Thưa Thiếu tướng, thời gian qua, lực lượng PCMT&TP thuộc BĐBP đã phá nhiều chuyên án lớn, thu giữ một số lượng lớn heroin, thuốc phiện và ma túy tổng hợp. Vậy khó khăn lớn nhất mà lực lượng PCMT&TP phải đối mặt là gì?
- Khi thực hiện nhiệm vụ, lực lượng phòng chống tội phạm ma túy (PCTP&MT) phải đối mặt với muôn vàn khó khăn như: Đường biên giới dài và hầu hết khu vực biên giới đều là địa bàn khó khăn. BĐBP được giao nhiệm vụ quản lý 4.653,5 km đường biên giới đất liền, tiếp giáp với 3 nước Trung Quốc, Lào, Campuchia với 131 cửa khẩu; 3.260 km bờ biển, kiểm soát 188 bến cảng, khu vực tàu neo đậu, chuyển tải hàng hóa và 1 sân bay dầu khí Vũng Tàu. Đa số địa bàn biên giới tuyến đất liền là núi cao, rừng sâu, địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, giao thông khó khăn. Bên cạnh đó, đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội ở khu vực biên giới còn nhiều khó khăn; trình độ nhận thức pháp luật còn hạn chế dễ bị tội phạm ma túy lợi dụng mua chuộc, lôi kéo.
Sức ép “cung-cầu” ma túy trong và ngoài nước lớn. Theo đánh giá của UNODC, sản lượng hàng năm tại khu vực “Tam giác vàng” khoảng 673 tấn thuốc phiện, tương đương khoảng 67,3 tấn heroin và 20 tấn ma túy tổng hợp. Ma túy được vận chuyển từ Lào vào Việt Nam và được tiêu thụ tại Việt Nam khoảng hơn 30%, gần 70 % còn lại được tiêu thụ ở nước thứ 3 (chủ yếu là Trung Quốc).
Lợi nhuận của việc mua bán ma túy rất cao. 1 bánh heroin ở Lào có giá khoảng 4.500 USD, về Việt Nam giá khoảng 8-12.000USD, chuyển sang Trung Quốc có giá khoảng 18-20.000 USD. 1 kg ketamin ở các tỉnh giáp biên có giá 230 triệu đồng, về Việt Nam giá bán là 500 triệu đồng.
Phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đường dây mua, bán, vận chuyển ma túy rất tinh vi; tính chất thì manh động, nguy hiểm, luôn thay đổi thời gian, địa điểm hoạt động… gây khó khăn trong triển khai các phương án, kế hoạch đánh bắt; nhiều đường dây tội phạm ma túy có quy mô xuyên quốc gia; các đường dây thường hình thành trên cơ sở quan hệ thân tộc, dòng họ quan hệ chặt chẽ, khép kín trong, ngoài biên giới. Chủng loại ma túy rất đa dạng, tội phạm thường xuyên sản xuất ra các loại ma túy mới để trốn tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng (như dưới dạng “đông trùng, hạ thảo”, “trà sữa”…).
Lực lượng PCMT&TP của BĐBP còn mỏng, trang thiết bị vừa thiếu, vừa cũ.
Chính sách hỗ trợ, đặc thù cho lực lượng PCMT còn thấp, chưa động viên được cán bộ, chiến sĩ trên mặt trận nguy hiểm này.
Thiếu tướng có thể cho biết kinh nghiệm phá các chuyên án thắng lợi, đảm bảo an toàn về người ?
-Tội phạm ma túy là tội phạm đặc biệt nguy hiểm, muốn phá án thành công và đảm bảo an toàn thì phải nắm chắc phương thức thủ đoạn vận chuyển, cất giấu, giao nhận ma túy; nghiên cứu kỹ về địa bàn, phong tục tập quán của địa phương tại khu vực thực hiện đấu tranh chuyên án để xây dựng kế hoạch phá án và các tình huống xử lý.
