Thiếu thời gian đóng BHXH bắt buộc: Có thể đóng bảo hiểm tự nguyện một lần để hưởng lương hưu

(PLVN) - BHXH Việt Nam cho biết, người tham gia BHXH bắt buộc đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng BHXH tự nguyện một lần cho những năm còn thiếu cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.
Người dân có thể đóng BHXH tự nguyện một lần cho những năm còn thiếu để hưởng lương hưu.
Người dân có thể đóng BHXH tự nguyện một lần cho những năm còn thiếu để hưởng lương hưu.

Bạn đọc có địa chỉ email detvlax@gmail.com hỏi: Tôi sinh năm 1965, là nhân viên hợp đồng ngắn hạn của một trường học tại Đà Nẵng. Từ 4/2003 cho đến 10/2020, tôi tham gia BHXH bắt buộc được 16 năm 6 tháng. Đến 11/2020 cơ quan chấm dứt hợp đồng vì lý do tôi đến tuổi nghỉ hưu (55 tuổi) nhưng tôi chưa đủ thời gian để hưởng chế độ hưu trí. Vậy tôi có thể tham gia BHXH tự nguyện để được hưởng chế độ hưu trí không? Nếu được thì có thể đóng thêm bao nhiêu năm để được chế độ hưu trí?

Để được hưởng lương hưu cao hơn, tôi có thể được đóng BHXH tự nguyện với mức lương 10 triệu đồng/tháng không? Và có thể đóng đủ 10 năm không? Nếu được tổng số tiền đóng là bao nhiêu?

Có thể đóng BHXH tự nguyện để được hưởng hưu trí

Giải đáp về vấn đề trên, BHXH Việt Nam cho biết, theo quy định tại khoản 4 Điều 2 Luật BHXH năm 2014 thì người tham gia BHXH tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Đối chiếu quy định trên, trường hợp tháng 11/2020 bà chấm dứt hợp đồng với trường học thì bà được tham gia BHXH tự nguyện theo quy định.

Căn cứ quy định tại Nghị định số 134/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện, người tham gia BHXH đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng một lần cho những năm còn thiếu cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu. Như vậy, bà đã đóng BHXH được 16 năm 06 tháng thì bà có thể lựa chọn đóng thêm BHXH tự nguyện một lần cho 03 năm 06 tháng còn thiếu cho đủ 20 năm đóng BHXH để hưởng lương hưu.

Về phương thức đóng, người tham BHXH tự nguyện được chọn một trong các phương thức đóng sau: đóng hằng tháng; 03 tháng một lần; 06 tháng một lần; 12 tháng một lần; đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần; đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia BHXH đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.

 Mức đóng hằng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn, mức đóng một lần cho nhiều năm về sau được tính bằng tổng mức đóng của các tháng đóng trước, chiết khấu theo lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân tháng do BHXH Việt Nam công bố của năm trước liền kề với năm đóng.

Đối chiếu các quy định trên thì bà có thể đóng BHXH tự nguyện với mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng là 10.000.000 đồng/tháng, được lựa chọn 1 trong các phương thức nêu trên để đóng.

Mức đóng BHXH tự nguyện

Cụ thể, trường hợp đóng hàng tháng: Nếu bà thuộc hộ nghèo thì hàng tháng bà phải đóng số tiền bằng mức đóng hàng tháng trừ ( - ) mức hỗ trợ tiền đóng hàng tháng (2.200.000 – 46.200 = 2.153.800 đồng);

Nếu bà thuộc hộ cận nghèo thì hàng tháng bà phải đóng số tiền bằng mức đóng hàng tháng trừ (-) mức hỗ trợ tiền đóng hàng tháng (2.200.000 – 38.500 = 2.161.500 đồng);

Nếu bà thuộc đối tượng còn lại thì hàng tháng bà phải đóng số tiền bằng mức đóng hàng tháng trừ (-) mức hỗ trợ tiền đóng hàng tháng (2.200.000 –15.400 = 2.184.600 đồng);

