Tiềm năng…
Theo ông Nghiêm Thanh Sơn – Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Fintech của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tại thị trường Việt Nam hiện có khoảng gần 100 công ty Fintech đang hoạt động. So với các nước khác trong khu vực con số này còn rất khiêm tốn, ví dụ như trong năm 2017, Singapore có khoảng 490 công ty Fintech, Indonesia là 262, Malaysia có 196 công ty thuộc lĩnh vực này.
Đa số các công ty Fintech của Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực thanh toán, đã có 26 DN được NHNN cấp phép cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán. Thanh toán di động trở thành xu hướng với các công nghệ như mã QR/tiếp xúc trường gần NFC/số hóa thông tin thẻ (tokenization)/ví điện tử…
Có 16 ngân hàng đã triển khai dịch vụ thanh toán QR Code, khoảng 30.000 điểm chấp nhận thanh toán QR Code, 78 ngân hàng triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet, 41 ngân hàng triển khai dịch vụ thanh toán điện thoại di động. Theo nghiên cứu của Solidiance, tính đến hết năm 2017, thị trường Fintech Việt Nam đã đạt mức 4,4 triệu USD (dựa trên giá trị giao dịch) và dự kiến có thể đạt ngưỡng 7,8 tỷ USD vào năm 2020.
Tuy nhiên, khuôn khổ pháp lý cho các DN này hoạt động còn chưa đầy đủ, do đó một số loại hình DN hoạt động mang tính tự phát, tiềm tàng rủi ro. Cho đến thời điểm hiện tại, có thể nói rằng, DN khởi nghiệp và cả các DN lớn cùng các nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu nhận thấy nhiều cơ hội chưa được khai thác ở lĩnh vực Fintech tiềm năng của Việt Nam.
Ông Phạm Trung Kiên – Phó Chủ tịch Viettel Telecom cho rằng, vấn đề hạ tầng cũng là bài toán khó. Việc mở rộng chi nhánh, cây ATM đang là gánh nặng chi phí. Tại Việt Nam trung bình cứ 3 chi nhánh phục vụ 100.000 dân, 24 ATM phục vụ 100.000 dân, trong khi đó trung bình trên thế giới, 10 chi nhánh phục vụ 100.000 dân, 53 ATM phục vụ 100.000 dân.
Chính sách là yếu tố đòn bẩy
Cơ chế sát thực tiễn, khung pháp lý hoàn chỉnh là yếu tố cần thiết của bất kỳ một hoạt động lĩnh vực nào. Fintech cũng cần một khuôn khổ pháp lý phù hợp.
Ông Kelvin Teo – Đồng sáng lập & Điều hành Funding Societies cho rằng, khung pháp lý, cơ chế chính sách được xây dựng cần phải phù hợp. “Quan trọng là phù hợp với điều kiện thực tế, chứ không phải là nhiều, hay ít cơ chế, chính sách”.
Về chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, Chính phủ đã có Đề án 844/QĐ-TTg năm 2016 về Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 và Đề án 1665/QĐ-TTg năm 2017 về Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp. Sắp tới Chính phủ sẽ xây dựng một Chương trình khung quốc gia về khởi nghiệp và sáng tạo – tầm nhìn 2045 với chính sách cụ thể hơn.
Riêng với Fintech, đến thời điểm hiện tại chưa có văn bản pháp lý nào liên quan đến quản lý hoạt động Fintech. Tuy nhiên, triển khai Đề án 844, Thống đốc NHNN đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo (Steering Committee) và Tổ giúp việc (Working Group) về lĩnh vực Fintech của NHNN.
Theo đại diện NHNN, việc thành lập Ban Chỉ đạo Fintech của NHNN vào tháng 3/2017, nhằm thúc đẩy hoạt động và phát triển các công ty Fintech tại Việt Nam cũng như cung cấp hướng dẫn chiến lược và kế hoạch thúc đẩy đổi mới công nghệ Fintech tại Việt Nam.
Hiện Ban Chỉ đạo về lĩnh vực Fintech của NHNN đang tích cực hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, xây dựng khuôn khổ pháp lý thử nghiệm (nếu cần) hướng đến xây dựng một “sân chơi bình đẳng” trong tương lai cho các công ty Fintech và ngân hàng thương mại, qua đó khuyến khích sự “hợp tác – cạnh tranh” cùng có lợi giữa 2 chủ thể này; hoàn thiện hạ tầng thị trường tài chính; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm dịch vụ tài chính, chú trọng đến sự tiện lợi, dễ sử dụng nhưng vẫn đảm bảo tính an toàn, bảo mật; thúc đẩy nhu cầu của người sử dụng.