Thiếu điện nhiều, nhập được bao nhiêu?

(PLVN) - Mục tiêu cung cấp nguồn điện giai đoạn 2019-2020 đã gần như phá sản hoàn toàn. Do đó, việc thiếu điện trong năm 2020 đã được tính đến, không còn nằm trong “dự báo” nữa…
Việt Nam tính đến việc mua điện qua cấp điện áp 500 kV từ Trung Quốc
Việt Nam tính đến việc mua điện qua cấp điện áp 500 kV từ Trung Quốc

Nguồn điện thiếu tương đương với hơn 3 nhà máy nhiệt điện than tỷ USD 

Lượng điện tiêu thụ trong mùa hè năm nay đã 3 lần lập đỉnh công suất phụ tải mới. Đỉnh mới nhất được thiết lập vào ngày 21/6/2019 với 38.147 MW. Theo Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia, đây là mức công suất đỉnh cao kỷ lục trong lịch sử từ trước đến nay. Không chỉ về công suất, sản lượng tiêu thụ điện toàn quốc của ngày này cũng ghi nhận số liệu cao kỷ lục, ở mức 782,9 triệu kWh.

Trong khi đó, theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế, đến năm 2020, tổng công suất các nhà máy điện phải đáp ứng khoảng 60.000 MW, trong đó năm 2019 phải đưa vào sử dụng 6.230 MW, năm 2020 phải đưa vào 4.571 MW nguồn điện. Nhưng theo rà soát mới nhất của Bộ Công Thương, tính đến nay, trong 2 năm 2019-2020, nguồn cung điện còn thiếu khoảng 4.000 MW (tương đương với hơn 3 nhà máy nhiệt điện than có suất đầu tư hơn 1 tỷ USD).

Do đó, trong giai đoạn 2021-2025, mặc dù đã phải huy động tối đa các nguồn điện chạy dầu, nhưng hệ thống điện không đáp ứng nhu cầu phụ tải và sẽ xảy ra tình trạng thiếu điện tại miền Nam với mức thiếu hụt tăng từ 3,7 tỷ kWh (năm 2021) lên 10 tỷ kWh (năm 2022). 

Theo Bộ Công Thương, nguyên nhân chính dẫn tới việc thiếu điện tại miền Nam tăng cao hơn so với tính toán trước đây là do tiến độ các dự án khí Lô B, Cá Voi Xanh đều bị chậm so với kế hoạch khoảng 1 năm; Tiến độ các dự án Nhiệt điện Kiên Giang 1&2 có thể bị lùi sau năm 2030; Dự án Ô Môn III lùi tiến độ đến năm 2025; Nếu dự án điện Long Phú 1 không đáp ứng tiến độ hoàn thành năm 2023, tình trạng thiếu điện tại miền Nam trong các năm 2024-2025 sẽ trầm trọng hơn.

Báo cáo cũng cho biết, trong tổng công suất nguồn giai đoạn 2016-2020, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đầu tư 33,2%, các nguồn điện ngoài EVN chiếm 66,8%. Tuy nhiên hầu hết đều chậm tiến độ. Trong đó, EVN có 13/23 dự án chậm hoặc lùi tiến độ; 8/8 dự án của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đều khó hoàn thành theo tiến độ. Hiện PVN đang xây dựng 3 dự án, nhưng đều chậm tiến độ 2-3 năm; đang thực hiện thủ tục đầu tư 4 dự án nhưng dự kiến đều chậm từ 2,5-3,5 năm. 

Cùng lúc, Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (TKV) thực hiện 4 dự án thì hiện cả 4 dự án đều chậm tiến độ từ 2 năm trở lên. Ngoài ra, trong 15 dự án thực hiện theo hình thức BOT  thì chỉ có 1 dự án nằm trong giai đoạn 2016-2020; 14 dự án còn lại thực hiện trong 2021-2030. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Công Thương chỉ có 3 dự án có khả năng đạt tiến độ, còn 12 dự án chậm tiến độ hoặc chưa thể xác định tiến độ vì vướng mắc trong đàm phán.

Tăng nhập khẩu điện từ Trung Quốc, Lào có khả thi?

Trong số các giải pháp mà Bộ Công Thương đưa ra nhằm giải quyết cho tình trạng thiếu điện nói trên, ngoài việc chủ động các biện pháp tăng nguồn nguyên liệu, giải quyết các nguồn khí thì phương án mua bán điện từ Lào và Trung Quốc để bổ sung công suất cho hệ thống điện cũng được tính đến. Theo số liệu từ Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), hiện Việt Nam đang nhập khẩu khoảng 1.000MW điện từ Trung Quốc và Lào. Dự kiến sẽ mua thêm điện từ hai quốc gia này khoảng 3.000MW vào năm 2025 và 5.000MW năm 2030.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, Bộ đã cho phép EVN đàm phán với Công ty TNHH Lưới điện Phương Nam Trung Quốc (CSG) để tăng nhập khẩu điện Trung Quốc qua các đường dây 220kV hiện hữu; Đồng thời phối hợp với CSG đầu tư hệ thống điện Back To Back để tăng mua điện từ năm 2022 mà không phải thực hiện tách lưới. 

Hiện nay, Việt Nam đang mua điện từ Trung Quốc qua cấp điện áp 220 kV, cấp điện cho một số khu vực lưới điện ở phía Bắc. Việt Nam cũng đang mua điện từ các nhà máy điện Xekaman 1, Xekaman 3, Xekaman Xanxay từ Lào qua cấp điện áp 220 kV. Ngoài ra, Bộ cũng giao cho EVN nghiên cứu mua điện qua cấp điện áp 500 kV để có thể bắt đầu mua từ năm 2025; Giao EVN đàm phán, thống nhất với CSG về phương án nhập khẩu và giá điện trong từng giai đoạn. 

Tuy nhiên, một chuyên gia về điện cho rằng, phương án nhập khẩu điện không hoàn toàn khả thi do nguồn cung điện còn thiếu của Việt Nam khá lớn, trong khi nước bạn cũng không có đủ để bán cho Việt Nam, chưa kể giá mua điện sẽ được tính toán như thế nào cho phù hợp. Bên cạnh đó, việc thiếu điện được dự báo đa phần ở phía Nam, nếu chỉ tăng nhập từ Trung Quốc cũng không thể giải quyết được bài toán thiếu điện này.

Đọc thêm