Làng cổ Đường Lâm phát triển các tour trải nghiệm giữ chân khách quốc tế
Đường Lâm trở thành làng cổ đầu tiên của cả nước được Nhà nước trao Bằng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia vào năm 2006. Từ đó, địa điểm đã trở thành điểm đến thăm quan và khám phá của khách du lịch.
Làng cổ Đường Lâm là một làng cổ lâu đời mang rất nhiều nét văn hóa đặc sắc. Cho tới ngày nay, ngôi làng vẫn giữ được những đặc trưng cơ bản của một ngôi làng xưa với đình làng, cây đa, bến nước, chùa miếu... Có thể nói, giá trị nghệ thuật ở nơi đây đã khiến cho Đường Lâm đã trở thành một điểm nhấn khi du lịch Hà Nội.
Trong những năm gần đây, số lượng du khách đến thăm Làng cổ Đường Lâm đã tăng đáng kể, đồng nghĩa với sự tăng cường nhu cầu trải nghiệm và khám phá ẩm thực làng cổ. Những ngôi nhà cổ, sân vườn rộng lớn và không gian đẹp đã được rất nhiều hộ gia đình tận dụng để tổ chức các dịch vụ thưởng thức ẩm thực tại chính nhà mình, thu hút lượng khách du lịch đông đảo như gia đình ông Nguyễn Văn Hùng, ông Hà Hữu Thể, bà Hà Thị Điền, ông Hà Nguyên Huyến...
Đến Đường Lâm, du khách không chỉ được khám phá cảnh quan với những mái đình, nhà cổ, di tích gốc đa, sân đình... mà còn được thưởng thức những đặc sản dân dã, đậm đà hương vị quê hương như: gà Mía, thịt quay đòn, chè lam, kẹo dồi, kẹo lạc, bánh gai… Đây đều là những món ăn địa phương và trở thành đặc sản mà nơi khác khó sánh được.
Đoàn khách quốc tế trải nghiệm làm nông dân tại Đường Lâm. (Ảnh: Đăng Khôi) |
Những ngày cuối tháng 3 vừa qua, Làng cổ Đường Lâm đón đoàn khách gần 50 người đến từ nhiều quốc gia khác nhau như: Singapore, Malaysia, Australia, Nhật Bản... trải nghiệm sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn. Đoàn du khách do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ du lịch Di sản Đông Dương - Indochina Heritage phối hợp với Ban Quản lý Làng cổ Đường Lâm thực hiện. Việc tổ chức một đoàn khách quốc tế đông người đã tạo hiệu ứng tốt cho phát triển loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn tại Sơn Tây nói riêng và Hà Nội nói chung.
Ban Quản lý Làng cổ đã xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm với nhiều loại hình: Trải nghiệm nghề (làm kẹo, làm tương, làm bánh), trải nghiệm nông nghiệp (ra đồng cấy hái, trồng trọt và các hoạt động gắn với lối sống nông nghiệp), trải nghiệm ở các không gian sáng tạo. Trong đó, sản phẩm trải nghiệm nông nghiệp tạo ấn tượng cao, phù hợp với đối tượng khách quốc tế và học sinh các trường quốc tế tại Hà Nội. “Khách nước ngoài rất thích tìm hiểu đời sống nông nghiệp của người dân Làng cổ Đường Lâm, muốn tận mắt tìm hiểu và trải nghiệm việc cày bừa, cấy lúa”, Trưởng Ban Quản lý Di tích Làng cổ Đường Lâm Nguyễn Đăng Thạo cho biết.
Để tổ chức cho khách trải nghiệm, Ban Quản lý phối hợp với Hội Nông dân, Phụ nữ, Đoàn Thanh niên cùng tham gia vào chuỗi. Các nông dân trong làng là người trực tiếp hướng dẫn trên tư liệu sản xuất là ruộng đồng, hoa màu họ đang trồng.
Sau khi thăm di sản Làng cổ buổi sáng, trải nghiệm nông nghiệp buổi chiều, Ban Quản lý hướng dẫn du khách tham gia nấu các món ăn truyền thống và thưởng thức bữa ăn truyền thống của Đường Lâm ở các nhà cổ hoặc không gian văn hóa làng.
Buổi tối du khách có thể tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại làng. Sáng hôm sau, du khách được xem người dân nướng thịt quay đòn, đi chợ quê.
Tour du lịch trọn gói trong hai ngày, giúp tăng trải nghiệm cho khách, giữ chân khách ở lại với Đường Lâm lâu hơn.
Du khách nở nụ cười hạnh phúc khi đến làng mộc Kim Bồng. (Ảnh: N.Q) |
Từ đầu năm đến nay, Ban Quản lý tổ chức cho hơn 30 đoàn tham gia trải nghiệm hoạt động nông nghiệp tại Làng cổ. Thời gian tới, lượng khách đặt tour tham quan di sản Làng cổ gắn với trải nghiệm dự kiến sẽ tăng cao. Ban Quản lý Di tích Làng cổ Đường Lâm định hướng phát triển các sản phẩm du lịch bền vững gắn với bảo tồn các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể.
