Thị trường trong nước tiếp tục là “bệ đỡ” cho nền kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong bối cảnh xuất khẩu của Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức, thị trường trong nước tiếp tục được củng cố và là “điểm tựa” vững chắc cho các lĩnh vực sản xuất vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển.
Tổng mức bán nhóm hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm tăng mạnh.
Tổng mức bán nhóm hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm tăng mạnh.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa tiếp tục tăng

Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (TTTN), Bộ Công Thương cho biết, mặc dù doanh số bán lẻ tại một số nền kinh tế lớn trên thế giới như các nước châu Âu đều tăng chậm nhưng TTTN vẫn giữ được mức tăng trưởng tích cực với tổng mức bán lẻ hàng hóa (BLHH) và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tổng mức BLHH vẫn tiếp tục tăng trưởng đến 9,3% (chiếm đến gần 80% trong tổng mức BLHH và dịch vụ tiêu dùng); đặc biệt, các nhóm hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm tăng đến 13,5%, hàng may mặc tăng 9,5%.

“Quy mô tổng mức BLHH và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 3 hơn triệu tỷ đồng, cao hơn so với 6 tháng đầu năm 2022 (đạt 2,7 triệu tỷ đồng) cho thấy sức cầu của TTTN lớn hơn. Trong đó, đáng chú ý là vai trò đầu tàu dẫn dắt về kinh tế của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh khi 2 thành phố này vẫn giữ mức tăng khá trong bối cảnh kinh tế bị ảnh hưởng kép từ sự mất cân đối cung - cầu và tác động chính sách thắt chặt tiền tệ của các quốc gia” - bà Nga nói.

Cụ thể, tổng mức BLHH và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2023 của Hà Nội tăng 10,4%, trong đó doanh thu BLHH tăng 10,3% so với cùng kỳ. Tổng mức này của TP Hồ Chí Minh tăng 7,1%, trong đó doanh thu BLHH tăng 9,7% so với cùng kỳ. Ngoài ra, doanh thu BLHH của một số địa phương cũng đạt mức tăng hai con số so với cùng kỳ năm trước như Bình Dương tăng 15,6%; Quảng Ninh tăng 14,5%; Hải Phòng tăng 14%; Đồng Nai tăng 12,3%...

Phó Vụ trưởng Vụ TTTN nhận định, những kết quả đạt được trong lĩnh vực TTTN 6 tháng đầu năm 2023 có ý nghĩa hết sức quan trọng, là tiền đề và “điểm tựa” vững chắc cho sản xuất trong nước vượt qua khó khăn, từng bước phục hồi, tiếp tục tăng trưởng và đóng góp tích cực vào mục tiêu kinh tế vĩ mô của Chính phủ trong năm 2024 và các năm tiếp theo.

Đặc biệt, trong bối cảnh xuất khẩu của Việt Nam đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, TTTN tiếp tục được củng cố và là “điểm tựa” vững chắc cho các lĩnh vực sản xuất vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển cũng như phục vụ nhu cầu tiêu dùng của 100 triệu dân Việt Nam. Điều này góp phần thực hiện các mục tiêu của Chính phủ đặt ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2023 với một trong những giải pháp trọng tâm trong chỉ đạo điều hành là “Thúc đẩy phát triển mạnh mẽ TTTN, phấn đấu tốc độ tăng tổng mức BLHH và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 9%”.

Thị trường trong nước ngày càng khẳng định vai trò

Theo bà Nga, sứ mệnh của TTTN đang ngày càng được hoàn thiện và phát triển, xứng đáng với vai trò “bệ đỡ” cho nền kinh tế. Trong đó, có thể khẳng định, doanh thu các mặt hàng thiết yếu hiện đang “gánh” tốc độ tăng trưởng bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng.

Lý giải về những “ngờ vực” liên quan đến con số thống kê về tổng mức BLHH, bà Nga cho rằng, phân khúc giảm nhiều, dễ nhìn thấy nhất là siêu thị, trung tâm thương mại. Phân khúc này hiện chiếm 20 - 25% tổng hàng hóa bán lẻ. Đối tượng chủ yếu của hệ thống này là tầng lớp trung lưu, nhưng hiện đối tượng này có thể bị giảm việc làm nhiều nên họ sẽ không lựa chọn phân khúc này và di chuyển sang các phân khúc khác. Bên cạnh đó, doanh thu từ thương mại điện tử (TMĐT) đang tăng mạnh, lên đến 25%. Hiện doanh thu TMĐT chiếm 8% tổng mức hàng hóa bán lẻ.

“Đó là lý do vì sao thoạt nhìn tưởng sức mua của người dân yếu nhưng thực sự chúng ta chỉ nhìn thấy yếu trong phân khúc bán lẻ hiện đại. Còn người dân vẫn tiêu dùng các mặt hàng thiết yếu. Có thể, thay vì mua chiếc áo hàng hiệu hạng sang thì người tiêu dùng (NTD) chuyển sang hàng phân khúc thấp hơn, đồng nghĩa với việc hàng Việt Nam sẽ hưởng lợi” - bà Nga phân tích.

Dự báo, thị trường cuối năm sẽ khởi sắc hơn vì có nhiều công cụ thực hiện kích cầu hơn như các chương trình khuyến mại tập trung quốc gia, online Friday, bình ổn thị trường... Bên cạnh đó còn nhiều chương trình của các bộ, ngành khác như nới thời hạn visa, thuế VAT giảm...

Tuy nhiên, sức mua chưa có dấu hiệu tăng trưởng tích cực như kỳ vọng. Chưa kể, theo báo cáo của Nielsen IQ, xu hướng chuyển động của thị trường bán lẻ Việt Nam năm 2023 là lối sống lạc quan trong cẩn trọng đối với NTD. Theo đó, 39% NTD giảm thiểu việc ăn uống/giải trí bên ngoài, 50% tập trung vào lập kế hoạch cho tương lai, NTD chuyển đổi việc mua sắm từ thứ họ muốn sang thứ họ cần…

Đọc thêm