Thiết lập thêm 3 trung tâm hồi sức tích cực tại TP HCM

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tại buổi làm việc giữa Thành ủy, UBND TP Hồ Chí Minh và Giám đốc các bệnh viện trung ương sáng ngày 29/7, Bộ Y tế đồng ý cho TP HCM lập thêm 3 Trung tâm hồi sức tính cực để tập trung điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19 nặng và rất nặng.
 Ngoài Bệnh viện Hồi sức COVID-19 tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TP HCM sẽ có thêm 3 Trung tâm Hồi sức tích cực để điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19 nặng và rất nặng.
Ngoài Bệnh viện Hồi sức COVID-19 tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TP HCM sẽ có thêm 3 Trung tâm Hồi sức tích cực để điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19 nặng và rất nặng.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thành Long đánh giá TP HCM đang gồng mình, nỗ lực, triển khai nhiều biện pháp quyết liệt nhất, nâng dần cấp độ để kiểm soát chặt chẽ và đang đi đúng hướng trong cuộc chiến phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Bộ trưởng nhấn mạnh, đây là trận chiến chống dịch nặng nề nhất, chưa có tiền lệ ở TP HCM. Vấn đề cần quan tâm nhất của TP tại thời điểm này là làm thế nào cứu chữa các bệnh nhân nặng, nguy kịch và giảm tỷ lệ tử vong.

Để tiếp tục cùng thành phố chống dịch, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, ngoài những lực lượng tinh nhuệ đã huy động trước đó, Bộ Y tế tiếp tục điều tất cả lãnh đạo Cục, Vụ liên quan và Giám đốc các bệnh viện hạng đặc biệt, bệnh viện chuyên khoa tuyến trung ương như: Bạch Mai, Việt Đức, K, Phổi Trung ương, E, Lão khoa, Hữu nghị… của Bộ Y tế vào TP để cùng chung sức thiết lập nên hệ thống điều trị, đặc biệt là hệ thống hồi sức tích cực cho bệnh nhân COVID-19.

Ngoài bệnh viện Hồi sức COVID-19 TP HCM quy mô 1.000 giường do bệnh viện Chợ Rẫy chịu trách nhiệm đang hoạt động, Bộ Y tế sẽ cùng TP và các bệnh viện tuyến Trung ương thiết lập 3 Trung tâm hồi sức tích cực trên địa bàn TP. Giám đốc các bệnh viện Trung ương sẽ làm giám đốc các bệnh viện hồi sức COVID-19 này.

Cụ thể, Giám đốc bệnh viện Việt Đức Trần Bình Giang kiêm nhiệm Giám đốc bệnh viện hồi sức COVID-19 của Bộ Y tế trên địa bàn TP Thủ Đức, với quy mô 500 giường. Đồng thời, bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương hỗ trợ bệnh viện Việt Đức về điều trị hồi sức bệnh nhân COVID-19 nặng. Ê kíp gây mê hồi sức của bệnh viện Việt – Đức vào được đưa vào TP, có sẵn 30% nhân lực của bệnh viện để sẵn sàng nhận nhiệm vụ của Bộ Y tế giao.

Giám đốc bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quang Tuấn sẽ kiêm nhiệm Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực của Bộ Y tế đặt tại bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 16 với quy mô 500 giường. bệnh viện Bạch Mai sẽ cử các chuyên gia đầu ngành, trong đó có đội ngũ chuyên gia về hồi sức cấp cứu, hồi sức tích cực đã có kinh nghiệm vào làm việc. Ngay trong chiều ngày 29/7, đoàn sẽ lên đường bay vào TP HCM.

Bệnh viện Trung ương Huế nhận nhiệm vụ thiết lập Trung tâm hồi sức quy mô 500 giường, đặt tại bệnh viện dã chiến số 13. Ngoài ra, các bệnh viện Phổi Trung ương, Lão khoa Trung ương, E và K chung nhiệm vụ sẵn sàng thiết lập thêm một trung tâm hồi sức tích cực khác khi cần.

Giám đốc các bệnh viện tuyến Trung ương cho rằng, tùy theo tình hình thực tế có thể điều phối nhân lực phù hợp, nhưng TP HCM cần lên phương án cụ thể về nhân lực. Khi ấy, các chuyên gia về hồi sức của các bệnh viện điều động sẽ cùng tập huấn chia sẻ về chuyên môn để bắt tay ngay vào công việc. Về cơ sở vật chất cũng vậy, dựa trên các điều kiện đã có của các bệnh viện thiết lập Trung tâm hồi sức tích cực, dần dần đáp ứng công năng điều trị…

Trong buổi họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng, để các Trung tâm Hồi sức tích cực của các bệnh viện tuyến Trung ương trên địa bàn hoạt động hiệu quả, TP cần thiết lập một trung tâm điều phối, hỗ trợ các Trung tâm Hồi sức tích cực để mọi hoạt động được nhịp nhàng, hiệu quả trong điều trị bệnh nhân nặng. Bên cạnh đó TP cần đảm bảo các công tác hậu cần để các Trung tâm Hồi sức tích cực hoạt động hiệu quả.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu TP cần đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19. Bộ đồng ý để TP áp dụng thí điểm mô hình tiêm phù hợp với điều kiện và tình hình phòng chống dịch của TP; phấn đấu đến cuối tháng 8/2021, có khoảng 70 % dân số TP (trên 18 tuổi) được tiếp cận vaccine mũi 1.

Giao hàng được di chuyển liên quận

UBND TP HCM vừa có văn bản hướng dẫn việc di chuyển trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 16/2020 của Thủ tướng.

Theo đó, lực lượng giao hàng (shipper) được di chuyển liên quận huyện và TP Thủ Đức khi vận chuyển hàng hóa thiết yếu cho người dân trong các khu phong tỏa, khu cách ly, cơ sở y tế, cơ sở thu dung, cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19. Để nhận diện người giao hàng phải có đặc điểm nhận dạng như: đồng phục, thùng hàng, logo doanh nghiệp, giấy thông hành của doanh nghiệp cấp cho người giao hàng, ứng dụng quản lý đơn hàng...; đồng thời bổ sung bảng tên thẻ cứng có hình, xác nhận của doanh nghiệp cho từng shipper và ứng dụng công nghệ nhận diện shipper thông qua mã QR code; thực hiện băng đeo tay nền xanh đậm, kích thước ống đeo cao 20cm, in chữ “shipper” màu trắng. Người giao hàng được hoạt động từ 6 giờ - 18 giờ mỗi ngày.

Người dân đi tiêm vaccine được phép ra đường sau 18h nhưng phải kèm giấy mời tiêm hoặc tin nhắn điện thoại và thẻ/phiếu nhận diện (màu sắc thay đổi hàng ngày) để người đi tiêm vaccine đeo trên ngực, phục vụ kiểm tra của lực lượng chức năng.