Cụ thể, với lĩnh vực bán lẻ trực tuyến, thông tin từ hàng nghìn website TMĐT cho thấy tỷ lệ tăng trưởng doanh thu năm 2017 tăng 35%. Khảo sát gián tiếp qua một số doanh nghiệp chuyển phát cho thấy tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ chuyển phát từ 62% đến 200%.
Với lĩnh vực thanh toán, thông tin từ Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS), năm 2017 tăng trưởng số lượng giao dịch trực tuyến thẻ nội địa khoảng 50% so với 2016 trong khi giá trị giao dịch tăng trưởng tới 75%. Còn trong lĩnh vực tiếp thị trực tuyến, một số công ty tiếp thị liên kết (afiliate marketing) có tốc độ tăng trưởng năm 2017 đạt từ 100% đến 200%.
Kết quả khảo sát hàng Việt Nam chất lượng cao (BSA) công bố gần đây cũng cho thấy, xu hướng mua bán online ngày càng rõ rệt, đặc biệt với giới tiêu dùng trẻ. Cụ thể: Kết quả khảo sát 2017 về nơi chọn mua sản phẩm, cho thấy mua sắm online mới chỉ chiếm 0,9%. Và chỉ sau một năm, kết quả khảo sát 2018 cho thấy số người tiêu dùng chọn mua online đã tăng gấp ba lần (2,7%).
Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao đánh giá, những năm gần đây, với sự ra đời của hàng loạt các website TMĐT như Lazada, Tiki, Shopee, Sendo, Adayroi… việc mua sắm online đã không còn mấy xa lạ với người người tiêu dùng Việt, đặc biệt là người tiêu dùng trẻ thuộc thế hệ 8x, 9x, 2000.
Còn theo nghiên cứu của Nielsen, Việt Nam đang có khoảng 23 triệu người thường xuyên mua sắm trực tuyến, chi tiêu của nhóm này đang chiếm 1/3 chi tiêu trên TMĐT của người tiêu dùng tại Việt Nam. Dự báo, con số này tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới. Hiện quy mô thị trường TMĐT Việt Nam đạt khoảng 5 tỷ USD. Trong 4 năm tới, con số này được dự đoán có thể đạt tới 10 tỷ USD.