Nhiều thông điệp đầy hứa hẹn
Theo báo cáo của Hãng tư vấn Nielsen Việt Nam, thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam năm 2017 tăng trưởng hơn 25%. Đây là mức tăng mạnh đối với một thị trường có xuất phát điểm khiêm tốn như Việt Nam.
Nhờ sự trải rộng của internet băng thông rộng và các dịch vụ công nghệ, TMĐT Việt Nam dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng thần kỳ vào năm 2018. Nếu như toàn cầu sẽ có 4 tỷ người kết nối internet đến năm 2020 thì tại Việt Nam năm 2017 vừa qua đã có gần 53,9 triệu người sử dụng internet. Ước tính con số này sẽ tăng lên đến 59,5 triệu người vào năm 2022, tức chiếm gần 60% dân số.
Bên cạnh đó, công nghệ thanh toán không dùng tiền mặt cũng tác động không nhỏ đến sự chuyển mình này. Dự báo, 30% doanh thu bán lẻ toàn cầu đến năm 2020 sẽ được thực hiện qua các ứng dụng, phần mềm trên máy tính và các thiết bị di động. Đến năm 2025, nền kinh tế chia sẻ toàn cầu sẽ có trị giá 300 tỷ USD. Tại Việt Nam, hiện 1/3 số người tiêu dùng mua hàng trên mạng đã thực hiện thanh toán chuyển khoản.
Cùng với đó, các chuyển biến công nghệ kết hợp với kinh tế chia sẻ đang tạo ra diện mạo mới cho TMĐT nói chung. Tuy vậy, đây không phải là thách thức lớn cho kinh doanh truyền thống.
Theo bà Nguyễn Phương Thảo - quản lý cấp cao các dự án kinh doanh hiệu quả của Nielsen Việt Nam - một sự giao thoa và kết hợp giữa các mô hình kinh doanh truyền thống và kinh doanh hiện đại sẽ diễn ra. “Thị trường Việt Nam cũng đã sẵn sàng khi nhiều doanh nghiệp đang khai thác thành công các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như Big Data hay AI (trí tuệ nhân tạo)”, bà Thảo nhận định.
Khảo sát của Nielsen Việt Nam cũng cho thấy đang có hơn 55% người tiêu dùng Việt thừa nhận sẵn sàng dùng kết nối mạng để mua sắm nhanh hơn và thuận tiện hơn; 35,8 triệu người đã kết nối vào mạng xã hội với thời gian vào mạng trung bình 24,7 giờ/tuần. Không chỉ có thế, đến năm 2025 sẽ có 49% dân số sống ở các đô thị; tỷ lệ hộ gia đình có thu nhập cao cũng tăng từ 17% năm 2015 lên gần 25%. Số người tiêu dùng sành kỹ thuật số sẽ đóng góp phân nửa chi tiêu của tất cả người tiêu dùng trong nước. Những dữ kiện này chính là tiềm năng vô cùng to lớn cho TMĐT.
Những gương mặt lớn nói gì?
Không bỏ lỡ cơ hội tại một thị trường được xem là “ngôi sao đang lên”, những “đại siêu thị” online nổi tiếng thế giới như Alibaba hay Amazon cũng đã nhanh chóng khẳng định sự có mặt của mình tại Việt Nam.
Người đứng đầu bộ phận bán hàng toàn cầu của Amazon tại Singapore - ông Gijae Seong - nhận định xu hướng bán hàng xuyên biên giới trong TMĐT sẽ phát triển rất nhanh, có thể đến 30% mỗi năm trong thời gian tới.
“Chúng tôi không chỉ tự bán hàng của mình mà còn nhận kết nối người bán-người mua, cho thuê chỗ bán hàng trên hệ thống với người bán trên toàn cầu. Anh chỉ cần ngồi tại TPHCM cũng có thể bán hàng đi khắp thế giới”, ông Gijae Seong ngỏ lời.
Còn theo ông Pierre Cahuzac - Giám đốc vận hành Lazada (trang TMĐT này đã có mặt ở Việt Nam được 6 năm), trong số 6 quốc gia mà Lazada hiện diện, Việt Nam là thị trường phát triển nhanh nhất, với mức tăng trưởng mỗi năm lên đến 100%. Ông Fabian Wandt-Giám đốc Điều hành Cty Giao nhận Lazada E – Logistics cũng tin rằng năm 2018 sẽ “là một năm bận rộn” của TMĐT Việt Nam.
Trong khi đó, tự nhận là “hậu cần” của ngành TMĐT, Tổng Cty Bưu điện Việt Nam (VNPost) cho hay doanh số năm 2017 vừa qua của DN này đạt 17.500 tỷ đồng. Trong đó, dịch vụ chuyển phát nhanh là một trong 3 lĩnh vực kinh doanh trụ cột khi chiếm đến 35%, tương đương khoảng 6 nghìn tỷ đồng, tức tăng được 50% so với năm liền trước, còn sản lượng hàng hóa vận tải tăng đến 65%.
Theo ông Phan Trọng Lê- Phó Trưởng Ban Kế hoạch đầu tư của VNPost - doanh số từ chuyển phát nhanh cho TMĐT năm nay sẽ tiếp tục tăng mạnh, và đạt khoảng 8 nghìn tỷ đồng, trực tiếp góp phần quan trọng đưa VNPost gia nhập nhóm “doanh nghiệp tỷ đô” (doanh số đạt 1 tỷ USD).
Ngoài ra, theo các đánh giá chung từ Diễn đàn Toàn cảnh TMĐT Việt Nam năm 2018, bên cạnh sự hăng hái của các nhà cung cấp hạ tầng mạng với mục tiêu phủ sóng 4G trên toàn quốc, chính sách kinh tế vĩ mô và đầu tư của Chính phủ đang đóng vai trò đòn bẩy quan trọng cho kinh doanh trực tuyến.
Trong đó có kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics đến năm 2025; Chiến lược phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016-2020 với mục tiêu đạt doanh thu mua sắm trực tuyến 10 tỷ USD vào năm 2020, đồng thời có 30% dân số tham gia mua sắm online, 50% hộ gia đình, cá nhân ở các thành phố lớn thanh toán không dùng tiền mặt khi mua sắm.