"Thị trường vàng đã "sóng yên biển lặng"

Trả lời chất vấn của ĐB Quốc hội, hôm nay, dù thừa nhận việc giá vàng trong nước có lúc cao hơn thế giới tới hơn 3 triệu đồng một lượng nhưng Thống đốc Ngân hàng vẫn khẳng định, hiện không có lý do để Nhà nước phải đứng ra bình ổn giá, bởi khác với giai đoạn trước, chênh lệch này không gây ảnh hưởng tới kinh tế vĩ mô.
Trong phiên chất vấn hôm nay, trước câu hỏi của ĐB Dương Hoàng Hương (Phú Thọ) về trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước để giá vàng trong nước cao hơn nhiều so với thế giới, cũng như xử lý số vàng tồn đọng trong nhân dân, Thống đốc thừa nhận việc giá vàng trong nước hiện nay có lúc cao hơn thế giới tới hơn 3 triệu đồng một lượng nhưng ông cũng khẳng định hiện không có lý do để Nhà nước phải đứng ra bình ổn giá, bởi khác với giai đoạn trước, chênh lệch này không gây ảnh hưởng tới kinh tế vĩ mô. 
Thống đốc Nguyễn Văn Bình trong phiên chất vấn
Chứng minh cho điều này, ông dẫn lại câu chuyện thị trường vàng trước khi ban hành  Nghị định 24 (tháng 11 năm ngoái). Khi đó chỉ với mức chênh lệch 400.000 đồng một lượng giữa giá trong nước và thế giới, ngay lập tức có hiện tượng tư thương gom ngoại tệ chợ đen để nhập lậu, gây ảnh hưởng tới tỷ giá và tiếp đó là xuất nhập khẩu và lạm phát. Nhưng trong năm nay, hiện tượng nhập lậu vàng không còn nữa cho dù mức chênh giữa trong nước và thế giới vẫn ở mức khá cao. Thống đốc cũng khẳng định không có hiện tượng người dân ùn ùn đi mua hay bán vàng như trước. 
Thống đốc cho biết hiện còn khoảng 250 - 300 tấn vàng tồn trong người dân, số vàng này đã giảm nhiều sau động thái mua vào của các tổ chức tín dụng. Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, lượng vàng còn tồn này là một nguồn lực rất lớn cần được huy động để phục vụ phát triển kinh tế. Ông Bình cho rằng, số vàng ngân hàng đã mua vào (khoảng hơn 60 tấn kể từ đầu năm đến nay) đã giải phóng ra thị trường khoảng 3 tỷ USD là “cứu cánh” cho nền kinh tế năm nay.
“Giờ này năm ngoái, bức tranh trên thị trường tiền tệ khác hẳn, các Ngân hàng thương mại còn vay nhau với lãi suất 25-30%, thậm chí cao hơn, nguy cơ mất thanh khoản lan rộng trong toàn hệ thống. Các DN vay lãi suất trên 20%. Thanh khoản vô cùng cạn kiệt”. Thống đốc đã vẽ lại bức tranh thị trường tiền tệ trước khi có Nghị định 24. "Đến nay, việc chống được vàng hóa bước đầu đã tạo nguồn tiền phục vụ phát triển kinh tế 2012", Thống đốc nhấn mạnh.
Liên quan đến việc sử dụng thương hiệu vàng SJC để quản lý vàng miếng theo thắc  thắc mắc của đại biểu Nguyễn Văn Tuyết, Thổng đốc cho biết  trước đây vàng được coi là loại hàng hóa bình thường, do đó không có cơ quan nào quản lý chất lượng. Sử dụng thương hiệu SJC vì thương hiệu này đang chiếm khoảng 90% vàng miếng trên thị trường. “Khi thị trường ổn định, cũng không loại trừ khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ có thương hiệu vàng miếng của riêng mình, cho lưu hành song song trước khi quy chuẩn hóa về một loại”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết. 
Về chất vấn của đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu) đề nghị Thống đốc làm rõ việc trước đây, phí dập vàng miếng SJC là 7.000-8.000 đồng/lượng, nay SJC độc quyền thì mức phí này là 50.000 đồng/lượng, Thống đốc cho biết: mức giá 50.000 đồng là đã tính toán đầy đủ chi phí với SJC. "Trước đây, SJC cũng có khung giá, nhưng chưa thấy chỗ nào, ngay cả SJC, chưa bao giờ có giá dập vàng miếng 7.000-8.000 đồng/lượng. Với mức giá hiện nay, NHNN quản lý được và 50.000 đồng là mức hợp lý", ông Bình  nói.
Nhật Thanh

Đọc thêm