Thiết lập mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp

(PLVN) - Các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Tuy nhiên, thực tế cho thấy DN nhỏ và vừa vẫn còn những tồn tại hạn chế ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh và khả năng phát triển bền vững, trong đó có năng lực tổ chức thi hành pháp luật. 
Hình minh họa
Hình minh họa

Thực tế hiện nay các DN phải giải quyết rất nhiều thủ tục pháp lý, các vấn đề thương mại, hợp đồng liên kết, quá trình hoạt động dễ phát sinh tranh chấp, rủi ro… Trong khi đó, hầu hết các DN lại chưa có thói quen sử dụng tư vấn pháp lý. Việc tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ pháp lý của các DN nhỏ và vừa trên hiện nay còn có nhiều hạn chế. 

Vì vậy, việc hỗ trợ pháp lý cho DN từ phía các cơ quan nhà nước là rất cần thiết và quan trọng đối với việc nâng cao nhận thức và ý thức tuân thủ pháp luật của DN, qua đó sẽ giúp DN hình thành được thói quen tìm hiểu, áp dụng pháp luật trong hoạt động DN. Đặc biệt, việc thiết lập hệ thống mạng lưới tư vấn pháp luật tại mỗi địa phương có ý nghĩa quan trọng, là nhiệm vụ cần thiết.  

Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho DN nhỏ và vừa như: Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa năm 2017, Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 về hỗ trợ pháp lý cho DN nhỏ và vừa thay thế  Nghị định số 66/2008/NĐ – CP.

Theo đó, Nghị định số 55/2019/NĐ-CP được ban hành trên cơ sở căn cứ vào khoản 3 Điều 14 Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa năm 2017 quy định: Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan, tổ chức, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thực hiện các hoạt động để hỗ trợ pháp lý cho DN nhỏ và vừa (như xây dựng, quản lý, duy trì, cập nhật, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu về pháp luật; xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình hỗ trợ pháp lý để cung cấp thông tin, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, tư vấn pháp luật).

Việc hỗ trợ pháp lý cho DN nhỏ và vừa được thực hiện theo nguyên tắc có trọng tâm, có thời hạn, phù hợp với mục tiêu hỗ trợ và khả năng cân đối nguồn lực; bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả; không chồng chéo, trùng lặp. Việc hỗ trợ pháp lý cho DN nhỏ và vừa được ưu tiên thực hiện thông qua tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ hỗ trợ pháp lý.

Một trong những nội dung quan trọng của hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DN trong thời gian tới là thiết lập và duy trì mạng lưới tư vấn pháp luật cho DN nhỏ và vừa, hoạt động này sẽ được căn cứ vào cả Nghị định số 55/2019/NĐ CP; Nghị định số 39/2018/NĐ-CP về hướng dẫn một số điều của Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa; Thông tư số 06/TT–BKHĐT ngày 29/3/2019 hướng dẫn việc tổ chức và hoạt động của mạng lưới tư vấn viên.

Để tư vấn thành công, mỗi luật sư, tư vấn viên pháp luật cần nắm vững pháp luật tổ chức và hoạt động của DN; tiếp xúc, đánh giá vấn đề chính xác; không để xảy ra mâu thuẫn trong nội bộ. Đồng thời cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho DN về tầm quan trọng của việc tìm hiểu, thực thi pháp luật cũng như vai trò của luật sư, tư vấn viên pháp luật và các dịch vụ pháp lý khác. Từ đó, giúp DN khắc phục các tồn tại, hạn chế phát sinh các rủi ro, nâng cao thế mạnh; tạo đà cho DN phát triển bền vững, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, hiệu quả và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Đọc thêm