Thị trường M&A sẽ có nhiều biến động trong năm 2012?

Trong năm 2012 sẽ có nhiều biến động trong giao dịch M&A, và M&A sẽ diễn ra trong nhiều lĩnh vực hơn. Khi kinh tế càng biến động, lộ rõ khoảng cách giữa doanh nghiệp yếu và mạnh, làm cho M&A gia tăng. Nhưng chúng ta vẫn tiếp tục gặp nhiều rào cản, để có một thị trường M&A mạnh thì phải có những công ty có vốn lớn, thị trường có được nguồn thông tin đầy đủ, có nhiều nhà đầu tư quan tâm...

Mua bán sáp nhập doanh nghiệp (M&A) đang ngày càng sôi động nhưng vẫn còn nhiều rào cản khiến doanh nghiệp chưa thể tận dụng cơ hội.

Nhân sự kiện “Ngày hội các nhà đầu tư 2012”, TS Alan Phan, Chủ tịch quỹ đầu tư Viasa đã chia sẻ ...

TS.Alan Phan.
TS.Alan Phan.

Ông nhận định xu hướng của thị trường M&A tại Việt Nam sắp tới sẽ ra sao, thưa tiến sĩ?

Theo tôi, trong năm 2012 sẽ có nhiều biến động trong giao dịch M&A, và M&A sẽ diễn ra trong nhiều lĩnh vực hơn. Khi kinh tế càng biến động, lộ rõ khoảng cách giữa doanh nghiệp yếu và mạnh, làm cho M&A gia tăng. Nhưng chúng ta vẫn tiếp tục gặp nhiều rào cản, để có một thị trường M&A mạnh thì phải có những công ty có vốn lớn, thị trường có được nguồn thông tin đầy đủ, có nhiều nhà đầu tư quan tâm...

Kinh tế Việt Nam đang biến động trong khi bối cảnh toàn cầu suy thoái thì nguồn vốn chảy về ít hơn vì có những bất ổn so với các nước trong khu vực. Nhà đầu tư rõ ràng họ đợi xem cách Việt Nam giải quyết vấn đề như thế nào. Giống như khi ta đang ở ngã rẽ thì người khác muốn xem mình đi đường hướng nào để có những quyết định tiếp theo.

Đang có việc tổ chức lại các ngân hàng, có thể có cả giải pháp M&A, ông đánh giá ra sao?

Ngân hàng Việt Nam đang khó khăn về thanh khoản, đến nay chưa thể rõ sự “sắp xếp” hay “giải cứu” theo xu hướng nào. Các thông tin chính thức cho thấy Nhà nước sẽ không để cho bất cứ ngân hàng nào phá sản, nếu vậy thì giải pháp sẽ phải bơm tiền, hoặc áp dụng cách buộc các ngân hàng nhỏ, yếu kém phải M&A. Những phương thức khác chưa biết như sẽ làm gì để giảm lãi suất...

Theo tôi thì việc M&A ngân hàng không thể theo cách đưa các ngân hàng yếu vào cùng chỗ, như ba người bệnh nằm chung một giường thì bệnh không thể giảm, tệ hơn còn bị lây nhiễm. Không phải cứ ngân hàng lớn là tốt, vấn đề cũng không phải số lượng ngân hàng, ngân hàng nhỏ hay lớn mà là lượng tiền dự trữ có tốt, kinh doanh có hiệu quả, nợ xấu thấp hay cao... Điều này nằm ở cách thức chúng ta quản lý và vận hành.

Theo ông thì những ngành nào nằm trong tầm ngắm M&A của các nhà đầu tư hiện nay?

Hai thị trường lớn nhất vẫn là chứng khoán và bất động sản. Doanh nghiệp nước ngoài đang có nhiều cơ hội mua lại công ty Việt Nam với giá rẻ. Việc thâu tóm trên sàn cũng dễ dàng khi cổ phiếu đang khá rẻ so với tiêu chuẩn quốc tế. Nhưng trong cái rẻ đó có nhiều rủi ro. Các công ty trên toàn cầu rất đa dạng, thường nhà đầu tư mua công ty có lợi thế cạnh tranh, thuộc ngành nghề họ đang kinh doanh, một công ty bất động sản chẳng mua công ty IT làm gì.

Không thể áp đặt theo sự quen thuộc mà theo mục đích vì nhà đầu tư họ biết họ muốn gì. Có những ngành M&A luôn sôi động như hàng tiêu dùng vì đó là ngành có tỷ trọng lớn trong xã hội ở bất cứ thị trường nào, lớn nhất theo nhu cầu chứ không phải thích mua hay không. Ngành này lại ít bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế nên M&A luôn rất sôi động.

Image
Vậy thì theo ông cơ hội lớn nhất của nền kinh tế nằm ở những mảng thị trường nào?

Theo tôi doanh nghiệp Việt Nam luôn có nhiều cơ hội đột phá và có lợi thế cạnh tranh ở hai ngành nông nghiệp và IT – là hai ngành Việt Nam có nhiều triển vọng nhất, sẽ có sức hấp dẫn đối với cả nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Trong một nền kinh tế mà hệ thống vận hành còn nhiều trì trệ thì IT là ngành dễ có cơ hội đột phá vì nó không tuỳ thuộc nhiều vào bộ máy, nó vốn dành cho người trẻ và các doanh nghiệp nhỏ. Khi ít tuỳ thuộc thì cơ hội phát triển dễ hơn, ngược lại những hệ thống hạ tầng quy mô càng lớn thì càng khó có sự chuyển đổi nhanh.

Việt Nam là quốc gia có lợi thế nông nghiệp. Trong những năm tới ngành nông nghiệp là một trong những ngành điểm sáng của kinh tế thế giới, dân số toàn cầu tăng lên bảo đảm một thị trường có nhu cầu rất tốt. Doanh nghiệp nào nắm bắt được cơ hội trong lĩnh vực này dễ tiến xa.

Dù vậy cho đến nay chúng ta vẫn chưa có được những giá trị gia tăng cao từ những mảng lợi thế này?

Cần cách tiếp cận khác về ngành nông nghiệp. Tại sao Starbucks không trồng càphê mà doanh thu của họ cao hơn tất cả những nhà trồng trọt càphê Việt Nam cộng lại, lợi nhuận thì tất cả nhà nông Việt Nam kiếm được chỉ bằng 1% của Starbucks. Hay hãng Uncle Ben’s bán gạo, nhưng không phải xuất khẩu vài triệu tấn hàng năm như Việt Nam nhưng lợi nhuận nhiều hơn tất cả nhà xuất khẩu gạo Việt Nam.

Những doanh nghiệp Việt Nam nếu nắm bắt được thị trường và công nghệ về nông nghiệp, biết ứng dụng IT để quản lý chuỗi phân phối thì có thể trở thành công ty hàng đầu thế giới về nông nghiệp. Như vậy vấn đề là ở cách tiếp cận thị trường, làm thương hiệu phải đi thêm một bước, việc cạnh tranh về giá đang bóp chết chính doanh nghiệp, cùng kiếm tiền và cùng phát triển chỉ khi giảm đi các rào cản này.

Theo SGTT

Đọc thêm