Làng mộc Kim Bồng thu hút khách quốc tế yêu thích nghệ thuật
Tương tự như Làng cổ Đường Lâm, thời gian gần đây, các công ty du lịch lữ hành đưa du khách Tây về tham quan trải nghiệm ở làng mộc Kim Bồng (xã Cẩm Kim, TP Hội An) khá đông. Sau chuyến tham quan, phần lớn du khách Tây tỏ ra hứng thú khi được tận tay làm những sản phẩm mình yêu thích.
Những ngày đầu tháng 4, hàng trăm lượt khách Tây và châu Á tìm về làng mộc này để tham quan, mua hàng lưu niệm, chụp ảnh... Không chỉ vậy, họ còn khá thích thú khi được các nghệ nhân làng nghề hướng dẫn đục đẽo trên gỗ để tạo ra những sản phẩm yêu thích của riêng mình.
Đang dùng đục để khắc tên mình lên mảnh gỗ, ông Paul, một du khách đến từ Hà Lan tỏ ra khá hào hứng. Ông Paul cho biết, ông đã đi du lịch nhiều nơi nhưng chưa bao giờ được trải nghiệm thực tế như thế này.
“Khi đến làng mộc Kim Bồng, tôi được các thợ mộc hướng dẫn dùng đục, búa để khắc tên mình lên gỗ khá tận tình. Người dân Hội An thật hòa đồng, gần gũi và hiếu khách. Qua chuyến du lịch này sẽ giúp tôi nâng cao kỹ năng được trau dồi nhiều hơn”.
Tương tự, bà LAS cũng đến từ đất nước Hà Lan cho hay, bà thấy chuyến du lịch sang Việt Nam thật ý nghĩa. Đặc biệt khi đến làng mộc Kim Bồng bà được trải nghiệm làm mộc cùng với các nghệ nhân nơi đây. “Những sản phẩm ở đây làm ra rất đẹp mắt, tôi rất yêu thích và sẽ kể cho bạn bè, người thân về chuyến đi này”, bà LAS bày tỏ.
Ông Võ Đức Thi - chủ cơ sở mộc truyền thống ở Kim Bồng cho hay, khách Tây thường đến cơ sở của ông đông nhất vào tháng 8 năm trước đến tháng 4 âm lịch năm sau. Mỗi ngày có khoảng 100 lượt khách cả châu Âu và châu Á. Họ đến đây, được ông hướng dẫn làm những sản phẩm bằng gỗ nhỏ khá bắt mắt.
“Du khách khi trải nghiệm ở cơ sở mộc của tôi sẽ không lấy tiền, du khách thích thì lì xì, còn không thì tôi cũng vui vẻ đón nhận. Tôi nghĩ, du khách đến với làng mộc Kim Bồng nói riêng và Hội An nói chung ngày càng đông là một tín hiệu đáng mừng”.
Nhãn tên khắc trên gỗ khá dễ thương. (Ảnh: N.Q) |
Có thể thấy, làng mộc Kim Bồng không chỉ thu hút những người yêu thích nghệ thuật mà còn làm say mê những du khách có niềm yêu thích đặc biệt với những nét văn hóa đặc sắc của những làng nghề truyền thống của Hội An.
Khách Tây thích thú với trải nghiệm nhảy sạp ở Hà Giang
Mới đây, trên mạng xã hội đoạn video ghi cảnh nhóm khách nước ngoài tỏ ra thích thú khi trải nghiệm điệu nhảy sạp truyền thống thu hút sự chú ý từ cộng đồng mạng. Video thu hút hàng trăm nghìn lượt xem với rất nhiều bình luận tỏ ra thích thú trước điệu bộ có phần lóng ngóng, luống cuống của các vị khách ngoại quốc do lần đầu tiếp xúc với trò chơi mới.
Nhảy sạp vốn là nét văn hóa đặc trưng và độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao Tây Bắc. Dù chỉ sử dụng đạo cụ đơn giản là những cây tre to dài và thẳng làm sạp, trò chơi được đồng bào các dân tộc duy trì trong những buổi giao lưu, gặp mặt và sinh hoạt cộng đồng.
Theo anh Dũng, một hướng dẫn viên du lịch địa phương cho biết: “Khách nước ngoài tới Hà Giang rất thích những trò chơi dân gian của người dân bản địa như nhảy sạp, hát cọi giao duyên. Khi tới đây, họ luôn yêu cầu được tận hưởng và trải nghiệm cuộc sống của người dân địa phương”.
“Là người con Hà Giang, tôi rất mừng và hãnh diện khi thấy quê hương mình ngày càng thu hút khách du lịch. Đặc biệt thời gian gần đây, khách nước ngoài tới đây rất đông. Các homestay ở Du Già hay Đồng Văn đều gần như kín phòng ngay cả vào dịp trong tuần không phải ngày lễ, Tết”, anh Dũng tiết lộ.