt, bền vững và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, kịp thời ứng phó với các thách thức của kinh tế trong và ngoài nước; tăng cường kết nối và điều tiết cung - cầu lao động nhằm huy động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; khuyến khích tạo việc làm trong cả khu vực công và khu vực tư, khuyến khích người lao động tìm kiếm việc làm và chuyển đổi việc làm phù hợp với năng lực và sở trường.

Rà soát, nắm bắt về tình hình nhu cầu tuyển dụng, tình hình cắt giảm sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI, các ngành sử dụng nhiều lao động (may mặc, giày da, sản xuất gỗ,...) để có phương án kết nối cung - cầu lao động; tăng tần suất tổ chức các phiên giao dịch việc làm, ưu tiên các phiên giao dịch việc làm trực tuyến, hỗ trợ người lao động khi tham gia giao dịch việc làm (chi phí đi lại, thông tin truyền thông...).

Mở rộng độ bao phủ và phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Tổ chức thực hiện kịp thời chính sách bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ người lao động bị mất việc làm bù đắp được chi phí tiền lương, ổn định cuộc sống; đồng thời kịp thời hỗ trợ tư vấn, bồi dưỡng kỹ năng nghề, giới thiệu người lao động tìm kiếm việc làm mới.

Đọc thêm