Lựa chọn lực lượng tham gia chuyên án phải có bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp, phải nhanh nhẹn, mưu trí, dũng cảm, nghiệp vụ tinh thông.
Bố trí và sử dụng lực lượng, phương tiện theo sơ đồ (đã khảo sát), sử dụng lực lượng đấu tranh phá án, sử dụng biện pháp nghiệp vụ phù hợp, đảm bảo tuyệt đối bí mật, liên hoàn và bất ngờ. Đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt của người chỉ huy với lực lượng trực tiếp phá án. Chủ động dự kiến và xử lý linh hoạt các tình huống nghiệp vụ và phải biết sử dụng, phối hợp đồng bộ các biện pháp trong quá trình đấu tranh chuyên án.
Quyết định thời điểm đấu tranh phá án, biện pháp và hình thức đấu tranh phá án là giai đoạn quan trọng nhất. Ban chuyên án căn cứ diễn biến tình huống xuất hiện, quyết định thời điểm phá án thuận lợi tạo thế bất ngờ bắt quả tang đối tượng và tang vật nhưng phải đảm bảo tuyệt đối an toàn về lực lượng, trang bị, phương tiện. Nếu đấu tranh phá án (án phối hợp với nước bạn) phải có kế hoạch được thống nhất giữa chỉ huy lực lượng chức năng của hai nước.
Thiếu tướng có thể “bật mí” về hành trình phá một chuyên án cụ thể?
- Tôi xin nói về Chuyên án 049 Av được phá vào tháng 6/2016. Từ tin tức thu được, trung tuần tháng 5/2016, Cục PCMT&TP đã xác lập chuyên án trinh sát để triệt phá đường dây mua bán ma túy với số lượng lớn từ Lào vào Việt Nam do Bua Thoong (38 tuổi) và Bua May (35 tuổi, cùng trú tại Mường Son, Hủa Phăn) cầm đầu. Sau khi chuyên án được xác lập, Cục đã báo cáo với Bộ Tư lệnh BĐBP và Bộ Quốc phòng phái 5 trinh sát có kinh nghiệm, nhiệt huyết nhất sang Lào phối hợp với bạn thâm nhập đường dây, tổ chức của Thoong và May để điều tra, xác minh, làm rõ phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng.
20 ngày lăn lộn tại Mường Son, anh em trinh sát phải ngụy trang bằng nhiều biện pháp. Ban Chuyên án đã tập huấn cấp tốc để anh em vào vai thật ngọt nhằm tiếp cận các đối tượng. Sau 3 tuần lập án, các trinh sát đã làm rõ được hoạt động của các đối tượng, dựng được sơ đồ về hoạt động của tổ chức tội phạm này. Để nhanh chóng phá án, hạn chế thấp nhất việc “lộ vai”, Ban Chuyên án đã chỉ đạo trinh sát tiếp cận địa bàn để bắt đối tượng ngay trên đường chúng vận chuyển ma túy từ Mường Son ra khu vực biên giới để vào Việt Nam.
Tham gia thế trận có 4 tổ, mỗi tổ có 5 người gồm cả BĐBP Việt Nam và Công an Lào. Nhóm đánh án bày binh, bố trận ở những nơi thuận lợi nhất nhưng Ban Chuyên án bất ngờ nhận được tin khẩn “đối tượng không đưa ma túy ra khu vực biên giới mà giao cho đối tác từ Việt Nam tại một khách sạn ở Mường Son”. Vậy là kế hoạch tác chiến số 1 coi như bị phá sản. Chỉ còn hơn 2 giờ đồng hồ nữa là “phi vụ làm ăn” của tội phạm sẽ diễn ra tại khách sạn, Ban Chuyên án lập tức chuyển sang kế hoạch tác chiến số 2, chỉ đạo các tổ đánh án quay ngược lại khách sạn, bám sát chặt chẽ đối tượng và bắt giữ ngay khi có thời cơ.
