Thịt bò Pháp “chinh phục” thị trường Việt

(PLO) - Trở lại thị trường Việt Nam từ năm 2015, song các DN chế biến và xuất khẩu thịt bò của Pháp đang có kế hoạch “chinh phục” thị trường  Việt Nam một cách bài bản từ chính văn hóa ẩm thực của người Việt Nam…
Trình diễn chế biến thức ăn tại chỗ tại sự kiện "Thịt bò Pháp ở Việt Nam"
Trình diễn chế biến thức ăn tại chỗ tại sự kiện "Thịt bò Pháp ở Việt Nam"

Nằm trong chuỗi sự kiện giới thiệu "Thịt bò Pháp ở Việt Nam", ngày 5/12,  các đầu bếp đến từ Pháp đã có buổi trình diễn chế biến thức ăn tại chỗ từ thịt bò Pháp tại Khách sạn Melia, Hà Nội. Một sự kiện tương tự cũng sẽ được tổ chức vào ngày 8/12 tại TP HCM. 

Sự kiện do INTERBEV,  Hiệp hội liên ngành Gia súc và  Thịt  quốc gia  của Pháp  tổ chức. Cùng với INTERBEV, 3 DN  chế biến và xuất khẩu thịt bò của Pháp cũng có mặt trong chuỗi sự kiện này là Tropal en Bresse, SVA Jean Rozé, Pegase BVS…

“Ẩm thực Pháp đã được UNESCO vinh danh là di sản thế giới, trong đó, thịt bò Pháp là một phần của nền ẩm thực Pháp.  Ẩm thực Việt Nam được ví  như cuộc viễn du kỳ thú trong đó người ta có thể cảm nhận được rõ nét ảnh hưởng của ẩm thực Pháp . Một số món ăn Việt, mặt khác,  cũng  chịu ảnh hưởng của ẩm thực Pháp như việc sử dụng thịt bò, dùng các loại bánh mì và bánh mì baguette để làm bánh mì kẹp nổi tiếng của Sài Gòn, dùng sốt mayonnaise và thịt bò theo cách bỏ lò, làm bitfteck, bò kho ăn kèm với và rốt, ăn kèm bánh mì hoặc cơm tùy theo khẩu vị…”- ông Bertrand  Lortholary, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CH Pháp tại Việt Nam  chia sẻ.

“Ngành công nghiệp thịt bò của Pháp có nhiều thế mạnh để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam!”- Chủ tịch INTERBEV khẳng định.

Những thế mạnh mà đại diện INTERBEV đưa ra là nước Pháp có đàn gia súc lớn nhất Châu Âu với 19 triệu con bò (34% bò thịt ở châu Âu được nuôi tại Pháp). Nước Pháp cũng là nhà sản xuất thịt bò lớn thứ 8 trên thế giới với 1,3 triệu tấn thịt được sản xuất mỗi năm. Đặc biệt, sự đa dạng của các sản phẩm thịt bò Pháp bắt nguồn từ những giống bò rất khác nhau, với 22 giống trong đó có 11 giống bò lấy thịt với hương vị đặc trưng khác nhau (Charolaise, Limousine, vv...) sẽ đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng.

Pháp cũng là quốc gia được mệnh danh là « Mảnh đất của chăn nuôi trù phú». Chăn nuôi truyền thống (trung bình 56 con bò trên một trang trại) với 92% thức ăn chăn nuôi  tự nhiên được sản xuất ngay  tại các nông trại và 80% là cỏ và cỏ khô, tuân thủ các quy định về chăn nuôi và thân thiện với môi trường. Đặc biệt nền chăn nuôi không sử dụng hóc môn  tăng trưởng  từ 25 năm nay, không chất kháng sinh kích thích tăng trưởng từ 10 năm nay và và không bột xương động vật từ 26 năm nay, 

“Khả năng truy xuất nguồn gốc từ  trang trại đến bàn ăn, tất cả các quy trình được  thực hiện nghiêm ngặt bởi cả các nhà sản xuất chuyên nghiệp  lẫn cơ quan chức năng để đảm bảo đem đến cho người tiêu dùng  loại  thịt an toàn. Người chăn nuôi theo dõi hàng ngày tình trạng sức khỏe của đàn gia súc, liều lượng thú y và chịu trách nhiệm phòng ngừa và điều trị sức khỏe cho gia súc…”-  Chủ tịch INTERBEV chia sẻ. 

Tại sự kiện này, nhiều DN Việt Nam cũng bày tỏ mong muốn được nhập giống bò của Pháp, được chuyển giao công nghệ chăn nuôi, giết mổ… Nhiều kết nối đã được hình thành ngay ngày đầu triển khai chuỗi sự kiện.

Kể  từ năm 2015, thịt bò Pháp đã trở lại thị  trường Việt Nam (các kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm được chấp thuận lại vào cuối tháng 8/2015).  Trong 6 tháng đầu năm 2016, các công ty của Pháp đã xuất khẩu 100 tấn  thịt bò đông lạnh và 270 tấn nội tạng bò sang Việt Nam.

“Đây là một khởi đầu đầy hứa hẹn đối với một thị trường mới mở cửa trở lại! Song chúng tôi không có tham vọng ngay sau chuỗi sự kiện này, sẽ xuất khẩu ồ át hàng  triệu tấn thịt bò vào Việt Nam.  Mục đích của chúng tôi là nhằm tăng kích cầu tại thị trường Việt Nam, để người tiêu dùng Việt Nam mong muốn được tiêu dùng thịt bò Pháp…”- Chủ tịch INTERBEV chia sẻ. 

Theo ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục chăn nuôi, Bộ NN&PTNT, cho biết, hiện sản lượng thịt tại Việt Nam từ 6- 6,5 triệu tấn/năm, đủ cung cấp cho nhu cầu tiêu thụ trong nước. Riêng thịt bò, 80% thị có nguồn gốc từ Việt Nam, thịt nhập khẩu chưa nhiều. Hiện Việt Nam , đã có những trang trại chăn nuôi quy mô lớn lên tới 30.000 con bò, tuy nhiên chủ yếu vẫn nuôi quy mô nhỏ với 4 triệu hộ gia đình nên thị trường thiếu sự ổn định, chưa nhiều công nghệ tiên tiến.

Cục trưởng Cục chăn nuôi cũng bày tỏ mong muốn các DN Pháp tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư  với DN trong nước, chuyển giao công nghệ, cung cấp nguồn cung thị bò tốt, đảm bảo ATVSTP, môi trường theo quy định của Việt Nam…