Thịt bẩn dùng nhiều, thịt sạch ít được quan tâm
“Thịt tươi là thịt bẩn; thịt mát, thịt đông lạnh là thịt sạch, đảm bảo vệ sinh thực phẩm” - Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội, ông Tạ Văn Tường khẳng định tại một Hội nghị mới đây về kết nối các DN sản xuất phân phối thực phẩm Việt an toàn, chất lượng. Theo ông Tường, hiện nay chất lượng sản phẩm là vấn đề khó kiểm soát nên việc lựa chọn mua thực phẩm ở đâu để đảm bảo an toàn là điều người dân nên quan tâm và chú ý.
“Vì sự thật thịt nóng, thịt tươi chủ yếu được bày bán ở các chợ, cửa hàng thường là thịt bẩn vì có nhiều vi khuẩn có hại cho cơ thể, được sản sinh trong môi trường không khí, bụi bẩn và không được bảo quản. Thịt mát, thịt cấp đông bán ở các siêu thị là thịt sạch vì nó xử lý ngay sau khi mổ nên đảm bảo VSATTP và được kiểm tra thường xuyên”, ông Tường diễn giải.
Kênh bán hàng truyền thống (chợ, cửa hàng, bán rong,…) không đảm bảo VSATTP và trong tương lai nó sẽ được thay thế bởi kênh hiện đại (siêu thị, đại lý, trung tâm mua sắm, cửa hàng chuyên dụng,…), nhưng theo ông Tường, nhiều DN đã đầu tư để trở thành cơ sở giết mổ hiện khi được khuyên chuyển sang bán ở kênh hiện đại đã không tham gia. Do tâm lý lo sợ không cạnh tranh với hàng có sẵn trong siêu thị.
Hiện nay, để đảm bảo VSATTP, vệ sinh môi trường, hầu hết các nước phát triển trên thế giới đều giết mổ công nghiệp. Thịt sau khi giết mổ phải qua khâu xử lý làm mát mới đưa ra thị trường tiêu thụ. Còn ở Việt Nam thì ngược lại.
Theo Giám đốc CTCP Thực phẩm Vinh Anh Đào Quang Vinh, trên thị trường, sản phẩm thịt tươi được bán ở các chợ truyền thống là chủ yếu và chiếm khoảng 80% thị phần. Sản phẩm này do các lò giết mổ thủ công cung cấp, không được đầu tư máy móc hiện đại cũng như đầu tư hệ thống xử lý chất thải hiện đại đồng bộ đảm bảo đủ điều kiện. Còn đối với các nhà máy giết mổ hiện đại lại đang hoạt động cầm chừng, kém hiệu quả do chi phí sản xuất cao lại khó cạnh tranh với sản phẩm bán kênh truyền thống với chi phí và giá thành thấp.
Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng trên, theo TS. Đinh Thị Mỹ Loan – Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, kênh truyền thống đang chiếm tới 85% kênh tiêu thụ thực phẩm tại thị trường trong nước. Kênh bán hàng này thường là những sản phẩm không rõ nguồn gốc. Trong khi, kênh hiện đại chỉ chiếm 15%. Đây lại là số phần trăm ít ỏi nhưng được coi là thực phẩm an toàn vì được kiểm tra thường xuyên, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Tập quán người tiêu dùng nên thay đổi
Thực phẩm bẩn tràn lan, không kiểm soát, nhưng liệu thói quen tiêu dùng của người dân có phải là một phần nguyên nhân khiến thực phẩm sạch chưa đến được chính tay người tiêu dùng?
Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNN Hà Nội chia sẻ, tập quán người tiêu dùng, người dân chưa quen sử dụng các loại thịt mát, thịt cấp đông và có thói quen mua sắm tại các chợ truyền thống. Điều này dẫn tới tình trạng các điểm bán thịt gia súc, gia cầm tươi, sống ở các khu dân cư, chợ truyền thống, chợ cóc, chợ dân sinh vẫn chiếm chủ yếu do chi phí thấp; nên mặc dù chất lượng VSATTP chưa đảm bảo nhưng đang cạnh tranh tốt với các cửa hàng thực phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm.
Điều này đã khiến cho hệ thống cửa hàng tiện ích của Việt Nam chưa phát triển. Trong khi, đây là nơi tiêu thụ sản phẩm chính của chuỗi (sản phẩm được kết nối từ khâu sản xuất, trung gian, nhà phân phối,…) thực phẩm an toàn, Hiện nay, ở nước ta phải có hơn 69.000 người mới có 1 cửa hàng tiện ích, ở Hàn Quốc là 1.800 người có 1 cửa hàng.
Thói quen tiêu dùng này cũng là điều gây khó khăn cho chính các chủ trang trại, hội chăn nuôi,… muốn chăn nuôi lớn để thành một chuỗi kết hợp với các DN đầu mối, nhà máy giết mổ hiện đại và kênh bán hàng hiện đại cung cấp sản phẩm chất lượng và đảm bảo VSATTP tới tay người tiêu dùng.
“Thói quen sử dụng sản phẩm tươi sống, không coi trọng nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm của người dân vẫn rất cao. Thiếu tính hợp tác giải quyết khó khăn, chia sẻ lợi ích. Điều này đã khiến cho Hội Chăn nuôi và Tiêu thụ gà đồi Sóc Sơn vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc xây dựng thành mô hình chăn nuôi lớn thay thế cho loại hình chăn nuôi đa dạng, tự phát, nhỏ lẻ như hiện nay”, đại diện Hội Chăn nuôi và Tiêu thụ gà đồi Sóc Sơn chia sẻ.
Theo các cơ quan chức năng và các DN cung cấp thực phẩm sạch, an toàn, cần tổ chức tuyên truyền thay đổi tập quan thói quen người tiêu dùng để sử dụng thịt mát, thịt cấp đông. Và hiểu quy trình thịt mát, thịt cấp đông là thịt sau khi giết mổ trên dây chuyền công nghiệp, thịt sẽ tự động chuyển vào khu làm mát ở nhiệt độ 0 – 4 độ C trong thời gian từ 8 - 12h, sau đó mới pha lóc đóng khay thịt mát hoặc đóng gói thành phẩm đưa vào cấp đông.
“Các DN cũng cần phải tiếp cận ngay công nghệ sản xuất này. Hiện nay, các sản phẩm thịt mát và thịt cấp đông trên thị trường còn cơ bản sản xuất chưa đúng theo quy trình” - Phó Giám đốc Sở NN&PTNN Hà Nội khuyến cáo.