Chiều 15/6/2016, chiếc ô tô hạng sang của Bua Thoong vội vã lao vào khách sạn, 2 đối tượng người Lào xuống xe, nhanh chóng lên phòng nghỉ. 4 phút sau, nhanh như cắt, lực lượng đánh án đập cửa xông vào. Các đối tượng quá bất ngờ, chỉ kịp thốt lên mấy câu chửi thề trước khi tra tay vào còng số 8. Chuyên án 049Av thành công, lực lượng đánh án bắt được 2 đối tượng chính, thu 35 kg thuốc phiện.
Nhân Ngày Toàn dân phòng chống ma túy, Thiếu tướng cho biết kết quả lớn nhất khi triển khai mô hình, phát động sâu rộng phong trào toàn dân tham gia phòng chống ma túy?
-Thời điểm các năm 2010, 2011, tại địa bàn huyện Mộc Châu và Vân Hồ, tỉnh Sơn La, lợi dụng quan hệ thân tộc, dân tộc, dòng họ giữa các bản người Mông ở ngoại biên, biên giới và trong nội địa đã hình thành nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn từ Lào vào Việt Nam, hình thành nhiều tụ điểm tập kết ma túy đặc biệt phức tạp, những tuyến vận chuyển ma túy với số lượng lớn với biệt danh “con đường tơ lụa” qua biên giới của các toán nhóm có vũ trang, hoạt động mang tính chuyên nghiệp, manh động, liều lĩnh.
Nhiều địa bàn đã trở thành “lãnh địa bất khả xâm phạm” của tội phạm ma túy. Một số nơi, tội phạm ma túy đã thao túng được một bộ phận quần chúng và lôi kéo được một số cán bộ chính quyền thôn, bản bao che, tiếp tay cho chúng. Lực lượng công an, BĐBP đã thực hiện nhiều biện pháp tích cực, xác lập đấu tranh hàng trăm chuyên án, vụ án. Có thời điểm BĐBP đã sử dụng cả biện pháp vũ trang và chó nghiệp vụ đánh bắt tội phạm ma túy. Song tội phạm ma túy vẫn diễn biến phức tạp, có thời điểm chúng còn ngang nhiên đe dọa nhân dân và sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng bằng vũ khí “nóng”.
Ngày 23/11/2011, Cục PCMT&TP đã tham mưu cho Bộ Tư lệnh xây dựng Kế hoạch số 1048 về phối hợp giải quyết tình hình phức tạp về mua bán, vận chuyển ma túy tại địa bàn biên giới giữa Sốp Bâu, Hủa Phăn (Lào) và Mộc Châu (Sơn La, Việt Nam). Sau gần 2 năm triển khai kế hoạch, đã có 2.018 lượt người dân tố giác tội phạm, xác định có 688 người nghi bán lẻ ma túy (trong đó 354 đối tượng đã ký cam kết không tham gia buôn bán, vận chuyển ma túy), 222 người tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ trái phép. Vận động đưa 116 đối tượng nghiện ma túy vào các trung tâm cai nghiệp. Bắt 158 vụ/248 đối tượng, thu giữ 310 bánh và 116 kg heroin, 20.000 viên ma túy tổng hợp.
Cái được lớn nhất của Kế hoạch 1048 là: Tạo sự hưởng ứng tích cực của quần chúng nhân dân, huy động được sự vào cuộc mạnh mẽ của cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, đoàn thể địa phương và các lực lượng chuyên trách PCMT; đã huy động được cả hệ thống chính trị hai bên biên giới vào cuộc.
Kết hợp chặt chẽ toàn diện các biện pháp phòng ngừa tích cực với đấu tranh trấn áp tội phạm kiên quyết và triệt để; trình độ kinh nghiệm về công tác PCMT của các lực lượng được nâng lên, công tác phối hợp giữa các lực lượng đi vào thực chất hơn. Nhiều địa bàn trước đây là lãnh địa của TPMT hoạt động công khai nay không còn công khai như trước. Quần chúng nhân dân đã đứng về phía BĐBP và Công an.
Trân trọng cảm ơn Thiếu tướng.