Bên cạnh đó, bà có thể tiếp tục đóng BHXH tự nguyện thêm 10 năm nữa với mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng là 10.000.000 đồng (tổng thời gian đóng BHXH của bà là 26 năm 6 tháng):

Nếu bà thuộc hộ nghèo, đóng BHXH tự nguyện theo các phương thức: Hằng tháng; 03 tháng một lần; 06 tháng một lần; 12 tháng một lần và đóng thêm 10 năm nữa thì số tiền bà phải đóng cho 10 năm là: 264.000.000 - 5.544.000 = 258.456.000 đồng. Còn nếu bà thuộc hộ nghèo, đóng BHXH tự nguyện 1 lần cho 5 năm về sau, sau 5 năm đóng tiếp 1 lần cho 5 năm về sau (tổng thời gian đóng là 10 năm) thì số tiền bà phải đóng cho 10 năm là khoảng 224.252.000 đồng.

Nếu bà thuộc hộ cận nghèo, đóng BHXH tự nguyện theo các phương thức: hằng tháng; 03 tháng một lần; 06 tháng một lần; 12 tháng một lần, đóng 1 lần cho 5 năm về sau và đóng thêm 10 năm nữa thì số tiền bà phải đóng cho 10 năm là: 264.000.000 - 4.620.000 = 259.380.000 đồng. Còn nếu bà thuộc hộ cận nghèo, đóng BHXH tự nguyện 1 lần cho 5 năm về sau, sau 5 năm đóng tiếp 1 lần cho 5 năm về sau (tổng thời gian đóng là 10 năm) thì số tiền bà phải đóng cho 10 năm là khoảng 225.176.000 đồng.

Nếu bà thuộc đối tượng còn lại, đóng BHXH tự nguyện theo các phương thức: hằng tháng; 03 tháng một lần; 06 tháng một lần; 12 tháng một lần thì số tiền. bà phải đóng cho 10 năm là: 264.000.000 - 1.848.000 = 262.152.000 đồng. Còn nếu bà thuộc đối tượng còn lại, đóng BHXH tự nguyện 1 lần cho 5 năm về sau, sau 5 năm đóng tiếp 1 lần cho 5 năm về sau (tổng thời gian đóng là 10 năm) thì số tiền bà phải đóng cho 10 năm là khoảng 227.948.000 đồng. Hiện nay, việc tính toán số tiền thu, số tiền Nhà nước hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện được phần mềm nghiệp vụ của Ngành BHXH hỗ trợ tính toán theo quy định. Đề nghị bà liên hệ với cơ quan BHXH cấp huyện nơi cư trú để được hướng dẫn cụ thể về mức đóng BHXH tự nguyện của mình.

Theo quy định nêu ở trên, bà có thể đóng BHXH tự nguyện 1 lần cho nhiều năm về sau nhưng tối đa không quá 5 năm một lần, bà không thể đóng 1 lần cho 10 năm về sau được; tuy nhiên, bà có thể lựa chọn đóng BHXH tự nguyện theo các phương thức: hằng tháng; 03 tháng một lần; 06 tháng một lần; 12 tháng một lần, đóng 1 lần cho 5 năm về sau và đóng thêm 10 năm nữa (tổng thời gian đóng BHXH của bà sẽ là 26 năm 06 tháng). 

Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 74 Luật BHXH năm 2014 thì từ ngày 01/01/2018 trở đi, mức lương hưu hằng tháng của lao động nữ đủ điều kiện được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH tương ứng với số năm đóng BHXH là 15 năm, sau đó cứ thêm mỗi năm, được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%. Như vậy, trường hợp bà nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi thì bà phải đóng 30 năm BHXH thì mới được hưởng mức lương hưu hằng tháng bằng 75% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.

Hiện nay, người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn, cụ thể: bằng 30% đối với người thuộc hộ nghèo (tương ứng với số tiền 46.200 đồng/tháng); bằng 25% đối với người thuộc hộ cận nghèo (tương ứng với số tiền 38.500 đồng/tháng); bằng 10% đối với các đối tượng khác (tương ứng với số tiền 15.400 đồng/tháng).

Đọc thêm